Ước muốn trở thành nhịp cầu hữu nghị

Cuộc họp thường niên lần thứ 29 giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào

(HNMO) - Là một trong những sinh viên người Palestine đầu tiên học tại Việt Nam, Saleem Hammad, sinh năm 1993, dành trọn tình yêu cho Việt Nam và xem đây là quê hương thứ hai của mình.

Tại cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình 2019 thành phố Hà Nội do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp cùng các đối tác tổ chức mới đây, Saleem Hammad đã xuất sắc giành danh hiệu nam Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình 2019 thành phố Hà Nội. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trò chuyện với Saleem Hammad.

Saleem Hammad trong đêm trao giải Vàng Cuộc thi tìm kiếm Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình 2019 thành phố Hà Nội.

- Saleem Hammad có thể cho biết động lực nào đưa anh tham gia cuộc thi này?

- Là người Palestine, một đất nước vẫn đang bị chiếm đóng nên hơn bất kỳ dân tộc nào, chúng tôi rất khát khao hòa bình. Tôi tham gia cuộc thi với mong muốn chuyển tải những hình ảnh đẹp từ Việt Nam, từ Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình tới Palestine và bạn bè quốc tế. Qua cuộc thi này, tôi cũng muốn gửi đi một thông điệp: Hãy chung tay để đẩy lùi xung đột, chiến tranh và cùng xây dựng hòa bình.

- Vậy cảm xúc của anh chắc hẳn rất đặc biệt khi nhận danh hiệu nam Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình 2019 thành phố Hà Nội?

- Cách đây 2 năm, có một nhà báo từng hỏi tôi: Ước muốn của Saleem Hammad khi đến Việt Nam là gì? Tôi đã trả lời rằng, bên cạnh việc học tập, tôi mong có cơ hội được tìm hiểu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và trở thành một nhịp cầu để góp phần thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Palestine. Thật may mắn, ước muốn của tôi đã trở thành hiện thực. Danh hiệu Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình 2019 thành phố Hà Nội vừa là niềm vui vừa trao cho tôi trách nhiệm lớn. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng với danh hiệu này.

- Được biết Saleem Hammad đã từng là sinh viên Khoa Việt Nam học của Đại học Hà Nội. Anh có thể kể về câu chuyện đến với Việt Nam của mình?

- Tôi được nghe nhiều về Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ thông qua những bài học lịch sử về các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai bậc vĩ nhân mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi đã mong có một ngày được đặt chân tới đất nước anh hùng này và cơ hội cũng đến với tôi vào năm 2011. Vì có thành tích học tập xuất sắc, tôi đã được trao học bổng theo chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đại học Palestine và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Tôi vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, một thành phố xinh đẹp, duyên dáng, có nhiều hồ nước và cây xanh. Ban đầu, mọi thứ ở đây hoàn toàn lạ lẫm đối với tôi, từ phong tục tập quán tới món ăn. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, tất cả đã dần trở nên thân quen.

Người Việt Nam có câu "nhập gia tùy tục", vì vậy tôi đã cố gắng chăm chỉ học tiếng Việt và hòa nhập với văn hóa Việt Nam. Càng tìm hiểu sâu về phong tục tập quán của người Việt Nam, tôi càng thấy yêu đất nước, con người nơi đây và muốn gắn bó với đất nước này. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp Khoa Việt Nam học của Đại học Hà Nội, tôi đã nhận được lời mời về nước làm việc cho Phòng Quan hệ quốc tế của Trường Đại học An ninh Al Istiqlal thuộc Học viện Cảnh sát Palestine. Tuy nhiên, chỉ 9 tháng sau tôi đã chọn quay lại Hà Nội, nơi tôi luôn cảm thấy gần gũi, gắn bó. Có thể nói Việt Nam đã tạo điều kiện và trao cho tôi rất nhiều cơ hội. Tôi biết ơn về điều này và thời gian tới sẽ cố gắng hết sức mình trong vai trò cầu nối hữu nghị giữa hai quê hương.

- Xin cảm ơn Saleem Hammad về cuộc trò chuyện.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/954287/uoc-muon-tro-thanh-nhip-cau-huu-nghi