Ước mơ của những giáo viên 'cắm bản'

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), khi được hỏi về những ước mơ của mình, phần lớn giáo viên ở xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An dường như quên đi những nguyện vọng cá nhân. Họ chỉ nghĩ đến các học trò vùng cao còn nhiều khó khăn với những điều mong mỏi tốt đẹp nhất trong tương lai...

Học sinh bán trú xã Mai Sơn trở lại trường sau ngày nghỉ cuối tuần. Ảnh: Viết Lam

Bình minh của những ngày đầu mùa đông ở xã biên giới Mai Sơn là màn sương dày đặc, giá lạnh đến run người. Thế nhưng, trên những con đường liên xã vẫn dễ dàng bắt gặp những cô, cậu học trò đến trường với tấm áo mỏng manh. Phần lớn học sinh ở đây là con em đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú… đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, còn nhiều khó khăn. Trong sự thiếu thốn đủ bề của người dân biên giới, việc dạy học của những giáo viên cũng gặp phải không ít trở ngại.

Lên công tác ở Mai Sơn khi vừa rời ghế giảng đường đại học, đến nay đã 15 năm, thầy giáo Nguyễn Nghĩa Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (THCS) Mai Sơn đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của vùng đất biên cương, hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn trong việc dạy và học ở xã biên giới.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn có có 203 học sinh, trong đó có tới 103 em thuộc diện bán trú. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ cho việc sinh hoạt, học tập của các em học sinh tại đây rất thiếu thốn. Những đồ sinh hoạt hằng ngày như chăn, màn, dường, chiếu, quần, áo ấm, sách, vở của học trò… phần lớn đều do giáo viên nhà trường kêu gọi từ các nhà hảo tâm. Cũng vì thiếu thốn mà nhiều em học sinh nơi đây luôn nhấp nhổm bỏ học. Chính vì thế, điều thầy Tuấn mong mỏi nhất là "các em có đủ quần, áo, chăn ấm trong mùa đông giá rét để không phải bỏ học giữa chừng.”

Thầy giáo Lữ Thịnh, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn là con em của một gia đình đồng bào dân tộc Khơ Mú ở địa phương. Sau thời gian học tập trên ghế nhà trường, thầy Thịnh được trở lại quê hương công tác, đến nay cũng đã hơn 15 năm đứng trên bục giảng. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, thầy Thịnh đã phát huy được lợi thế trong công tác vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Thầy Thịnh chia sẻ: “Tôi mong cuộc sống của các đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc để bà con có điều kiện quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình. Mong rằng, sẽ không có học sinh phải bỏ học giữa chừng vì gia đình quá nghèo khổ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Tú luôn dành tình cảm đặc biệt cho học trò của mình. Ảnh: Viết Lam

Dù mới nhận công tác ở Trường Mầm non xã Mai Sơn thế nhưng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tú đã xung phong lên với điểm trưởng Piêng Coọc, sát vùng biên giới Việt – Lào giảng dạy. Học trò của cô giáo Tú đều là con em đồng bào dân tộc Mông với cuộc sống nghèo khó. Dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng bằng tình yêu nghề, yêu trẻ, cô giáo Tú đã dành trọn tình cảm của mình cho người dân và học sinh nơi đây. Trong những lần về xuôi thăm nhà, cô thường vận động người thân, bạn bè tặng quần áo cho học trò của mình. “Em chỉ mong rằng, một ngày nào đó ở đây có điện lưới, việc học tập của các em học sinh sẽ được thuận lợi hơn” - cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tú bộc bạch.

Thế nhưng, giấc mơ của các thầy giáo, cô giáo ở vùng biên viễn này có thực hiện được hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/uoc-mo-cua-nhung-giao-vien-cam-ban/