Ứng xử lệch chuẩn: Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách giới trẻ

Giới trẻ luôn là người đem lại những điều mới lạ, cá tính và sáng tạo trong công việc cũng như cách ứng xử trong cuộc sống. Thế nhưng, có lúc cái mới, cái lạ ấy lại trở thành phản cảm, kệch cỡm, gây bất bình trong dư luận xã hội...

Những hành vi lệch chuẩn

Cách đây chưa lâu, dư luận đã rúng động vì sự táo tợn trong cách bày tỏ tình cảm giữa chốn đông người khi clip ghi lại hành vi phản cảm của một đôi bạn trẻ trong cụm rạp chiếu phim nổi tiếng ở Hà Nội được tung lên mạng xã hội.

Câu chuyện nhạy cảm này chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó cộng đồng tiếp tục “dậy sóng” bởi những hình ảnh ghi lại hành động yêu đương “quá trớn” của đôi trẻ khác tại một cửa hàng trà sữa TocoToco ở Thái Nguyên...

Ngoài ra, hàng loạt các hành vi phản cảm khác như: học sinh công khai đánh ghen, xé áo, chửi bới, đánh đập tình địch; đăng status chửi trường lớp, thầy cô; ăn mặc phản cảm chốn linh thiêng; lạm dụng bia rượu... liên tiếp xảy ra khắp nơi.

Khi giới trẻ đang có những hành vi lệch chuẩn như vậy thì dường như, mạng xã hội, những chương trình truyền hình “rác” không được kiểm duyệt kỹ càng lại đang cổ súy cho những hành vi đó.

Trên các kênh youtube ở tài khoản của PewPew, TrauTv hay như NDT Gaming… mỗi lần phát trực tuyến đều thu hút hàng chục nghìn người xem, dù trong đó có nhiều câu nói tục tĩu.

Thậm chí, nhiều fan hâm mộ thu nhặt lại, tổng hợp thành một serie chửi tục để đăng lại trên các trang mạng xã hội khác. Điển hình là “PewPew và những câu chửi đi vào lòng người” luôn thu hút khoảng 2 triệu lượt theo dõi.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ tạo ra các kênh đăng tải các video về các trò chơi như thách hôn, thách ôm hay dàn cảnh đùa tục tĩu, phản cảm. Cũng nhờ thế, video đã thu hút hàng triệu lượt xem trên facebook và youtube.

Trong thời gian gần đây, cư dân mạng truyền nhau những video từ gameshow “Dare Pong”. Điều đáng chú ý là gameshow này chứa những hành vi nhạy cảm như: “Hôn nhau trong 1 phút” hoặc “ăn đồ ăn trên cơ thể đối phương” hay “lấy khăn ướt lau người cho nhau”...

Hay mới đây nhất là show truyền hình được gắn mác 18+ Date & Kiss (Hẹn và hôn) phát trên Youtube đã khiến không ít người thấy “kinh hoàng” vì mức độ phản cảm và dễ dãi của các khách mời cũng như cách dàn dựng chương trình khi họ vô tư hôn, đụng chạm cơ thể một cách đầy thân mật và nhạy cảm.

Học sinh tụ tập đánh bạn ngay trong trường học (Ảnh minh họa: Dantri.com)

Phát biểu với báo chí, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho biết: “Xu hướng đăng trên mạng xã hội những hình ảnh, clip phản cảm, dung tục, rùng rợn hay kỳ quái gây ảnh hưởng rất lớn tới thái độ hưởng thụ và cách tiếp nhận cái đẹp trong văn hóa ứng xử.

Việc này tạo nên sự lây nhiễm những thái độ, ứng xử xấu, rất nguy hại đến bộ phận giới trẻ. Nếu như không kịp thời có sự can thiệp để ngăn cản những hành động này thì sẽ rất nguy hiểm cho việc hình thành nên nhân cách của thế hệ trẻ trong tương lai”.

Những câu chuyện trên cho thấy văn hóa ứng xử ở nơi công cộng chưa được một bộ phận giới trẻ quan tâm, dẫn đến những điều chướng tai, nghịch mắt. Cùng với những nhận thức chưa đúng đắn và sự cổ súy từ những chương trình truyền hình không lành mạnh việc thể hiện tình cảm táo bạo nơi đông người đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ.

Nói về nguyên nhân của những hành vi ứng xử lệch chuẩn trong giời trẻ, TS tâm lý học Trần Thành Nam – Trường đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi ứng xử lệch chuẩn trong giới trẻ, đầu tiên có thể kể đến như: Giới trẻ đang tự tập nhiễm những chuẩn mực lệch lạc của Phương Tây về tình yêu – tình dục từ quá sớm từ truyền thông và internet.

Môi trường mạng xã hội và truyền thông hiện nay cũng ngập tràn bạo lực và khiêu dâm, dễ dàng nhận thấy rằng vào khung giờ vàng trên TV, trẻ mỗi giờ xem khoảng từ 5 đến 6 cảnh bạo lực/khiêu dâm không phù hợp và khoảng 90% “thực đơn” chương trình TV cho trẻ em đều có chứa các yếu tố bạo lực ở khía cạnh này hoặc khác.

Video game bạo lực và khiêu dâm cũng là một vấn nạn dẫn đến bạo lực khi một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 70% thanh thiếu niên chơi game có tính chất bạo lực thường xuyên. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng video game làm tăng mức độ suy nghĩ và cảm giác bạo lực và giảm thiểu các hành vi thấu hiểu, thông cảm đến người khác”.

Có thể nói việc tiếp xúc nhiều cảnh bạo lực ồ ạt trên TV, phim ảnh, internet và video game trong một khoảng thời gian dài dẫn đến qui tắc ứng xử và lý trí bị tê liệt. Người xem mất phản xạ kiềm chế khiến cho hành vi bạo lực xảy ra nhiều hơn và dễ dàng hơn.

Giáo dục về tình yêu, tình dục trong gia đình và nhà trường vẫn là điều cấm kỵ càng kích thích giới trẻ tìm kiếm đến những nguồn tin không hợp pháp để tìm hiểu. Càng bị cấm kỵ, giới trẻ càng cảm thấy phấn khích khi mình “vượt rào trót lọt”.

Việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho giới trẻ hiện nay còn có nhiều lỗ hổng khiến cho giới trẻ trở nên sống bản năng hơn, ít coi trọng những giá trị tinh thần chung.

Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách

Thời hiện đại, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ đã giúp cho giới trẻ có cơ hội thể hiện tính năng động, nhạy bén trong tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, việc trau dồi, rèn luyện để hình thành nếp ứng xử văn hóa đang bị nhiều người xem nhẹ.

Cùng với đó, việc chưa được nắn chỉnh kịp thời đã tạo nên “lỗ hổng” lớn trong văn hóa ứng xử của giới trẻ ở nơi công cộng; gia đình, nhà trường có một phần lỗi trong việc này.

Theo ông Trần Thành Nam, đối với việc giáo dục nhân cách cho giới trẻ, điều quan trọng nhất bắt đầu từ nền tảng đạo đức gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên.

Cha mẹ là những người thầy đầu tiên, những người quan trọng nhất, người cam kết cả đời với trẻ nên ảnh hưởng của cha mẹ đến giáo dục nhân cách hành vi ứng xử là không thể phủ nhận.

Vì có vị trí, ảnh hưởng quan trọng, cha mẹ chính là người định hướng hoặc tái định hướng thái độ cho trẻ khi con trẻ tiếp cận với những nguồn thông tin xấu ngay từ nhỏ.

Một khi xác định rõ nguyên nhân cơ bản thì cần phải hướng giải pháp vào những vấn đề cơ bản đó. Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, ở phương diện quản lý xã hội, trước mắt, cần có những bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và đăng tin trên mạng xã hội được truyền thông rộng rãi trong cộng đồng.

Cần có những cơ chế chính sách xử phạt hành chính với những hành vi ứng xử khích động bạo lực, tình dục hoặc có nguy cơ gây hại cho những người xung quanh (ví dụ như quan hệ tình dục trước mặt trẻ em).

Cũng cần có chính sách về quản lý các chất gây nghiện, các chất có cồn với giới trẻ vì những hành vi tình dục phản cảm cũng thường được thực hiện dưới ảnh hưởng của các chất kích thích, chất có cồn.

Còn về lâu dài, cần tích hợp nội dung giáo dục sức khỏe, tình yêu, tình dục vào nhà trường đúng thời điểm trước khi các em bước vào giai đoạn dậy thì.

Ở phương diện giáo dục gia đình, cha mẹ nên ý thức bản thân mình là người thầy quan trọng nhất để định hướng và giáo dục giá trị cho con. Nếu những giá trị nhân văn cơ bản như tôn trọng, giản dị, yêu thương, trách nhiệm được cha mẹ hình thành ở con một cách vững chắc.

Lớn lên, khi bị dồn ép vào những bối cảnh, hành động đi ngược lại giá trị. Con trẻ sẽ hành động kiên định và nhất quán theo những giá trị mà cha mẹ đã giúp con hình thành từ tấm bé và điều quan trọng nhất chính là các bậc cha mẹ phải trở thành những tấm gương ứng xử chuẩn mực, có văn hóa để trẻ noi theo.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ung-xu-lech-chuan-gia-dinh-la-cai-noi-hinh-thanh-nhan-cach-gioi-tre-79907.html