Ứng xử trên mạng xã hội: Không chỉ là văn hóa…

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã trở nên rất phổ biến trong đời sống con người hiện đại. Và lối hành xử trên mạng xã hội cũng đầy đủ những sắc thái như trong đời sống thực…

Chính vì vậy, Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa được UBND tỉnh ban hành đã dành một trong số 3 nhóm chính dành cho các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây là những chuẩn mực ứng xử cụ thể được quy định cho từng nhóm đối tượng, gồm: Cá nhân; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mạng xã hội; cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng mạng xã hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, quản trị mạng xã hội.

Công an tỉnh Quảng Ninh làm việc với một đối tượng vi phạm về sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Hà Tâm (Công an tỉnh)

Công an tỉnh Quảng Ninh làm việc với một đối tượng vi phạm về sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Hà Tâm (Công an tỉnh)

Tuy nhiên, việc ứng xử trên mạng xã hội không chỉ được điều chỉnh bởi các quy tắc theo chuẩn mực trong Bộ quy tắc ứng xử mà còn được điều chỉnh bởi các văn bản luật đã ban hành. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp sai phạm trong việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội.

Đơn cử, vào ngày 10/3/2019 (thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành), trên tài khoản facebook Đoàn Cường (TP Hạ Long) đã đăng bài viết kèm ảnh minh họa sai sự thật, cảnh báo mọi người về thịt lợn bán tại chợ Hà Lầm (TP Hạ Long) bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Sớm nhận thức được hành vi vi phạm, chủ trang facebook đã chủ động gỡ nội dung thông tin nêu trên khỏi tài khoản của mình. Và sau khi làm việc với cơ quan chức năng, ông này cũng đã đính chính thông tin về vụ việc, đồng thời đăng tải thư xin lỗi người đọc và đề nghị những ai đã chia sẻ thông tin trên thì thu hồi lại để tránh hành vi vi phạm pháp luật...

Cũng trong năm 2019, 2 chủ trang facebook Quảng Ninh 24/7 và Người Quảng Ninh đã bị xử phạt hành chính vì đưa tin sai sự thật (7,5 triệu đồng/người). Theo đó, vào đầu tháng 9/2019, chủ trang facebook Quảng Ninh 24/7 đã đăng tải bài viết: "Nhân viên quán karaoke bị chủ đánh cho thừa sống thiếu chết"; facebook Người Quảng Ninh thông tin về việc công an không truy cứu trách nhiệm vụ việc một cán bộ say rượu chống đối người thi hành công vụ ở TP Hạ Long.

Đây đều là những nội dung phản ánh sai sự thật, vi phạm về việc "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác"...

Qua tìm hiểu thông tin tại Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi được biết, việc xử lý các trường hợp liên quan đến các sai phạm về sử dụng mạng xã hội trước đây đa phần căn cứ vào Nghị định 174/2013/NĐ-CP, nay được thay thế bởi Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, bắt đầu có hiệu lực từ 15/4/2020. Tuy nhiên, trước năm 2020 thì khá ít trường hợp bị xử lý vi phạm về sử dụng mạng xã hội, bởi nhiều lý do, việc xử lý theo kiến nghị, rà soát thông tin là chủ yếu. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước.

Quảng Yên, Đông Triều và Hạ Long là 3 địa phương có số trường hợp vi phạm bị xử lý về sử dụng mạng xã hội nhiều nhất từ đầu năm tới nay. Trong ảnh: Công an TX Đông Triều làm việc với một đối tượng vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Lâm (CTV)

Nhưng từ đầu năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều cá nhân đã sử dụng mạng xã hội đưa những thông tin sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Chính vì vậy, việc xử lý các vi phạm được tăng cường, chú trọng hơn, đi kèm với đó là công tác truyền thông để gia tăng hiệu quả phòng chống dịch.

Thống kê từ đầu năm cho đến ngày 4/5 vừa qua, mặc dù chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự, nhưng đã có 26 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 đến 12,5 triệu đồng/vụ và 30 trường hợp bị răn đe, nhắc nhở. Cơ bản các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính đều công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe.

Đặc biệt, trong số 56 trường hợp có sai phạm này thì đa phần là do đăng tải các thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng trên facebook cá nhân liên quan đến dịch Covid-19. Chỉ có 2 trường hợp là đăng tải thông tin trên facebook cá nhân có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác.

Quảng Yên, Đông Triều và Hạ Long là 3 địa phương có số trường hợp vi phạm bị xử lý về sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Đa phần các trường hợp vi phạm là người trẻ, phổ biến thuộc lớp 8X, 9X, cá biệt có trường hợp ở độ tuổi chưa thành niên. Lý do dẫn đến sai phạm đa dạng, có khi là cố tình, có lúc là chủ quan, không kiểm chứng thông tin, có khi chỉ để cho vui, câu view hay “rảnh rỗi sinh nông nổi”…

Tuy nhiên, dù là với lý do nào thì những ứng xử, hành vi trên mạng xã hội kể trên rõ ràng đã không còn chỉ là vi phạm chuẩn mực ứng xử, là sự khen – chê thông thường nữa mà đã vượt quá giới hạn, trở thành hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc bị điều chỉnh bằng pháp luật thiết nghĩ không chỉ có tính giáo dục, răn đe với cá nhân sai phạm mà còn là bài học kinh nghiệm sâu sắc với cộng đồng sử dụng mạng xã hội nói chung.

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202005/ung-xu-tren-mang-xa-hoi-khong-chi-la-van-hoa-2482708/