Ước mơ cất cánh thẳng đứng ở xứ sở mặt trời mọc

Trong tương lai, drone chạy điện được đặt thông qua ứng dụng smartphone sẽ bay đến nóc các tòa nhà văn phòng để chở khách, tiết kiệm được hàng tiếng đồng hồ trong việc đi lại bằng các phương tiện truyền thống, giảm nhu cầu đỗ và gửi xe, đồng thời giúp không khí sạch khói bụi xe hơi.

Atsushi Taguchi - một chuyên gia về máy bay không người lái, là người chuyên về video không người lái, hiện anh đang giảng dạy tại Trường Điện ảnh Tokyo Digital Hollywood

Đây là viễn cảnh đang thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản đầu tư mạnh vào dự án “xe bay”. Hãng vận tải All Nippon Airways, Tập đoàn NEC và hàng chục công ty cũng như các chuyên gia hàn lâm hy vọng có thể sẵn sàng một bản đồ kế hoạch trong cuối năm nay.

Hiện nay, phần lớn công chúng vẫn tin rằng còn lâu ô tô bay mới trở thành hiện thực. Rào cản trong việc phát triển vẫn còn đầy rẫy, như tuổi thọ pin, các quy định kiểm soát cần thiết và vấn đề an toàn. Tuy nhiên, hàng chục dự án ô tô bay vẫn đang không ngừng xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Theo Ebihara, nhân viên chính phủ phụ trách dự án định nghĩa, ô tô bay là một loại phương tiện trên không chạy điện hoặc lai điện với khả năng tự lái và có thể hạ, cất cánh thẳng đứng.

Tên gọi tắt dựa trên chức năng của chúng là EVtol. Theo những người ủng hộ dự án, mọi khái niệm xe bay drone đều hứa hẹn một sự vượt trội hoàn toàn so với trực thăng - phương tiện có phí bảo dưỡng rất cao, phát ra tiếng động rất lớn khi bay và cần có phi công chuyên nghiệp điều khiển.

Google, Công ty drone Ehang, nhà sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc và Volkswagen AG của Đức đều đã đầu tư vào công nghệ này. Tập đoàn Nissan và Honda không đưa ra bình luận nào về xe bay nhưng Tập đoàn Toyota gần đây đã đầu tư 500 triệu USD để làm việc với Uber trong công nghệ tự lái cho các dịch vụ taxi. Ngoài ra, Toyota cũng đã đầu tư 42,5 triệu yên cho Công ty start-up Cartivator của Nhật Bản chuyên phát triển mô hình ô tô bay.

Nhật Bản đặt ra hy vọng dùng drone để bay và thắp lên ngọn lửa Olympic năm 2020 tại Tokyo nhưng vẫn chưa biết liệu có hoàn thành được mục tiêu này không. Thử nghiệm cho thấy, drone hiện đã bay ổn định hơn so với nhiều năm trước và không rơi xuống ngay sau khi vừa bay cao quá đầu người, nhưng thử nghiệm vẫn mới chỉ xảy ra trong nhà và drone được buộc lại để không tự bay mất.

Uber cho biết, họ đang xem xét chọn Tokyo làm thành phố đầu tiên triển khai dịch vụ bay giá rẻ UberAir. Các địa điểm khác được nêu tên bao gồm Los

Angeles, Dallas, Texas, một số thành phố ở Úc, Brazil, Pháp và Ấn Độ. Họ định trình diễn các chuyến bay thử trong năm 2020 và triển khai dịch vụ thương mại trong năm 2030.

Máy bay không người lái hợp pháp tại Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác. Tuy nhiên chính phủ vẫn có những quy định về khu vực hoạt động và yêu cầu phê duyệt trước khi được đưa vào sử dụng. Tại Nhật Bản, bằng lái drone được cấp cho những người hoàn thành khóa học và không nhiều yêu cầu phức tạp như bằng lái xe hơi.

Ebihara cho biết, Nhật Bản đang muốn hướng theo mô hình giao thông giống với phim viễn tưởng “Blade Runner”, bất chấp việc đã có 1 hệ thống giao thông công cộng cực kỳ hiệu quả và phát triển. Ông cho biết, ngành ô tô và điện tử Nhật Bản có công nghệ và khả năng chế tạo ra các vật liệu siêu nhẹ có thể trở thành một lợi thế cực lớn trong công nghệ ô tô bay.

Thiếu hụt nhân lực giao hàng cũng là một trong những động cơ thúc đẩy Nhật Bản phát triển công nghệ này. Sự phát triển của nó sẽ thay đổi hoàn toàn các quy định bay và an toàn hàng không. Trong đó, rào cản lớn nhất sẽ là đảm bảo an toàn và thu hút được niềm tin của khách hàng, bởi mối lo ngại về việc rớt máy bay hay đụng phải cánh quạt nguy hiểm vẫn còn hiện lên khá rõ ràng đối với tất cả mọi người.

Theo Đức Mạnh -Japantoday

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/uoc-mo-cat-canh-thang-dung-o-xu-so-mat-troi-moc-3953611-b.html