Ứng xử tinh tế và sử dụng rượu bia hợp lý, đúng mục đích

Uống rượu là một nét văn hóa ẩm thực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên việc sử dụng rượu bia hiện nay có xu hướng tràn lan, bị biến tướng, gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Chính vì vậy, ứng xử phù hợp, đúng mực với rượu bia là điều nên làm.

Đôi điều suy nghĩ về tính hai mặt của rượu bia

Rượu bia đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và ở Việt Nam. Qua các nghiên cứu thấy rằng cư dân trên khắp thế giới đều biết sử dụng các loại ngũ cốc, lá, quả để lên men tạo ra đồ uống, gọi chung là rượu, bia. Rượu, bia xuất hiện trong đời sống thường nhật và dần dần trở thành một nghi thức trong các dịp lễ quan trọng. Dân gian có câu “vô tửu bất thành lễ”. Rượu trở thành vật phẩm chuyên chở ước nguyện con người, gửi gắm đến các bậc thần linh những điều mong muốn tốt đẹp. Trước lễ, sau thụ lộc, mọi người chúc tụng nhâm nhi chén rượu để cùng hưởng thành quả lao động, để người với người xích lại gần nhau hơn. Rượu là sợi dây góp phần gắn kết cộng đồng, gia đình, bè bạn.

Từ đặc điểm vùng miền với nguyên liệu, nguồn nước và cách lên men, chưng cất riêng đã tạo ra những loại rượu khác nhau. Đi dọc đất nước có rất nhiều loại rượu nổi tiếng gắn với các địa danh như Bắc Hà, Mẫu Sơn, làng Vân, Thổ Hà, Bầu Đá, Gò Đen... hay gắn với nguyên liệu làm ra rượu như rượu ngô, rượu sắn, nếp cẩm, nếp cái, rượu mầm thóc... Về bia cũng đủ loại, từ trong nước đến nhập ngoại. Rượu bia hiện diện phổ biến trong đời sống xã hội. Trong nét văn hóa ẩm thực, rượu bia được sử dụng để nấu một số món ăn, pha chế nước chấm, đồ uống. Đôi khi trong bữa ăn có chén rượu, ly bia tạo cảm giác ngon miệng hơn.

Tuy vậy, rượu bia chỉ phát huy tác dụng trong các trường hợp sử dụng có chừng mực, đúng mục đích. Ngược lại, việc lạm dụng quá nhiều rượu bia đã gây ra những tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, lối sống, đạo đức của con người, băng hoại các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 200 căn bệnh, thương tật liên quan đến rượu bia và là nguyên nhân của 5% gánh nặng y tế toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới, gây lãng phí nguồn lực xã hội không nhỏ. Uống rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thói quen sử dụng còn khá phổ biến trong dân gian, bất kể thứ gì cũng có thể cho vào ngâm với rượu và bất kể thời gian, địa điểm nào cũng có thể dễ dàng tổ chức “đánh nhắm”. Ngoài ra, nguồn cung đồ uống có cồn vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc nấu rượu thủ công vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí có cơ sở hám lợi pha chế cồn công nghiệp methanol vào nước để tạo ra lượng rượu lớn cung ứng ra thị trường, gây ngộ độc nghiêm trọng. Chính điều đó dẫn đến những hậu quả khôn lường cho người sử dụng cũng như những hệ lụy xã hội. Thế nên uống rượu bia thế nào cho văn minh, lịch sự là điều chúng ta nên cân nhắc để rượu bia trở thành nét văn hóa trong ẩm thực chứ không phải là mối nguy hại cho mỗi người và cộng đồng.

Biếm họa của QUANG CƯỜNG.

Biếm họa của QUANG CƯỜNG.

Sử dụng rượu bia hợp lý-trải nghiệm từ bản thân

Trưởng thành từ người chiến sĩ qua hơn 40 năm công tác trong quân đội, tôi cũng có những trải nghiệm riêng đối với rượu bia. Việc uống rượu bia là điều lâu nay khó tránh khỏi trong cuộc sống sinh hoạt, giao tiếp. Trong môi trường quân đội cũng vậy, rượu bia được sử dụng trong các buổi liên hoan để chúc tụng nhau nhân một sự kiện nào đó. Đôi khi đồng đội lâu ngày gặp lại nhau có chút rượu bia để cùng ôn lại những kỷ niệm xưa...

Thời kỳ chiến tranh gian khổ, nhắc đến rượu bia là một điều gì đó rất xa xỉ. Năm 1972, tôi nhập ngũ trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 341 (Quân khu 4). Đầu năm 1975, sau cuộc hành quân đường dài vượt Trường Sơn vào chiến trường B2, sư đoàn được biên chế thuộc Quân đoàn 4. Chiến tranh với những trận bom rải thảm như thách thức ý chí của con người. Trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Ước muốn khi đó của những người chiến sĩ chỉ là những giây phút thảnh thơi không vương mùi khói súng chứ đâu dám mơ đến nhâm nhi chén rượu. Sư đoàn 341 tham gia đánh nhiều trận ở Suối Tre, Núi Tràn, La Ngà, Định Quán. Sau chiến thắng Xuân Lộc, đơn vị được đánh trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh tiêu diệt sư đoàn 18 ngụy cùng các lực lượng co cụm của ngụy quân Sài Gòn ở Trảng Bom, rồi tiếp tục tiến đánh Hố Nai, Biên Hòa, liên tiếp đập tan các căn cứ phòng thủ của địch trên hướng tiến công chính diện tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ngày 30-4-1975, tôi cùng đồng đội hành quân trên xa lộ hướng về phía dinh Độc Lập. Vào trong thành phố, nhân dân ùa ra hai bên đường vẫy cờ hoa, reo vui mừng đoàn quân giải phóng. Khi dừng lại nghỉ chân, một số người dân đã mang bia nhãn Larue mời bộ đội giải phóng. Phải thú thực rằng lúc đó mới ở rừng về cái gì cũng lạ lẫm, lần đầu tiên trong đời tôi mới biết đến bia, và cũng như nhiều anh em ở nông thôn ra đi không biết sử dụng bia. Đặc biệt khi đó, bộ đội được quán triệt rất nghiêm kỷ luật chiến trường, kỷ luật trong quan hệ với nhân dân nên không tự ý sử dụng các đồ uống có chất kích thích. Trong điều kiện đất nước vừa giải phóng, mọi hoạt động khi đó chưa đi vào quy củ, chiến lợi phẩm ngổn ngang rất nhiều, nếu muốn có thể dễ dàng uống được rượu bia, thế nhưng chúng tôi vẫn kiêng món đó vì sợ ảnh hưởng đến tác phong quân nhân, sợ rơi vào sự hưởng lạc ngủ quên trên chiến thắng.

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, tôi được cấp trên cử đi đào tạo, sau đó được giữ lại công tác tại Học viện Chính trị quân sự (nay là Học viện Chính trị). Gắn bó với môi trường sư phạm nhiều năm, tôi được tham gia nhiều sự kiện quan trọng. Ngoài thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong học viện, tôi còn giảng dạy cho nhiều đối tượng học viên bên ngoài, tham gia vào nhiều hội đồng khoa học. Mỗi dịp như vậy là cơ hội để giao lưu tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau. Và đương nhiên việc tham gia liên hoan chúc mừng thủ trưởng, đồng nghiệp, bạn bè, học trò cũng diễn ra thường xuyên và hết sức bình thường. Thế nhưng để tránh sa đà vào chuyện rượu bia, bản thân tôi ngay từ đầu đã tế nhị nêu rõ vì công việc tiếp theo, vì còn phải đi lại ngoài đường hoặc vì lý do sức khỏe... nên khả năng uống rượu bia rất hạn chế. Chính sự thành thực ngay từ đầu của tôi nên mọi người vẫn thoải mái, không có gì phải giữ ý hoặc nài ép nhau uống rượu bia. Những buổi liên hoan như vậy vẫn diễn ra vui vẻ như thường.

Có thể thấy rằng rượu bia là sản phẩm do con người tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức. Rượu bia vốn không có “tội" để người ta phải tẩy chay hay nghiêm cấm. Chính thái độ của người sử dụng rượu bia mới là điều cần phải quan tâm. Từ sự trải nghiệm của bản thân thấy rằng, việc sử dụng rượu bia hợp lý, đúng mục đích sẽ phát huy được tác dụng trở thành nét văn hóa trong ẩm thực. Nhưng thực tế cho thấy, nếu lạm dụng rượu bia thái quá sẽ phản tác dụng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc làm chủ nhận thức, điều chỉnh hành vi, có cách ứng xử phù hợp với vấn đề uống rượu bia là điều nên làm đối với mỗi người, qua đó giảm đến mức thấp nhất tác hại của rượu bia, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh.

Thiếu tướng, GS, TS, NGND NGUYỄN VĂN TÀI (Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/ung-xu-tinh-te-va-su-dung-ruou-bia-hop-ly-dung-muc-dich-635701