'Ước gì bây giờ được đi học trở lại'

Ước gì bây giờ được đi học trở lại; Cuộc sống sao mệt mỏi thế; Bao giờ cho đến ngày xưa… Đó chỉ là vài, trong số hàng trăm câu than thở quen thuộc của nhiều người trẻ khi đối diện với thực tế cơm áo gạo tiền.

Khi hiện tại không toàn màu hồng, người ta có thói quen mơ về những năm tháng đẹp nhất đời người - Ảnh: Ngọc Dương

Đi học thì ước mau mau ra trường để đi làm, nhưng đến khi đi làm rồi, nhiều người trẻ lại thở dài vì cuộc sống nhiều khắc nghiệt, công việc không toàn màu hồng như những gì mình mơ mộng. Vì mưu sinh, nhiều người chấp nhận làm những công việc mình không yêu thích, trái ngành nghề được đào tạo.

“Đôi lúc tôi nằm mơ thấy chúng tôi vẫn đang là những cô cậu sinh viên vô tư lự, cắp sách tới giảng đường, ngồi uống cà phê trong căng tin, hết tháng có hết tiền thì ăn mì tôm, chẳng có gì phiền não”, Nguyễn Văn Quyền, 26 tuổi, cựu sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Hà Nội chia sẻ.

Quyền đang là biên tập viên một trang tin tức, anh quyết định sống ở Hà Nội mà không trở về quê ở Hòa Bình, với mong muốn sẽ được phát huy đúng sở trường và năng lực của mình. “Thu nhập không cao như mong đợi, công việc gần như chỉ là copy - paste (sao chép - dán) phải ngồi một chỗ không được bay nhảy nhiều, sáng tạo nhiều giống như tôi tưởng tượng, do đó có những lúc thấy mình chán nản, muốn bỏ hết và làm lại một cái gì đó mới mẻ hơn”, Quyền buồn bã.

Trương Thị Hoa, 28 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, chưa tốt nghiệp Trường ĐH Thủy lợi, Hà Nội, bỏ ngang việc học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng thời không tìm được cảm hứng, đam mê học. Hiện giờ Hoa là công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội, làm rất vất vả, mỗi tháng Hoa kiếm được 6 triệu đồng.

“Đi muộn ngày nào, tôi sẽ bị đánh dấu ngày đó, người ta sẽ cộng dồn các lỗi của mình lại để trừ tiền. Đi làm cả ngày về phòng trọ nằm mệt phờ, không nghĩ được gì cả, tôi không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng, sinh con vì cuộc sống quá bấp bênh. Tôi chỉ thèm được quay trở lại ngày xưa”, Hoa nói.

Công nhân giờ tan ca - Ảnh: Ngọc Dương

Để luôn hạnh phúc với cuộc sống hiện tại

Bùi Huyền Thư, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhân viên bán thời gian tại nhiều công ty quảng cáo, truyền thông, cho rằng cảm giác mong nhớ quá khứ ai cũng sẽ có, một lúc nào đó trong đời, vì “ngày xưa” bao giờ cũng được cho rằng nó đẹp hơn, yên bình hơn “ngày hôm nay”. Đó cũng là cách mọi người tạm thời trốn tránh được thực tế khi công việc hiện tại không mang lại nhiều niềm vui, nhiều giá trị cả vật chất và tinh thần.

“Tuy nhiên, bạn trẻ cần đặt câu hỏi ngược lại khi thấy mình chưa thành công, ở thời điểm hiện tại, đó là mình đã cố gắng hết sức chưa, đã làm việc hết năng suất chưa hay cái gì cũng chỉ qua loa, nửa vời”, Thư nói.

Cao Văn Hoàng, 25 tuổi, nhà khởi nghiệp với dự án Meberty chia sẻ, thử thách trong công việc ai cũng sẽ phải trải qua, không có gì toàn màu hồng, nếu không sẽ không tạo ra người giỏi thật sự.

“Khi bạn đang làm công việc mình không yêu thích, thậm chí ghét chẳng hạn, hãy thử một công việc mới. Nhưng trước khi đến với công việc mới thì chúng ta cần tìm hiểu kỹ xem công việc đó có phù hợp với mình hay không, cũng như có sự chuẩn bị tốt về nền tảng kiến thức và có đủ sự tự tin; nếu chưa có đủ những điều này thì các bạn cứ cố gắng làm thật tốt công việc hiện tại, muốn làm việc lớn thì cần làm tốt việc nhỏ trước", Hoàng khuyên.

Vũ Thị Ly Ly, 24 tuổi, giám đốc marketing công ty tinh dầu VELA cho rằng: “Nếu bạn đang làm một công việc mà bạn không yêu thích hãy tự hỏi bản thân và viết ra các điều sau, nhớ rằng hãy viết ra chứ đừng chỉ ngồi suy nghĩ:

Lý do thật sự bạn không thích công việc hiện tại của mình là gì? Do ông sếp khó tính, do đồng nghiệp hay nói xấu, do năng lực của bạn không phù hợp hay do lộ trình công danh không rõ ràng,….

Mục đích thật sự bạn đi làm là gì? Câu hỏi này sẽ giúp bạn trả lời một điều “Tại sao dù không thích công việc này nhưng mình lại bám trụ đến giờ phút này”. Bạn cần thu nhập để trang trải cuộc sống, cần kinh nghiệm kỹ năng giúp ích cho mình về sau hay vì một điều gì đó.

Bạn đã thật sự chán đến tận cổ chưa? Nếu đang ở lằn ranh của sự phân vân thì hãy nhớ lại: đã một lần nào bạn làm việc hết sức bản thân chưa? Hãy tự thành thật với chính mình.

Và nếu bạn đang muốn chuyển tới công việc khác, hãy tìm ra “vùng tỏa sáng”, bởi ai cũng có vùng tỏa sáng của mình. Đó là phần giao thoa giữa đam mê, thế mạnh bản thân, nhu cầu từ bên ngoài, tác động từ bên ngoài. Bước ra khỏi "vùng tỏa sáng", bạn sẽ trở nên mờ nhạt”.

Thiên Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/uoc-gi-bay-gio-duoc-di-hoc-tro-lai-1002027.html