Ứng xử nhân văn với cây xanh

Nhân đợt 'kích cầu du lịch nội địa', hai ngày cuối tuần vừa qua chúng tôi rủ nhau đưa gia đình xuống Hạ Long chơi. Có lẽ do lâu không đến đây nên ai cũng trầm trồ trước sự 'lột xác' mạnh mẽ của thành phố biển. Song 'hot' hơn cả là chuyện hàng trăm cây phượng trồng dọc tuyến đường du lịch Hạ Long dài gần 4 cây số được gia cố bằng giá thép hình chữ A để đảm bảo an toàn cho du khách đi bộ trên vỉa hè.

Chứng kiến cây phượng được “nâng niu” mà thấy mừng cho cách làm, đúng hơn là cách ứng xử với cây xanh của chính quyền và người dân Hạ Long. Và không khỏi liên tưởng tới “chiến dịch thảm sát hoa phượng” ở một số địa phương trong những ngày vừa qua.

Sau sự cố cây phượng ở một trường học tại thành phố Hồ Chí Minh bị bật gốc, làm một học sinh tử vong và hàng chục em khác bị thương, nhiều nơi bắt đầu tiến hành cắt cành, chặt hạ cây phượng. Thậm chí một số địa phương đã vội vã cho chặt bỏ những cây phượng một cách không thương tiếc, khiến sân trường trơ trụi, đầy nắng, gió và bụi…

Những hình ảnh phản cảm đó đã gây bức xúc dư luận. Có lẽ một phần là bởi những chùm hoa phượng đỏ chói rung rinh trong nắng hạ đã là hình ảnh thân thương gắn bó với tuổi học trò từ hàng chục năm nay. Mùa hè - mùa hoa phượng nở - mùa thi - mùa chia tay… Cây phượng đã trở thành loài cây kỷ niệm. Hoa phượng đã đi vào thi ca, nhạc họa, để những ai từng cắp sách đến trường đều mang trong mình hoài niệm khắc khoải về “Màu hoa phượng thắm như máu con tim”, về “Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây”… Thậm chí hoa phượng được trồng nhiều ở Hải Phòng nên được xem như biểu tượng của thành phố cảng, làm nên thương hiệu “Thành phố hoa phượng đỏ”…

Theo các nhà nghiên cứu, cây phượng có nguồn gốc châu Phi, là một trong những loài cây được người Pháp đưa vào trồng nhiều ở các đô thị Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. Cây phượng dễ sinh trưởng, thân cao, tán xòe rộng tạo bóng mát và nhất là hoa nở thành chùm vào mùa hè rất đẹp. Vì hoa nở báo hiệu mùa hè đến, kết thúc một năm học nên ngoài trồng trên đường phố, cây phượng còn được đưa vào trồng trong khuôn viên các trường học, bởi thế mà hoa phượng gắn bó, được xem như "biểu trưng” của tuổi học trò. Tuy nhiên, cây phượng có nhược điểm là tuổi thọ không cao, chỉ chừng 30 năm là già cỗi, dễ bị sâu mục.

Chuyện cây phượng bật gốc, gây thương vong cho con người không phải chuyện mới. Lâu nay, những sự cố kiểu này cũng xảy ra ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Đơn cử như cơn mưa lớn, gió mạnh hồi đầu tháng 3 vừa qua làm nhiều cây xanh ở Thủ đô bật gốc, đáng nói có một cây xà cừ ở khu đô thị Định Công bị đổ, đè lên một xe ô tô 4 chỗ, may không gây thiệt hại về người… Trước đó, trận mưa dông bất ngờ vào buổi chiều cuối tuần hồi tháng 8-2019 đã làm cây si cổ thụ ở ven đường dạo hồ Tây bật gốc, làm một người tử vong…

Nêu những chuyện như vậy để thấy, không chỉ cây phượng mà bất cứ loài cây nào, trồng trên đường phố hay trong khuôn viên trường học, công sở…, cũng đều có thể bị bật gốc, gãy đổ, gây tai họa cho con người. Chính vì vậy cây xanh cần phải được thường xuyên chăm sóc, kiểm tra, đánh giá để có phương án bảo vệ, cắt tỉa, gia cố…, và đó là trách nhiệm của con người. Cây trên đường phố thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý đô thị. Cây trong trường học là tài sản của nhà trường, thuộc trách nhiệm quản lý của nhà trường. Bảo đảm an toàn tính mạng của con người là việc làm cần thiết, nhưng không thể tiến hành theo kiểu “thà chặt lầm còn hơn bỏ sót” rất phản văn hóa, phản giáo dục, mà cần tham khảo ý kiến chuyên gia, có sự phối hợp của cơ quan chuyên môn.

Và thật mừng khi không chỉ có Hạ Long mà Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Bạc Liêu... cũng chọn cách ứng xử như vậy, đó là có phương án kiểm tra, đánh giá nhằm bảo vệ cây xanh, như bảo tồn một giá trị di sản kiến trúc đô thị. Ứng xử nhân văn với cây xanh, để cây tỏa bóng mát cho đời, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, và để mỗi mùa hè đến hoa phượng lại “thắp lửa kỷ niệm” trong trái tim mọi người.

Hà Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/969786/ung-xu-nhan-van-voi-cay-xanh