Ứng xử khi học sinh nói chuyện trong lớp

Tôi nghĩ đây là một chuyên đề đơn giản, bình thường thôi nhưng khá thú vị, là tâm tư của nhiều thầy cô đứng lớp ở cấp học phổ thông. Có thể nói đã là giáo viên thì không ai không gặp hiện tượng học sinh nói chuyện trong lớp ở mức độ khác nhau. Và giải quyết cũng khác nhau, có người sai phạm bị buộc phải thôi việc.

Vậy ứng xử thế nào? Quát mắng, nóng nảy đi đến chỗ bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng như có nơi đã xảy ra... là sai phạm, thể hiện năng lực sư phạm và đạo đức người thầy còn bất cập.

Trước hết, người thầy cần nhận thức được rằng mình đang tiếp cận với một đối tượng ở lứa tuổi hiếu động thì việc nghịch ngợm, nói chuyện ở trong lớp là hiện tượng khó tránh khỏi, hay xảy ra và không phải cứ phạt thật nặng là giải quyết được vấn đề.

Vì thế, người thầy đã được gọi là nhà mô phạm thì phải bình tĩnh, xử lý sao cho có tính giáo dục, mang tính sư phạm, thông cảm mà không dung túng và tìm cách khắc phục. Một nguyên tắc cơ bản là làm sao thu hút được sự chú ý, quan tâm của đối tượng. Giờ giảng làm sao cho vừa nghiêm, vừa vui, thực hiện khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” (vui không có nghĩa là nói chuyện). Mở đầu bài giảng đã phải hấp dẫn trò.

Quá trình giảng phải phát huy được tính tích cực của học sinh tham gia xây dựng bài. Chính cái tích cực này sẽ đẩy lùi cái tiêu cực kia. Cái lối thầy giảng trò ghi, giảng dạy theo lối áp đặt, khô khan dễ gây ức chế học sinh, tạo ra sự mất trật tự. Vậy học sinh mất trật tự nhiều ở lớp, người thầy nên xem lại mình ở cách tổ chức lớp và cách giảng dạy vì đã có trường hợp cũng trò ấy, lớp ấy, thầy khác giảng thi học sinh không có vấn đề gì.

Tuy vậy cũng không phải đổ lỗi hết cho người thầy. Trong lớp cũng có những học sinh lơ là việc học, hay nói chuyện làm người thầy khó chịu thì ngoài việc răn dạy ở trên lớp còn có việc sử dụng tổ nhóm học sinh giúp đỡ lẫn nhau, quan hệ với phụ huynh để phối hợp giáo dục.

Có thầy giáo dạy THPT sau giờ giảng còn gặp riêng học sinh để giáo dục bằng tình cảm. Thầy bảo trò: “Giờ thầy dạy em hay nói chuyện, hay thầy dạy chưa tốt, em có ý kiến gì góp ý cho thầy”. Trò đáp: “Thưa thầy không ạ, em không có ý kiến gì, em xin lỗi thầy” và sau, em đó đã sửa lỗi. Người thầy đã cảm hóa được học sinh.

Nhiều thầy giáo có những phương pháp sư phạm tốt đã khắc phục được hiện tượng học sinh nói chuyện ở trong lớp mà không cần đến những hình phạt nặng nề, sai phạm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/ung-xu-khi-hoc-sinh-noi-chuyen-trong-lop-3927788-b.html