Ước mơ xanh và câu chuyện 1 triệu USD

Một ngày mùa hè năm 2018, giữa ánh sáng muôn màu của lễ trao giải quốc tế trang trọng tại xứ sở sương mù, Tập đoàn Capital House của Việt Nam đã được xướng danh về hạng mục công trình xanh của giải thưởng Transformational Business Awards 2018 diễn ra tại London, Vương quốc Anh.

Ông Đỗ Đức Đạt - Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và thương mại Thủ đô

Để ghi được dấu ấn này, Capital House đã phải vượt qua dự án của hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên khắp thế giới. Hồ sơ tham dự được nghiên cứu và bình chọn bởi Hội đồng Giám khảo gồm 8 lãnh đạo và chuyên gia từ các tổ chức uy tín trên thế giới, như Financial Times, IFC, Climate Group, Centre for Global Development, University of California, San Diego… Tư vấn kỹ thuật cho Transformational Business Awards 2018 là Cty tư vấn và kiểm toán uy tín toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC).

Trong tuyên bố chung đọc tại Lễ trao giải thưởng, Ban giám khảo cuộc bình chọn cho biết: “Capital House đã thành công trong việc áp dụng các tiêu chí về môi trường vào phân khúc nhà thu nhập thấp, trong khi các tiêu chí này thông thường chỉ dành cho những tòa nhà sang trọng”.

Tôi đã từng nghe tên một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực BĐS là Đỗ Đức Đạt - Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và thương mại Thủ đô (Capital House), mà anh em báo chí thường gọi thân thiện là “Đạt Thủ đô” - nhưng chưa gặp mặt bao giờ.

Nhưng rồi một hôm, tại buổi họp trù bị cho cuộc hội thảo khởi động Chương trình phát triển Xanh và Bền vững do ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - chủ trì cách đây hơn một năm, người ta thấy xuất hiện một người đàn ông ăn mặc giản dị, dáng cao gầy trạc ngoài 40, đầu húi cua, đặc biệt có đôi mắt tinh nhanh ánh lên sự hóm hỉnh khi nói chuyện. Tôi cũng không biết đấy là ai nhưng sau khi nghe giới thiệu thì mới ngã ngửa rằng, đó là Đỗ Đức Đạt.

Tôi cũng đã được nghe nhiều về Capital House bởi những dự án nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội nhưng vẫn hướng tới mục tiêu “rẻ mà vẫn Xanh”, áp dụng nhiều biện pháp như vật liệu Xanh, công nghệ Xanh, thiết kế Xanh…, khiến cho cuộc sống thường ngày của cư dân an bình hơn, an toàn hơn mà mức chi phí về điện, nước… hằng tháng giảm được ngót 1/3. Quả là con số đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, con số ấn tượng hơn đối với tôi là tại Chương trình vận động phát triển Xanh và Bền vững này, Capital House đã tiên phong cam kết ngay lập tức dành 1 triệu USD rải đều trong 5 năm đóng góp vào nguồn kinh phí cho Ban Điều phối điều hành thực hiện chương trình.

Thú thật, khi tiếp cận với con số ấy trong hoàn cảnh ấy, tôi cũng cảm thấy hơi… tức ngực. Bởi trong mắt tôi, với một con người bình dị, gương mặt có phần khắc khổ, rồi lại ở một doanh nghiệp bất động sản thường thường bậc trung trong hàng ngũ các “đại gia”, khoản tiền ấy không hề nhỏ và cũng không thể chi một cách “hồn nhiên” cho một mục tiêu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế. Và cũng bởi vì trong mắt tôi, còn bao nhiêu doanh nghiệp bất động sản đàn anh lừng danh khác, cũng là hội viên của Hiệp hội, cũng mang danh xanh nọ xanh kia, mà vẫn còn cân nhắc, so đo.

Lúc ấy tôi nghĩ, chắc là Capital House “kiếm” được ở đâu đấy nguồn tài trợ của nước ngoài về Công trình Xanh, nay trích một phần ra để thực hiện. Nhưng hóa ra không phải, đây hoàn toàn là tiền cá nhân, của riêng Đỗ Đức Đạt và bạn hữu trong Capital House. Người “lạ” như thế mà không tìm cách tiếp cận thì thật đáng tiếc. Thế là tôi tìm Đỗ Đức Đạt.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi ở một công trình kiến trúc đầy ắp hoa, lá, ánh sáng tự nhiên và nội thất thân thiện. Tòa nhà EcoLife Capitol cao 36 tầng với 760 căn hộ tại 58 Tố Hữu (Hà Nội) sừng sững đầy kiêu hãnh với kiến trúc độc đáo, tràn đầy cây xanh dưới ánh nắng thu. Nghe nói chi phí đầu tư cho Công trình Xanh cao cấp này đã làm EcoLife Capitol tăng thêm giá trị đầu tư hơn 100 triệu đ/căn hộ. Tuy nhiên, dự án giúp các hộ cư dân tiết kiệm được 27,5% năng lượng nước; 27,7% năng lượng điện và năng lượng tiết kiệm hàm chứa trong vật liệu giảm 27%.

Chúng tôi ngồi với nhau, nói chuyện đông tây kim cổ. Thì ra hồi còn trẻ, Đỗ Đức Đạt là người ham mê đọc sách, mới đầu là tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc, đủ cả Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử. Rồi sau đấy lại nghiên cứu về vũ trụ, về vụ nổ Bigbang, thấy mình quá bé bỏng và cuộc sống dường như vô nghĩa vì tương lai chỉ tỷ năm nữa, loài người lại trở về hư vô như quy luật vốn có. Nhưng rồi nhờ cơ duyên, gặp một ông thầy cực giỏi người Huế, Đạt đến với đạo Phật và ngộ ra nhiều điều. Và từ đấy, mọi tư duy và hành động của Đỗ Đức Đạt đã chuyển sang một hướng hoàn toàn mới.

Đạt tâm sự:

- Em rất tin vào triết lý của đạo Phật, nhất là luật Nhân - Quả, nhân nào thì quả ấy, gieo gì thì hưởng nấy. Mà điều này rất khoa học đấy. Anh đã đọc cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay” của nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận và một nhà sư, vốn là một nhà khoa học Mỹ, Matthieu Ricard chưa? Cuốn sách ấy đã lý giải rất nhiều điều.

Tôi lắc đầu không hiểu, tại sao trong tư duy của một doanh nhân thành đạt, tiền bạc luôn luôn là hình ảnh thường trực lại quan tâm đến những điều quá xa xôi như thế. Nhân và quả, thiện và ác, lòng trắc ẩn và sự tham lam có quan hệ gì đến cụm từ Công trình Xanh kia không?

Trong cuốn sách “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, điểm khác biệt cơ bản của khoa học Phật giáo và khoa học tự nhiên là, khoa học Phật giáo nghiên cứu các chiêm nghiệm nội quan, trong khi các ngành khoa học tự nhiên, trong đó có vật lý, lại nghiên cứu những hiện tượng bên ngoài. Matthieu Ricard nói: “Mục đích của chiêm nghiệm Phật giáo trước hết là chẩn đoán các tri giác hiện thực sai lầm của chúng ta, và sau đó phát hiện ra bản chất của tinh thần và của các hiện tượng, để đáp ứng nguyện vọng của chúng sinh muốn chấm dứt đau khổ và tìm thấy hạnh phúc đích thực".

Theo quan điểm của Đỗ Đức Đạt, tại sao công trình xanh cứ nhất thiết phải là công trình cao cấp? Nhà ở xã hội của Singapore đã tiếp cận với công trình xanh. Mỗi người dân đều xứng đáng được thụ hưởng điều này, giống như thụ hưởng môi trường trong lành vốn có mà do biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa… đã hủy hoại. Với những người thu nhập thấp, họ càng cần được sống trong những căn hộ xanh và các công trình xanh để giúp họ giảm chi phí điện, nước… Việc tiết kiệm một số tiền nhất định trong tháng ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của họ. Đồng thời, đây mới là đối tượng khách hàng chiếm số đông và tiêu thụ tài nguyên (điện, nước…) nhiều nhất.

Thế là Đạt đã dốc toàn bộ tâm huyết của cuộc đời mình để thực hiện cho được ước mơ ấy, và đến nay đã và đang trở thành hiện thực.

Khi chia tay ra về rồi ngẫm nghĩ lại, tôi lại càng khâm phục người doanh nhân trẻ ấy, bởi lẽ, việc bỏ ra 1 triệu USD để thực hiện ước mơ của chính mình vốn không hiếm trên thế giới và cũng đã không quá hiếm ở một nước còn đang nghèo như Việt Nam. Nhưng bỏ ra 1 triệu USD để thực hiện một chương trình phát triển cho cộng đồng về công trình xanh trong lĩnh vực bất động sản phân khúc thu nhập thấp thì ở Việt Nam đến nay, tôi mới thấy chỉ có một người.

Transformational Business Awards là giải thưởng thường niên do Tạp chí Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức bình chọn từ năm 2014. Giải thưởng có nhiều hạng mục như công nghệ, thực phẩm và nước, giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở, công trình xanh, khí hậu, tài chính. Hàng năm, Transformational Business Awards thu hút rất nhiều hồ sơ tham dự từ khắp các nước trên thế giới, đơn cử năm 2017 có 148 hồ sơ tham gia của 152 DN/tổ chức từ 84 quốc gia.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/uoc-mo-xanh-va-cau-chuyen-1-trieu-usd.html