Ước mơ về cây cầu để đường đến trường của cô trò Tà Tổng bớt gian nan

GDVN- Ngày nắng hay mưa, các cô giáo đều phải đến từng nhà, tìm từng học sinh để đưa các em qua suối. Sau giờ học, các cô lại cõng các con về nhà

Đó là chia sẻ của cô giáo Đỗ Lan Hương - Hiệu trưởng trưởng Mầm non Tà Tổng (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) về con đường đến trường của các em học sinh bản Nậm Dính.

Năm học 2020 – 2021, trường Mầm non Tà Tổng sẽ đón 960 học sinh chia ra các điểm trường, tại Nậm Dính 70 em học sinh sẽ ra lớp.

Tà Tổng nằm trên độ cao khoảng 1500m so với mặt nước biển, rộng gần 51,5 ha, giao thông đi lại thuộc hàng khó bậc nhất của huyện Mường Tè.

Dân số khoảng 700 hộ với khoảng 5640 khẩu với 4 dân tộc anh em sinh sống là người Mông (95%), Hà Nhì ( hơn 4 %) còn lại là người Kinh và người Mường, sống tập trung ở 10 bản.

Đường vào Tà Tổng từ lâu vẫn là điều huyền thoại của bất cứ ai nghe đến xã vùng khó này. Tuy vậy, Tà Tổng ngày nay dần thay đổi bắt đầu từ những đổi thay từ giáo dục.

Thế nhưng, để đến trường, từ trong thôn ra đến điểm trường, dù nắng hay mưa, con đường từ thôn Nậm Dính ra đến điểm trường phải đi qua một con suối. Mùa mưa hay mùa nắng, các cô đều sẽ đến từng nhà, đón từng em và cõng các em qua suối.

Mùa khát ở Na Cô Sa

Mùa cạn nhàn hơn 1 chút, những em lớn sẽ tự đi được, cô sẽ chỉ phải cõng các em nhỏ. Nhưng và mùa mưa hoặc những ngày đầu tháng 9 tựu trường, các cô giáo sẽ phải theo sát các em từng bước một.

Từ lâu, ước vọng về cây cầu bắc qua con suối của Nậm Dính không chỉ là ước mơ của bà con dân bản mà còn là ước mơ của các cô giáo và học trò nơi đây.

Cô giáo Hương cũng cho biết, cũng vì đường đi khó nên việc đưa đồ dùng học tập vào đến từng điểm trường đang gặp một số khó khăn nhất định. Nhiều điểm trường vẫn phải khắc phục việc thiếu đồ dùng học tập.

Ngày 31/8, các cô phải đến từng nhà huy động các em ra lớp để chuẩn bị năm học mới:

Cả đoàn đang cùng nhau vượt suối cạn ngày 31/8. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Cả đoàn đang cùng nhau vượt suối cạn ngày 31/8. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Những ngày tới, nếu nước cạn, việc vượt suối của cô trò Nậm Dính sẽ thuận lợi, còn nước dâng cao sẽ là một hành trình mạo hiểm đến trường. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Niềm vui qua suối an toàn. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Các bạn nhỏ sẽ được cô giáo cõng qua. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Không phải 1 mà là 2 trẻ trên lưng một cô giáo. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/uoc-mo-ve-cay-cau-de-duong-den-truong-cua-co-tro-ta-tong-bot-gian-nan-post212069.gd