Ước mơ của người vợ liệt sĩ Gạc Ma

30 năm qua, bà Cao Thị Bình (60 tuổi) vợ liệt sĩ Hồ Công Đệ hy sinh trong trận Hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 (Gạc Ma) vẫn từng ngày phụng dưỡng mẹ chồng đã 90 tuổi và tần tảo nuôi các con khôn lớn.

Đã 30 năm qua, bà Bình vẫn tần tảo phụng dưỡng mẹ già và nuôi các con khôn lớn.

Tần tảo phụng dưỡng mẹ già, nuôi con khôn lớn

Một ngày đầu tháng 3/2018, chúng tôi tìm về gia đình liệt sĩ Hồ Công Đệ ở xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Trong ngôi nhà khang trang vừa xây dựng xong năm 2015 chỉ có bà Cao Thị Bình và mẹ già đang sinh sống.

Chồng hy sinh khi bà đang mang thai cậu con trai út, đã 30 năm qua bà Cao Thị Bình vẫn âm thầm, lặng lẽ chăm sóc mẹ chồng già yếu là bà Dương Thị Đề, năm nay đã 90 tuổi và nuôi 3 người con khôn lớn, trưởng thành.

Cũng như bao thế hệ thanh niên Việt Nam khi đang ở độ tuổi đôi mươi, người thanh niên Hồ Công Đệ đã xung phong lên đường nhập ngũ, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Với thành tích xuất sắc trong thời gian trong quân ngũ, anh được giữ lại và cử đi học Y sĩ ở Hải Phòng.

Trong một lần về nghỉ phép anh đã bén duyên với người vợ của mình, sau đó tổ chức đám cưới trong niềm hân hoan, vui mừng của 2 bên họ hàng.

Tấm ảnh cưới của vợ chồng bà Cao Thị Bình.

“Năm 1982, tôi và anh ấy cưới nhau, khi đó anh đang học y sĩ. Được vài tháng ở nhà với vợ, anh ấy lại khoác ba lô lên đường công tác, thời gian sau gia đình đón con gái đầu lòng và mỗi lần anh ấy cứ đi biền biệt như vậy. Anh chỉ được về phép vài lần và những lần đấy, lần lượt một người con gái và cậu con trai út ra đời” - Bà Bình chia sẻ.

Đến năm 1987, anh Hồ Công Đệ được điều động ra Trường Sa làm nhiệm vụ, ngày 14/3/1988, trong trận chiến ở đảo Gạc Ma, anh đã anh dũng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Bình xúc động nhớ lại: “Ngày nhận được giấy báo tử và tư trang của chồng, tôi không tin điều đó là sự thật. Lúc ấy tôi đang mang thai trong mình người con trai út là Hồ Công Được. Nó đã không kịp nhìn thấy mặt cha nó, nhưng tôi nén nỗi đau để chăm sóc các con khôn lớn và phụng dưỡng mẹ chồng già yếu.

Khi đó cuộc sống nghèo khó, gia đình đang ở trong căn nhà tranh vách đất cộng với cái nghèo, cái đói khi phải nuôi 3 đứa con nhỏ. Tôi đã đi đây đi đó bươn chải từ Bắc tới Nam, đưa các con đi hết nơi này đến nơi khác làm nhiều việc khác nhau để có miếng cơm, manh áo nuôi các con ăn học khôn lớn, trưởng thành. Thực sự quá vất vả, vì con vì chồng để có được ngày hôm nay”.

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Hồ Công Đệ.

Mong muốn con có công việc gần nhà

Là đứa con trai duy nhất của gia đình liệt sĩ Hồ Công Đệ, nhưng nhiều năm nay anh Hồ Công Được (30 tuổi) phải tha phương đi đây, đi đó để tìm kiếm công ăn việc làm, phải đưa vợ con vào tận miền Nam xa xôi làm công nhân nên không có thời gian chăm sóc bà nội già yếu và phụng dưỡng mẹ tuổi đã cao.

Bà Bình tâm sự: “Vì ở nhà không có công ăn việc làm ổn định cho nên con tôi bây giờ nó phải vào Nam bươn chải làm ăn, nếu như nó có công việc gì của gia đình hoặc mẹ ốm, bà ốm thì nó cũng phải về vì nó là con trai cả trong nhà, mà những lần đi về như vậy tốn kém lắm. Không có công ăn việc làm với phải đi xa thế đấy kể mà có công ăn việc làm ở gần nhà thì nó cũng đỡ đi nhiều”.

Do tuổi đã cao nên bà Bình cũng gặp nhiều bệnh như thái hóa khớp, đau lưng, dạ dầy…sức khỏe giảm sút không làm được việc gì và cũng còn phải phụng dưỡng mẹ già tuổi cũng đã cao sức yếu, tinh thần không được minh mẫn, hay lẫn nên gương mặt của bà Bình tiều tụy và già đi nhiều so với tuổi của mình.

Mong muốn của bà Bình là người con trai cả được làm việc gần nhà để có thời gian chăm sóc gia đình, lo công việc hương khói cho liệt sỹ Hồ Công Đệ.

Được biết, bà Cao Thị Bình cũng đã từng phục vụ trong quân đội và làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào từ năm 1978 đến năm 1982 thì trở về địa phương và kết hôn với ông Hồ Công Đệ.

“Đối với gia đình bây giờ chỉ mong các cơ quan chức năng quan tâm tạo công ăn việc làm cho con tôi tại địa phương để nó có công việc ổn định, sau này tôi già yếu rồi nó còn có thời gian chăm sóc và còn lo công việc hương khói cho bố nó” - bà Bình bộc bạch.

Khi căn nhà bà Bình xây dựng ngoài sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức được 70 triệu đồng thì bà còn phải vay thêm 200 triệu đồng nữa từ ngân hàng để xây dựng ngôi nhà khang trang để che mưa, che nắng, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay số tiền 200 triệu đồng gia đình bà vẫn chưa có khả năng chi trả.

Nói về trường hợp gia đình liệt sỹ Hồ Công Đệ, ông Cao Khải Khang - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia cho biết: “Nguyện vọng chính đáng của gia đình là muốn các cấp quan tâm tạo điều kiện cho cháu có việc làm ổn định ngay tại địa phương.

Ngay tại địa bàn này khu công nghiệp cũng nhiều, nếu nhà nước, tổ chức quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho cháu nó làm việc ngay trên địa bàn đây thì càng quý, để cho con cô ấy thể chăm sóc bà, phụng dưỡng mẹ già”.

Trần Nghị

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/uoc-mo-cua-nguoi-vo-liet-si-gac-ma-post256050.info