Ước gì không có lớp chọn!

Một số thầy cô dạy lớp đại trà có lúc cảm thấy cô đơn trong mỗi giờ lên lớp, nói nhẹ học sinh không nghe, dạy thì học sinh không học, la rầy thì không được phép.

Cho dù từ lâu ngành giáo dục đã bỏ mô hình lớp chọn, lớp điểm trong các trường phổ thông nhưng thực tế nhiều trường học vẫn đang tồn tại mô hình này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Lớp chọn có nghĩa là những lớp có nhiều học sinh tích cực trong học tập, em này đua em kia và đương nhiên là lớp học sẽ dễ đi vào quy củ, nền nếp. Những lớp này thường hiếm xảy ra tình trạng học sinh quậy phá và đương nhiên cũng chẳng có thầy cô nào gặp sự cố trong giảng dạy.

Những lớp đại trà, phần lớn là học sinh yếu về học lực, nghịch ngợm nhiều hơn. Từ em này sang em khác dẫn đến lớp thường xuyên mất trật tự, nhiều học sinh không thực hiện yêu cầu của giáo viên trong học tập.

Từ đó, nếu thầy cô không kiềm chế được cảm xúc, có những lời lẽ nóng nảy sẽ rất dễ dẫn đến việc thầy chán trò, trò chán thầy và có khi còn dẫn đến chuyện trò chống đối, không hợp tác với thầy cô đứng lớp.

Những sự cố về tình thầy trò rất hiếm xảy ra ở lớp chọn (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Những sự cố về tình thầy trò rất hiếm xảy ra ở lớp chọn (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Lớp chọn vẫn đang ngầm tồn tại ở các nhà trường

Dù không nói ra nhưng từ lâu các trường vẫn có những lớp chọn, lớp mũi nhọn và học sinh vào học các lớp này phần lớn là những học sinh có học lực tốt hoặc là những em được phụ huynh gửi gắm.

Vì thế, khi con em mình vào học những lớp chọn nên phụ huynh cũng có một sự đầu tư rất lớn và đa phần cha mẹ rất quan tâm đến việc học tập của con em mình hàng ngày.

Những lớp chọn thường được xếp vào các lớp A1, A2, A3…càng về sau thì thường là những lớp học sinh yếu hơn về học lực nhưng nổi bật hơn về nghịch ngợm, vi phạm nội quy trường lớp.

Học sinh vào học các lớp chọn cũng là một niềm hãnh diện với bạn bè nên các em thường rất cố gắng học tập để bằng các bạn trong lớp. Chính vì đây là những em học giỏi, ít quậy phá và được quản lý, đầu tư tốt của gia đình nên các em thường rất chăm chỉ, tích cực học tập.

Cũng vì vậy, những học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi cũng chủ yếu rơi vào các lớp chọn, rất hiếm có trường hợp lớp đại trà- đó là một thực tế mà rõ nhất là khi học sinh bước vào cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Những thầy cô dạy các lớp chọn phần lớn là những thầy cô tổ trưởng chuyên môn hoặc là những người thân thiết của lãnh đạo nhà trường.

Họ dạy các lớp này rất nhẹ nhàng, không mất sức sau mỗi buổi dạy mà uy tín được tăng lên bởi các phong trào học tập, thi đua, thi học sinh giỏi… thì đều là học sinh lớp chọn của trường tham gia và đạt giải.

Từ vụ học sinh nghi tự tử ở An Giang nhìn lại áp lực với nghề giáo

Năm này qua năm khác, những thành tích nối tiếp thành tích, những thầy cô dạy lớp chọn càng nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh.

Ở chiều ngược lại, giáo viên dạy các lớp đại trà thì hàng ngày phải đối diện với một bộ phận học sinh không chịu học hành, vào lớp là nói chuyện và rất ít khi ghi chép bài, làm bài tập, thậm chí không hợp tác với thầy cô.

Vất vả, mệt nhọc của người thầy sẽ nhanh chóng tan biến khi vào lớp mà học sinh tích cực học tập nhưng nỗi buồn sẽ đọng lại sau mỗi buổi dạy nếu hôm đó có nhiều học sinh quậy phá, không chịu học hành.

Tuy nhiên, nếu xử lý không khéo thì thầy cô rất dễ bị mang vạ vào thân.

Nhưng, khéo như thế nào đây khi mà điểm số đến thời điểm cho phép thì giáo viên phải hoàn thành nhưng học sinh không chịu hợp tác trong học tập. Cho điểm 0 thì không đành mà còn phải giải trình đủ chuyện.

Lớn tiếng nạt học sinh thì bây giờ không được phép, lỡ may học trò ghi âm thì bị kỷ luật như chơi. Nhưng mềm dẻo thì dễ gì những học sinh này nghe lời…

Nhiều lúc quay lên bảng ghi bài là học sinh ở dưới nói chuyện nhưng rồi cũng phải lờ đi vì những quy định khắt khe của ngành là không được phê bình học trò đã được quy định rõ trong Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có hiệu lực từ ngày 1/11/2020!

Chấm dứt lớp chọn sẽ giảm được áp lực cho thầy cô và xã hội ít phải chứng kiến những chuyện buồn giáo dục

Nếu nhà toàn ngành giáo dục bỏ được mô hình lớp chọn trong trường không chuyên sẽ đem lại sự công bằng cho các lớp, cho học sinh và ngay cả với đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường.

Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục

Bỏ lớp chọn, học sinh sẽ ít phải học thêm hơn, các em không phải ganh đua với nhau quá nhiều. Trong các lớp học có sự tương quan về học lực. Những em học giỏi có thể cùng chung tay với thầy cô kèm những em học sinh yếu.

Những bạn quậy phá được xếp ngồi chung, học chung, chơi chung với những bạn học giỏi, ngoan hiền sẽ giúp các em kiềm chế được tính cách và có thể cố gắng để bằng bạn, bằng bè.

Bởi, những lớp đại trà học với nhau phần lớn là những em nghịch ngợm, ít có động lực học tập nên học sinh rất dễ buông xuôi để hòa đồng với bạn bè.

Năm này yếu, sang năm cứ thế đuối dần dẫn đến các em mất dần về kiến thức, đến lớp chủ yếu là để gặp bạn bè và chơi với nhau còn học hành thì ít chú trọng vì các em biết rằng kiểu gì thầy cô cũng tổng kết đủ điểm và được lên lớp.

Trong khi, những thầy cô vào những lớp học như vậy cũng chán nản vì chỉ quán xuyến, giữ trật tự lớp cũng mất phần lớn thời gian của tiết học…Trong quá trình giảng dạy thì lớp học thụ động, học sinh ít khi phát biểu xây dựng bài.

Vì thế, một số thầy cô dạy lớp đại trà có lúc cảm thấy cô đơn trong mỗi giờ lên lớp, nói thì học sinh không nghe, dạy thì học sinh không học, la rầy thì không được phép mà không khéo lại mang họa vào thân.

Mỗi năm, Sở, Phòng Giáo dục về các trường thanh tra, kiểm tra nhiều lần nhưng chỉ tiếc lãnh đạo ngành không mấy khi kiểm tra hồ sơ học sinh, học bạ học sinh ở những lớp đầu khối để chấn chỉnh tình trạng lớp chọn ở các trường phổ thông!

Vì thế, lớp chọn vẫn hình thành, duy trì và những bất công, bất cập vẫn tồn tại, vẫn xảy ra hàng ngày.

NHẬT DUY

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/uoc-gi-khong-co-lop-chon-post214144.gd