Ứng xử văn hóa với di tích

Trong tuần, sự việc đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - một di tích có niên đại hơn 300 năm, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng- được trùng tu bằng cách dỡ bỏ hoàn toàn để xây mới bằng bê-tông, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Việc tu bổ đình Lương Xá do người dân thôn Lương Xá tự làm. Cơ quan quản lý văn hóa khẳng định, di tích này dù chưa được xếp hạng nhưng lại nằm trong danh mục kiểm kê di tích của TP Hà Nội (mới ban hành hồi tháng 10-2016), cho nên phải được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Nguyên tắc là trùng tu phải tuân thủ đúng quy trình thủ tục, có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền và bảo đảm giữ lại các giá trị gốc. Thế nên, cơ quan quản lý văn hóa cấp huyện ở Ứng Hòa nêu số lượng di tích trên địa bàn huyện lớn (433 di tích), quá nửa chưa được xếp hạng, để biện minh cho việc quản lý lỏng lẻo của mình là điều khó chấp nhận.

Thực tế, cung cách tu bổ, trùng tu di tích thời gian qua cho thấy việc ứng xử với di sản, di tích rất đáng lo ngại. Bia Quốc học Huế không còn nội dung bằng chữ ở bản gốc vì được sửa chữa đơn giản như một công trình xây dựng do chưa được xếp hạng, là một thí dụ. Hà Nội từng có chuyện trùng tu Ðền Và (thị xã Sơn Tây) theo kiểu “dỡ trắng” ra làm mới; hay xây một bệ tượng bê-tông che toàn bộ những bức phù điêu đất nung, tiêu biểu cho mỹ thuật gốm không men Việt Nam cuối thế kỷ 16 ở chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ). Ngay cả Ðình Ðại ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, giữa trung tâm Hà Nội có một số mảng chạm ở thế kỷ 17 được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao nhưng sau khi di tích được xếp hạng, dù đã bỏ không ít tiền để tu sửa thì những mảng chạm cổ cuối cùng đó vẫn bị thay bằng mảng chạm mới không theo mẫu cũ...

Ðình, chùa, miếu là nơi hội tụ, kết tinh di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Có thể rất dễ để xây dựng mới cả tòa nhà hiện đại, nhưng nếu làm hư hỏng một di tích là mất đi một tư liệu lịch sử, văn hóa. Vì thế, việc ứng xử với di tích bằng việc xóa bỏ kiến trúc mà di tích đang có, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là phá hoại. Làm méo mó di tích hoặc làm mất đi những dấu tích cổ truyền.

Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích, trong đó hơn 3.400 di tích chưa được xếp hạng. Trên cả nước, quá nửa trong số gần 40.000 di tích được kiểm kê, đang trong tình trạng “xếp hàng” chờ xếp hạng. Trong bối cảnh cung cách quản lý, bảo vệ di sản có phần còn chồng chéo, lỏng lẻo như hiện nay, nguy cơ nhiều di tích có giá trị rơi vào tình trạng như đình Lương Xá là rất cao.

Vì thế, hãy ứng xử với di sản một cách tốt nhất, văn hóa nhất ngay khi các di sản đang tồn tại.

Quang Ðông

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37219002-ung-xu-van-hoa-voi-di-tich.html