Ước nguyện gia tộc, cứu cánh cuộc đời

Theo NHK, ngày 2/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố cải tổ Nội các và ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Trong danh sách Chính phủ mới gồm 19 thành viên, có 12 chính trị gia lần đầu được bổ nhiệm, trong đó nghị sĩ Takeshi Iwaya được chỉ định giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong 7 vị trí được giữ lại có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono,… - vốn là những người đã gắn bó và đồng hành cùng ông Abe kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng lần hai vào tháng 9/2012.

Đây là động thái đầu tiên sau khi Thủ tướng Abe đắc cử Chủ tịch đảng LDP nhiệm kỳ thứ ba, với mục tiêu xây dựng nền tảng quyền lực vững chắc để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện vào năm 2019 cũng như thực hiện một số chính sách quan trọng liên quan đến kinh tế và việc sửa đổi Hiến pháp. Như vậy, có thể thấy, ông Abe chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành những tham vọng còn dang dở thay vì đưa ra những chính sách mới.

Trước tiên, trong bối cảnh tình hình khu vực được dự báo có nhiều biến động, giới quan sát nhận định vị Thủ tướng Nhật Bản sẽ dồn lực giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách ngoại giao thời hậu chiến của nước này, bao gồm việc bình thường hóa quan hệ Nhật – Trung, vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay tiến tới ký hiệp ước hòa bình với Nga liên quan đến tranh chấp Vùng lãnh thổ phương Bắc/ Quần đảo Kuril.

Nội các mới của Nhật Bản ra mắt ngày 2/10. (Nguồn: Xinhua)

Cùng với đó, ông Abe tiếp tục chính sách “Abenomics” của mình và nỗ lực để kéo dài độ tuổi lao động của người Nhật, đi kèm đó là lời hứa hỗ trợ an sinh xã hội tốt hơn. Từ 2012-2018, với việc thực hiện chính sách “Abenomics”, nền kinh tế Nhật Bản đã có giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ thập niên 1980, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,5% và mức lương của người lao động được cải thiện. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, so với nhiệm kỳ Thủ tướng vừa qua, khi ông Abe dùng “Abenomics” để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri, ở nhiệm kỳ lần này, “trái tim ông không đặt ở đó”. Cây bút William Pesek bình luận trên Nikkei Asian Review: “Thủ tướng Abe và Nội các của ông tỏ rõ mọi dấu hiệu rằng họ sẽ tập trung sửa đổi Hiến pháp, chính thức công nhận quân đội Nhật Bản”.

Những năm qua, Thủ tướng Abe luôn theo đuổi mục tiêu sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, vốn có hiệu lực năm 1947. Nỗ lực này của ông Abe đã bị ngưng trệ trong năm 2018 do vấp phải phản đối từ trong nội bộ chính quyền cũng như sức ép của dân chúng.

Trong thời gian tới, để hiện thực hóa mục tiêu này của mình, ông Abe sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm các cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc, quá trình chuyển giao ngôi Vua, cuộc bầu cử Thượng viện 2019… Trong trường hợp cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng vào năm sau đem lại kết quả bất lợi cho LDP, ông Abe chắc chắn sẽ bị sức ép không nhỏ từ các đảng phái đối lập và người dân, đặc biệt trong vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Chuyên gia Yu Uchiyama (Đại học Tokyo) nhận định với Xinhua: “Kể cả khi Abe cố gắng buộc Quốc hội thông qua sửa đổi, ông vẫn phải đối mặt với một cuộc trưng cầu ý dân, làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị theo kiểu Brexit nếu người dân bỏ phiếu chống lại ông”.

60 năm trước, Thủ tướng Nhật Bản thời bấy giờ Nobusuke Kishi – ông ngoại của Thủ tướng Abe - đã phải từ chức trước áp lực của dư luận phản đối đề xuất của ông trong việc tái xây dựng quân đội. Giờ đây, Shinzo Abe – vị Thủ tướng quyền lực bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, đang bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình với nhiều tính toán, trước tiên là ở bộ máy nhân sự Nội các. Thủ tướng Abe lấy tham vọng sửa đổi Hiến pháp năm xưa của gia tộc như cứu cánh của cuộc đời, mục tiêu mà ông chỉ còn một nhiệm kỳ để thực hiện. Đó chắc chắn sẽ là một hành trình dài và khó khăn không kém con đường đã khiến cựu Thủ tướng Kishi bỏ cuộc.

Quang Chinh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/uoc-nguyen-gia-toc-cuu-canh-cuoc-doi-79010.html