Ước mơ chân giả của cậu bé cụt chân vì ung thư xương thành hiện thực

Em Ngô Văn Vượng, nhân vật Vòng tay nhân ái MS 380 bị cắt cụt một chân vì căn bệnh ung thư xương mới đây đã may mắn được lắp chân giả nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ấn Độ.

Chuyên gia đang tiến hành đo lắp chân giả cho Vượng

Chuyên gia đang tiến hành đo lắp chân giả cho Vượng

Sau khi biết được thông tin về hoàn cảnh đáng thương của em Ngô Văn Vượng, SN 2003, ở thôn Cao Dương, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam mắc ung thư xương phải cắt bỏ bên chân phải ước mơ có một chiếc chân giả, đại diện Đại sức quán Ấn Độ đã liên hệ với chương trình Vòng tay nhân ái và mong muốn lắp chân giả miễn phí cho Vượng.

Ngày 12/7, em Vượng đã được Đại sứ quán Ấn Độ bố trí xe đón lên Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) để thực hiện đo, lắp chân giả. Sau thời gian ngắn tập luyện, Vượng đã có thể đứng vững trên chân giả và đi những bước ban đầu bình thường. Các chuyên gia cũng đã hướng dẫn cho Vượng cùng người nhà cách tập luyện ở nhà để có thể cử động linh hoạt hơn với chiếc chân giả, giúp các khớp vận hành theo cử động của mình.

Loại chân giả Jaipur Vượng được lắp có các khớp nối cơ học linh hoạt ở đầu gối, cổ chân. Chân giả Jaipur là loại chân giả được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Loại chân giả này hỗ trợ người cụt chân từ đầu gối trở xuống có thể đi, chạy, trèo cây, lái xe và ngồi xổm. Những người bị cụt chân từ đầu gối trở lên đều cũng có thể thực hiện hầu hết các động tác này.

Vượng đang tập đi với chân giả

Trước đó, như chúng tôi đã có bài phản ánh về hoàn cảnh của Vượng. Tháng 12/ 2017, Vượng phát hiện bị bệnh ung thư xương. Sau một thời gian ngắn điều trị, căn bệnh tiến triển nên em đã phải cắt bỏ bên chân phải. Mặc dù bệnh tật đau đớn nhưng Vượng rất lạc quan, nghị lực chiến đấu với bệnh. Khát khao được sống của cậu bé vẫn luôn cháy bỏng.

Vượng vẫn hy vọng một ngày nào đó, em chiến thắng được bệnh tật, trở lại ngôi trường mà em đang theo học. Vượng vẫn luôn ước ao có chân giả để chủ động đi lại nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền điều trị của em cũng đã quá sức với gia đình.

Khi biết tin con được hỗ trợ lắp chân giả miễn phí, chị Nguyễn Thị Liên – mẹ của Vượng đã rất vui mừng.

Chị xúc động nói: “Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ quán Ấn Độ, Báo Gia đình và Xã hội. Thông qua Báo, gia đình cũng cảm ơn đến những tấm lòng hảo tâm dù không quen biết nhưng đã có lòng thiện nguyện cứu giúp cháu.

Những ngày nằm viện cháu luôn ao ước mẹ có thể lắp chân giả để có thể đi lại được. Cháu luôn nhắc nhớ lớp nhớ bạn, nhớ thầy cô và nghĩ rằng mình có thể đi lại được và đi học bình thường. Giờ ước mơ được đi lại của cháu đã thành hiện thực”. Chị Liên càng hạnh phúc hơn khi thấy nụ cười đã nở trên môi con.

Nụ cười đã nở trên môi cậu bé bất hạnh mắc bệnh hiểm nghèo

Được biết, Vượng là một trong những người may mắn được hỗ trợ từ chương trình “Trại lắp chân giả Jaipur Foot” của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và tổ chức Bhagwan Mahavir Viklang Sahayta Samiti (BMVSS) tổ chức.

Chương trình hoạt động của trại kéo dài trong tháng 7 và tháng 8 nhằm cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và lắp chân giả Jaipur Foot cho 500 người khuyết tật tại tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Một đoàn gồm 7 kỹ thuật viên dẫn đầu bởi ông D.R.Mehta, người sáng lập và bảo trợ của tổ chức BMVSS hiện đang ở Việt Nam để thực hiện chương trình này.

BMVSS được thành lập vào năm 1975, là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ người tàn tật và giúp họ phục hồi khả năng di chuyển. Kể từ khi thành lập, tổ chức này đã hỗ trợ hơn 1,71 triệu người tàn tật tại Ấn Độ. Tổ chức này là tổ chức hỗ trợ người tàn tật lớn nhất thế giới. Tất cả dịch vụ dành cho người tàn tật do tổ chức thực hiện đều miễn phí.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên Dự án lắp chân giả Jaipur được thực hiện theo Hiệp định được ký kết giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và tổ chức Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayata Samiti (BMVSS) tại bang Jaipur, Ấn Độ vào tháng 11 năm 2017.

Ý tưởng tổ chức Trại lắp chân giả nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Hiền - Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ấn Độ vào tháng 3 năm 2018, bà Hiền đã tháp tùng chồng đến thăm trung tâm Jaipur Foot của BMVSS tại Delhi và chứng kiến các hoạt động cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và lắp chân giả Jaipur Foot. Bà đã bày tỏ nguyện vọng muốn có một chương trình giúp cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam có thể phục hồi chức năng nhờ chân giả Jaipur Foot.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/uoc-mo-chan-gia-cua-cau-be-cut-chan-vi-ung-thu-xuong-thanh-hien-thuc-20180713161502409.htm