Ước nguyện chính đáng khi nghĩ về Cuộc chiến Biên giới tháng 2.1979

Lịch sử là một bài học, nhìn nhận lịch sử một cách khoa học và chân xác cũng là một cách hòa giải lịch sử

Có dịp viếng thăm thành phố Cao Bằng vào mùa xuân năm nay, khó mà nhận ra nơi đây từng là một chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc 41 năm trước.

Cao Bằng giờ đây là một thành phố bình yên và phát triển. Chiến tranh chỉ còn là ký ức được gợi nhớ từ những nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ. Ở phường Hợp Giang (TP. Cao Bằng), nhà bia liệt sĩ nơi chúng tôi đến thăm tọa lạc tại một góc phố rợp bóng cây xanh (ảnh). Nhà bia gồm 4 mặt, ghi danh những người đã ngã xuống trong ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Và, thật bất ngờ khi nhìn thấy cách ghi trên những tấm bia ấy: 3 trong số 4 tấm bia ghi rõ “Liệt sĩ chống Pháp”, “Liệt sĩ chống Mỹ”, một mặt còn lại chỉ ghi “Liệt sĩ P.Hợp Giang (Bảo vệ Tổ quốc)”. Đọc kỹ thời điểm hy sinh ghi trên bia là các năm 1979 và 1980, có thể hiểu đây là những người đã ngã xuống trong cuộc chiến Biên giới tháng 2 năm 1979, kéo dài đến 10 năm sau đó.

Cách ghi trên những tấm bia ở nhà bia liệt sĩ phường Hợp Giang TP. Cao Bằng tưởng là chuyện nhỏ, thật ra lại rất đáng để suy nghĩ. Các cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc là như nhau về bản chất và vì thế cách ghi nhận về những người ngã xuống trong các cuộc chiến đấu ấy phải như nhau, nếu không muốn có sự hoài nghi trong hiện tại và đánh lẫn sự thật trong lịch sử.

Sở dĩ có một tâm trạng được lặp đi lặp lại trong xã hội hàng năm vào dịp tháng 2 từ sau năm 1979 “Không thể quên Biên giới tháng 2”, là bởi vì cách đề cập đến sự kiện đó trên truyền thông không liền lạc và thiếu sự chính danh mạnh mẽ trong nhiều năm, trừ sự đậm đà rất đáng kể vào năm 2019.

Trong Hội thảo quốc gia lần đầu tiên với chủ đề: Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc-40 năm nhìn lại (do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vào năm 2019), GS-TSKH. Vũ Minh Giang – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu: “45 năm qua, là thời gian đủ dài để cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại...Việc khép lại quá khứ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ...”.

Trên thực tế, nếu như các cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc qua các thời Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung... đã được hòa quyện mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thì cuộc chiến chống xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979 lại chưa có một vị trí xứng đáng trong các bộ sách lịch sử, trong sách giáo khoa – một công cụ phổ thông quan trọng để các thế hệ kế tiếp hiểu rõ các giai đoạn của lịch sử dân tộc.

Theo GS-TS. Phạm Hồng Tung - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội - trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12 hiện hành (bản in 2018 của NXB Giáo Dục Việt Nam), lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc được đề cập với một dung lượng ngắn hai đoạn gồm 4 câu và 11 dòng. Toàn bộ quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vùng biên giới phía Bắc và Biển Đông hầu như không được đề cập đến.

Thực tế giáo dục lịch sử này rõ ràng là không đáp ứng được nhu cầu nhận thức của các thế hệ kế tiếp. Bởi vì, điều mà người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, cần phải hiểu rõ không chỉ là sự kiện Biên giới tháng 2.1979 mà còn là bối cảnh quốc tế của cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc vào năm 1979.

GS-NGND. Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định tại hội thảo khoa học nói trên: “Cuộc chiến Việt –Trung đã bộc lộ sự chuyển biến về thực chất mối quan hệ giữa các nước lớn và giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Đó không chỉ là sự đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ mà là mâu thuẫn tam giác Mỹ-Trung-Xô và Việt Nam bị cuốn vào vòng xoáy đó... Sự thực đó, đánh dấu chấm hết cho mối liên minh xã hội chủ nghĩa. Không nên phủ nhận, từ góc độ sử học càng không nên, sự đồng tình ủng hộ và sự giúp đỡ có hiệu quả của hai nước lớn xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam trong giai đoạn đó. Song nếu cho đó là hành động “vô tư, khẳng khái” thì e rằng không thấy rõ bản chất của quan hệ giữa các nước lớn, cũng như giữa nước lớn và nước nhỏ...”.

Biết ơn là phẩm chất và đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Nhưng, phân định rõ đâu là giới hạn của chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc phải bảo vệ và gìn giữ lại là một nguyên tắc tối thượng của tất cả các nhiệm kỳ điều hành đất nước. Giữ vững nguyên tắc đó là cơ sở để đảm bảo đúng đắn và vững chắc đường lối độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình, hữu nghị trên toàn thế giới.

Điều đáng suy nghĩ là cho đến nay, những gì cần làm để cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979 được nhìn nhận đúng với những gì đã diễn ra có lẽ vẫn còn là “đề xuất”. Lịch sử là một bài học, nhìn nhận lịch sử một cách khoa học và chân xác cũng là một cách hòa giải lịch sử.

Duy Thông

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/uoc-nguyen-chinh-dang-khi-nghi-ve-cuoc-chien-bien-gioi-thang-2-1979-22627.html