Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch Cô Tô

Trong thời gian qua, huyện Cô Tô đã cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo xinh đẹp này.

Nhân viên các hãng tàu cao tốc bán vé và hướng dẫn du khách tại điểm bán vé tàu trên huyện đảo Cô Tô.

Nhân viên các hãng tàu cao tốc bán vé và hướng dẫn du khách tại điểm bán vé tàu trên huyện đảo Cô Tô.

Trong đó, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô. Bộ Quy tắc đã quy định về chuẩn mực ứng xử của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, người dân địa phương, khách du lịch khi tham gia vào các hoạt động du lịch. Đồng thời, huyện Cô Tô thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” của UBND tỉnh; Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Năm 2018, huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; tăng cường công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, huyện tuyên truyền cho du khách không mang túi nilon ra đảo, đảm bảo cho hoạt động du lịch phát triển theo đúng quy định của pháp luật, phát triển theo hướng bền vững; chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp.

Các đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện tiến hành 4 đợt kiểm tra định kỳ và 3 đợt kiểm tra đột xuất; kiểm tra trên 250 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tuyên truyền, nhắc nhở và chấn chỉnh gần 150 lượt cơ sở. Trong năm 2018, Cô Tô không có hộ kinh doanh nào bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; không có điểm nóng, các tụ điểm phức tạp trung chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép. Toàn huyện đã kiểm tra xử lý 76 vụ, phạt tiền trên 63 triệu đồng. Nhờ đó, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định, hàng hóa phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và khách du lịch.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của huyện đã tổ chức ký cam kết thực hiện văn hóa, văn minh du lịch, an toàn giao thông cho 187 chủ phương tiện chở khách du lịch trên địa bàn huyện; tổ chức kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Công tác đảm bảo an toàn tính mạng khách du lịch được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.

Biểu đồ tăng trưởng lượng khách du lịch đến Cô Tô giai đoạn 2010-2018.

Ông Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Cô Tô, cho biết: Để phát triển du lịch bền vững, Cô Tô xác định thường xuyên thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; quản lý, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Rác thải hàng ngày, rác thải du lịch được tăng cường công tác thu gom; tổ chức 27 đợt dọn vệ sinh môi trường tại các bãi biển, các điểm du lịch, khu trung tâm; phối hợp lắp đặt, chuyển giao 2 mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt dưới sự hỗ trợ của JICA và Chương trình khoa học và công nghệ tỉnh. Công tác môi trường được thực hiện các nội dung theo mô hình “sáng - xanh - sạch - đẹp”; trồng 5km hoa trên các tuyến đường thôn, ngõ, xóm; lắp 145 bóng điện chiếu sáng các tuyến đường thôn, xóm.

Năm 2018, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng theo Quy chế quản lý bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ban hành kèm theo Quyết định số 2526/2013/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND tỉnh để xây dựng bãi tắm du lịch Vàn Chảy với mục đích nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch Cô Tô. Xây dựng các quy chế hoạt động, quản lý và hoạt động của bãi tắm Vàn Chảy và đã hoạt động đạt được hiệu quả thiết thực trong mùa du lịch 2018.

Du khách mua hải sản ở chợ Cô Tô buổi sớm.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong năm 2018, huyện tổ chức 3 buổi truyền thông, tư vấn học nghề và việc làm cho hơn 200 lượt người lao động; mở 7 lớp dạy nghề cho 243 lao động nông thôn; liên kết với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức mở lớp Trung cấp nghề nấu ăn và phục vụ cho 28 đối tượng tham gia; xây dựng và hình thành nét văn hóa, văn minh trong giao tiếp ứng xử trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhờ tất cả các giải pháp đồng bộ kể trên, lượng khách đến Cô Tô ngày càng đông. Tổng số khách du lịch đến Cô Tô năm 2018 đạt 238.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4.519 lượt.

Ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Tiếp tục xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Cô Tô chọn chủ đề công tác năm 2019 là “Nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ; cải thiện cảnh quan đô thị, nông thôn”. Hiện nay, huyện đang tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các vi phạm trong kinh doanh dịch vụ du lịch; yêu cầu 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải niêm yết công khai giá dịch vụ, cung cấp dịch vụ theo đúng giá niêm yết; đảm bảo vệ sinh môi trường; tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn, tái tạo tài nguyên thiên nhiên; nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch, xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, văn hóa kinh doanh và thực hiện hiệu quả các bộ quy tắc ứng xử du lịch; đào tạo nhân lực du lịch có tay nghề cao, chuyên nghiệp".

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201903/ung-xu-van-minh-trong-hoat-dong-du-lich-co-to-2435003/