Ước mơ của Linh - Cô bé học bảng cửu chương trên giường bệnh

Hôm nay, ngày 20/8, trường tiểu học nơi Diệu Linh đang theo học rục rịch tập trung, bắt đầu năm học mới. Riêng Linh, em để lại sự háo hức đến trường trên giường bệnh, chăm chỉ học bảng cửu chương và nuôi dưỡng ước muốn được về nhà và đi học cùng các bạn.

Nguyễn Ngọc Diệu Linh nhìn vào mắt chị Nguyễn Thị Lý, mạch lạc hỏi như vậy trong đợt truyền hóa chất đầu tiên vào tháng 6 vừa rồi.

Linh được chẩn đoán có thể bị ung thư xương sau hơn 1 tuần nhận phần thưởng lớp 1. Dự lễ Tổng kết năm học 2017-2018 về, cô bé liên tục kêu đau bả vai trái với mẹ. Đi khám, tay Linh đã bị gãy thành 3 khúc – một trong những dấu hiệu đầu tiên rõ nét biểu hiện bệnh.

Từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Linh và mẹ đi qua Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K1 và cuối cùng dừng chân tại Bệnh viện K3.

Chị Lý không bao giờ quên ngày hai mẹ con chị đi dưới cơn mưa vùi đầu mùa hạ, đặt chân tới nơi mà chị đã nghĩ lưỡi hái tử thần đang rất gần cô con gái 6 tuổi của mình.

Dòng nước mắt đau xót hòa với cơn mưa xối xả, chị ôm Linh vào lòng, vừa đợi chờ vừa ngửa mặt lên cao nguyện cầu: “Nếu mẹ gánh được những gì con đang mang thì mẹ xin sẵn sàng đánh đổi…”

Thế rồi, bác sĩ gọi chị Lý vào. Chị lặng người nhận kết quả: Diệu Linh chắc chắn bị ung thư xương, tiên lượng không tốt, phải bắt đầu điều trị ngay để giữ lại mạng sống cho bé.

Đợt truyền hóa chất đầu tiên bắt đầu. Những đợt buồn nôn dâng lên, cơn nôn ập đến, chán ăn, mệt mỏi kéo dài khiến Linh chỉ có thể nằm một chỗ. Lúc nào tỉnh, cô bé hay khóc ê a vì “Con đau lắm mẹ ơi!”.

Mỗi ngày, chị Lý đều thủ thỉ với Linh để cô bé hiểu vì sao mình đang ở đây, phải ở lâu như vậy và thứ đang chảy vào cơ thể con là gì. Chị Lý sắp xếp và làm từng bước một.

Chị đưa con đi cắt mái tóc đen nhánh, mượt mà đến ngang vai vẫn luôn được mẹ chải chuốt cẩn thận trong các buổi diễn văn nghệ, bởi chị biết, tác dụng phụ của hóa chất sẽ khiến tóc bị rụng.

Dần dần từng chút một, chị trò chuyện để Linh không hẫng hụt khi mái tóc con yêu lại biến mất do điều trị. Dần dần, tóc rụng hết, đầu Linh trọc lốc như bao bệnh nhi đang nằm điều trị tại Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K3.

Giữa tháng 8, Diệu Linh bước vào đợt truyền hóa chất thứ 2. Bắp tay trái sưng phồng, cô bé nằm nghiêng người sang phải, mân mê mái tóc của búp bê, thiêm thiếp ngủ.

“Con mà chết thì mẹ có sinh em bé nữa không?”

Diệu Linh tiếp tục hỏi mẹ lúc chợt tỉnh giấc. Những câu hỏi chàng màng giữa cơn đau do tế bào ung thư len lỏi, giữa mệt nhọc do tác dụng phụ của hóa chất kéo chị Lý vào tuyệt vọng.

Khối u trong xương của Linh ngày càng tăng dần về kích thước, sưng to như mặt cô bé. Cánh tay trái của Linh có thể bị phẫu thuật bỏ đi bất cứ lúc nào để ngăn chặn ung thư tiến triển và bảo tồn mạng sống. Chị Lý không biết “lúc nào” là bao lâu nữa.

Diệu Linh ước mình khỏi bệnh, được trở về nhà, giữ được cánh tay để đi học lớp 2 cùng các bạn. Được nghỉ vài ngày giữa 2 đợt truyền hóa chất, vừa về đến nhà, cô bé đã đòi mẹ đưa tới trường vì nhớ.

Đang là kỳ nghỉ hè, trường Tiểu học Phượng Vĩ của Linh vắng lặng, không có cô giáo, cũng chẳng có bạn bè của Linh. Nhưng với cô bé chuẩn bị lên lớp 2, được ngắm nhìn ngôi trường đã gắn bó năm học qua cũng khiến em vui sướng.

Tạm biệt trường lớp, Linh quay lại Bệnh viện K3, tiếp tục thực hiện theo phác đồ điều trị.

“Con muốn được đi học lắm! Con còn chưa thuộc bảng cửu chương.”

Diệu Linh trước khi cắt đi mái tóc mượt mà, đen nhánh.

Diệu Linh lo sợ khi quay lại trường lớp, không theo kịp các bạn. Vậy là, mẹ dậy Linh những điều cô bé không được học ở trường vì phải ở bệnh viện điều trị. Vừa điều trị vừa học, Linh đã thuộc bảng cửu chương nhân 1, nhân 2 và đang học bảng nhân 3.

Nhưng Linh vẫn luôn ngờ vực về việc mình có thể kịp trở về bước vào năm học mới cùng các bạn. Trong cuộc nói chuyện với nhau, Linh luôn là người đưa ra các câu hỏi câu hỏi có/không với mẹ.

“Mẹ hứa mẹ cho con đi học đấy, mẹ đừng bảo lưu kết quả. Con muốn đi học để trở thành tiếp viên hàng không”

Mong muốn đó nảy nở trong lòng cô gái nhỏ trên chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn đầu tháng 7 vừa rồi. Những khi Linh đòi học thì chị Lý biết, khát khao đó chẳng thể hiện thực được.

Từ ngày xuất hiện mầm nhỏ Diệu Linh, một chuỗi những điều đặc biệt xảy đến với cuộc đời chị Lý. Đúng ngày Mùng 1 Tết Tân Mão 2011, chị bị tai nạn trên đường đi chúc Tết, tưởng như không thể giữ được giọt máu bé bỏng mới hơn 1 tháng.

Diệu Linh sinh đúng ngày khai trường 5/9/2011. 2 giờ sáng hôm đó, khi nghe tiếng con khóc chào đời, chị Lý đã gieo cho mình một ước mong giản dị, là ngày khai giảng năm nào cũng được đưa Linh tới trường.

Diệu Linh kiên cường từ khi hoài thai, đến bây giờ, khi sắp trở thành em gái nhỏ 7 tuổi, em vẫn hằng ngày giành giật sự sống với tử thần.

Bên Diệu Linh qua từng bước đi cuộc đời, chị Lý thấy con vui tươi nhất là khi nhận phần thưởng và lúc đứng trên sân khấu biểu diễn văn nghệ. Niềm hạnh phúc của chị cũng in hằn lên hai khoảnh khắc đó.

Chị Lý chẳng ngờ ngày bước chân vào Bệnh viện K3 lại bám chặt vào ký ức của chị bền lâu đến vậy. Chị nhẹ nhàng thêm ngày 28/5/2018 đó trở thành một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời gần 30 năm của chị và gần 7 năm của con gái nhỏ.

Hôm nay, ngày 20/8, trường Tiểu học Phượng Vĩ bắt đầu năm học mới. Diệu Linh được cô hiệu trưởng thông báo qua điện thoại cách đây 2 tuần: “Con cố gắng ăn uống để có sức khỏe, về đi học cùng các bạn con nhé!”.

Diệu Linh nghe lời cô giáo và cũng háo hức được trở lại trường lớp, cô bé ăn nhiều hơn và cũng hào hứng hơn. Thế nhưng, sức khỏe chưa cho phép Linh rời giường bệnh, em vẫn phải tiếp tục ở lại Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K3 để chống chọi với căn bệnh ung thư xương quái ác.

Diệu Linh lẩm nhẩm theo lời bài hát đang hiện trên màn hình điện thoại “Con gái nhỏ của ba. Ba thương con biết mấy. Hãy cứ mãi tươi cười. Để cả nhà đều vui…”.

Đây là bài Linh thích nhất và cô bé đang đưa tay theo giai điệu, mường tượng hình ảnh mình đứng trên sân khấu múa bài hát này cùng các bạn trong ngày khai trường.

Nhưng đường tới trường của Linh bây giờ còn xa quá...

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/uoc-mo-cua-linh--co-be-hoc-bang-cuu-chuong-tren-giuong-benh-d10614.html