Ứng xử với di tích

Ngày 15-11, sự kiện chợ Bình Tây (quận 6, TP Hồ Chí Minh) sau hai năm tu sửa chính thức đi vào hoạt động đã trở thành tâm điểm chú ý, không chỉ của các tiểu thương kinh doanh trong chợ mà còn của nhiều người dân thành phố, khách du lịch, và cả các kiến trúc sư. Có thể lý giải sự quan tâm đó là do Bình Tây không chỉ là khu chợ thương mại lớn vào bậc nhất của thành phố, là nơi mưu sinh của hơn 1.000 hộ kinh doanh, mà còn là điểm di tích văn hóa độc đáo, gắn với sự phát triển của Sài Gòn trước đây và TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Ðược xây dựng từ năm 1927 và khánh thành năm 1930, công trình này là sự kết hợp phong cách kiến trúc của Pháp - Trung Quốc - Việt Nam và được đánh giá là: "là ngôi chợ đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ". Năm 2017, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận chợ Bình Tây là di tích kiến trúc và nghệ thuật.

Tu sửa chợ Bình Tây là điều không thể chậm trễ. Bởi sau gần 90 năm tồn tại, công trình kiến trúc này đã bị xuống cấp trầm trọng: đình chợ ngày càng sập xệ, toàn bộ phần mái bị hư hỏng nặng, các bức tường bị nứt vỡ... Thế nhưng trùng tu, sửa chữa, bảo tồn chợ như thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của các tiểu thương, và quan trọng hơn là gìn giữ được giá trị của một di tích đã được xếp hạng? Việc giải quyết quyền lợi của các tiểu thương được Ban Quản lý chợ và chính quyền địa phương xử lý thỏa đáng trên cơ sở lấy ý kiến công khai, dân chủ, hằng tuần đều có thông báo tiến độ thực hiện,... nhưng vấn đề bảo tồn, gìn giữ giá trị của một di sản lại phức tạp hơn nhiều. Lâu nay, việc bảo tồn, tu sửa các di tích vẫn tồn tại nhiều bất cập, khiến không chỉ các nhà nghiên cứu văn hóa mà cả cộng đồng hết sức âu lo. Ðã có di tích sau khi tu sửa bị biến dạng, các giá trị kiến trúc không còn bảo tồn được nguyên trạng, thậm chí có di tích còn bị dỡ bỏ hoàn toàn để xây mới... Vì vậy, sự thấp thỏm, lo âu của nhiều người khi chợ Bình Tây bắt đầu được tiến hành sửa chữa, nâng cấp là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng nỗi lo ấy đã dần được trút bỏ khi diện mạo mới của chợ dần "lộ diện". Nguyên tắc bảo tồn kiến trúc chợ đã được thực hiện rất nghiêm ngặt, các thiết kế chợ được giữ nguyên, sửa chữa nâng cấp chợ được phục chế theo nguyên mẫu: từ những con rồng trên nóc chợ, đến hệ thống rui, mè cũng như ngói lợp mái đều theo nguyên mẫu lần đầu xây dựng chợ; nền chợ làm từ đá mài trắng cũng được cán bộ của trung tâm bảo tồn đến kiểm tra về mầu sắc. Cùng với mục tiêu, đưa điểm di tích chợ Bình Tây trở thành nơi thu hút khách du lịch, bên cạnh việc tu sửa, nâng cấp chợ, các cơ quan chức năng còn chỉ đạo xúc tiến việc cải tạo hệ thống các kênh Hàng Bàng, Lò Gốm, để từ đây sẽ kết hợp với chợ Bình Tây tạo nên một tuyến thương mại - dịch vụ có cảnh quan "trên bến dưới thuyền", góp phần phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa của thành phố.

Sự kiện chợ Bình Tây được tu sửa để tiếp tục khai thác, sử dụng không đơn giản chỉ là tu sửa một khu chợ, mà sâu xa hơn còn thể hiện một thái độ đáng trân trọng trong việc ứng xử với di tích, để di tích tiếp tục phát huy, đóng góp giá trị của nó vào sự phát triển chung. Ðồng thời đây cũng có thể xem là bài học, và kinh nghiệm cần tham khảo khi tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38330902-ung-xu-voi-di-tich.html