Ứng xử văn minh như mẹ Bảo trong 'Về nhà đi con ngoại truyện' khiến 'người đến sau' nào cũng ao ước

Là một phụ nữ đến sau, bạn sẽ không ngừng ước ao về một 'tập đầu' hiểu chuyện, văn minh trong ứng xử trong cuộc sống thường ngày như mẹ Bảo trong 'Về nhà đi con' ngoại truyện.

"Về nhà đi con" ngoại truyện vừa khép lại trong sự viên mãn của từng nhân vật với một cái kết chiều lòng khán giả. Xuất hiện bất ngờ ở những tập cuối cùng, mẹ Bảo (Maya thủ vai) trở thành một nút thắt quan trọng trong toàn bộ câu chuyện, có "nguy cơ" ảnh hưởng tới hạnh phúc của Quốc - Huệ. Nhưng lối ứng xử văn minh của mẹ Bảo lại khiến tất cả có một kết cục đẹp. Khán giả truyền hình cũng không ngừng ước ao về một "tập đầu" hiểu chuyện, văn minh trong ứng xử trong cuộc sống thường ngày.

Mẹ Bảo xuất hiện vẫn dành cho bố Bảo cái ôm ngọt ngào cùng vẻ nũng nịu như hai người yêu nhau. 20 năm, cả hai tuy đường ai nấy đi nhưng vẫn giữ liên lạc và không ít lần "qua lại" với nhau do vẫn còn mối gắn kết bền chặt ấy là đứa con chung nay đã 17 tuổi. Mẹ Bảo có đầy đủ lợi thế để chiếm giữ con người Quốc. Hoặc chính cô sẽ là người gây khó dễ cho mối quan hệ vừa chớm nở giữa Quốc và Huệ.

Từng gặp riêng Huệ với màn bóng gió thách thức muốn được giành lại Quốc. Nhưng hóa ra, cuối cùng đó chỉ là màn "thử lòng" mẹ kế tương lai của con trai mình. Cuối cùng, mẹ Bảo đã văn minh khi xin lỗi Huệ nếu phép thử ấy gây nên xáo trộn và những buồn lòng cho Huệ. Đồng thời, cô cũng chính thức trao lại chiếc lắc tay vàng từ bà nội Quốc với lời nhắn "Vì nó thuộc về người phụ nữ của anh Quốc".

Trong một mối quan hệ "tay ba" giữa người cũ, người mới, nhất là khi người cũ đã có với nhau một đứa con thì phần còn lại của mối quan hệ sẽ trở nên khó khăn rất nhiều dành cho những người đến sau. Đôi khi, sự ích kỷ của những người trong cuộc đã đẩy mối quan hệ của họ trở nên thù hằn kể cả khi chồng cũ đã thành đôi với người mới. Hoặc sự ghen tuông của người đến sau cũng sẽ làm quan hệ của cha và mẹ đứa trẻ trở nên căng thẳng hơn. Những hiểu lầm do thiếu sự rạch ròi và luôn trong tình trạng tế nhị khiến "một ông, hai bà" không dễ dàng hòa hợp. Bởi vậy, cách ứng xử và nhìn nhận của người "vợ cả" luôn quan trọng cho bước tiếp theo của mối quan hệ với người đến sau.

Không tỏ ra thân mật thái quá, không kiêu kỳ thách thức, không lạnh lùng khó gần, luôn ứng xử văn minh và có phần vun vén cho mối quan hệ mới của chồng cũ là những gì mà người vợ cũ nên làm. Bởi suy cho cùng, một cách rạch ròi nhất, rồi sau này người đến sau cũng sẽ trở thành người mẹ thứ hai của con mình. Bởi vậy, một người phụ nữ văn minh và thông minh phải là người hiểu được kết cục sau đó sẽ có gì để có những hành xử đúng mực.

Thực tế cho thấy, trong nhiều gia đình, người vợ mới hoàn toàn có thể làm bạn tốt với vợ cũ của chồng. Để có một mối quan hệ "thỏa đáng" cho cả 3 người thì lòng vị tha, biết nhường nhịn, biết bỏ bớt cái tôi cá nhân của mỗi người trong cuộc là điều cần thiết cho một mối quan hệ trở nên trọn vẹn dù xuất phát điểm có những điều không như ý.

Phương Nghi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/ung-xu-van-minh-nhu-me-bao-trong-ve-nha-di-con-ngoai-truyen-khien-nguoi-den-sau-nao-cung-ao-uoc-20190819141825154.htm