Ứng xử có nghề với không gian công cộng

Sau hơn 50 năm tồn tại, bỗng một ngày, toàn bộ tượng trong Công viên Thống Nhất (Hà Nội) bỗng dưng được khoác thêm 'quần, áo' với đủ màu sắc rực rỡ. Những bức tượng, với sự hiện diện hơn nửa thế kỷ đã trở thành một phần ký ức của những người dân Hà Nội, bỗng biến thành xa lạ. Nhiều ý kiến phản đối và sau đó, những bức tượng đã được sơn lại thành màu trắng. Làm sai thì sửa, làm sai thì khắc phục.

Trần tình về việc sơn vẽ xanh đỏ cho các bức tượng, lãnh đạo của công viên cho biết, trước đây trong các kỳ duy tu, bảo dưỡng hàng năm, khi nhóm tượng được sơn trắng, nhiều người cho rằng trông như... ma. Đến khi sơn ghi, lại bị phê là xám xịt, tối xì. Và tất nhiên, vị này cũng thừa nhận đơn vị tự mua sơn về sơn cho mới, theo định mức kinh phí hàng năm chứ không có chuyên môn về kỹ thuật, mỹ thuật.

Theo một số chuyên gia mỹ thuật, đúng là nhóm tượng và phù điêu hiện hữu trong Công viên Thống Nhất không phải là những tác phẩm xuất sắc. Song sự hiện diện của các tác phẩm ở nơi này trong hình khối mộc mạc trở nên thân thuộc với bao thế hệ người dân Hà Nội. Không thể tùy tiện ứng xử với nghệ thuật và nhất là đối với những không gian văn hóa công cộng như vườn hoa, công viên…, mỗi tác động đổi thay đều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi chỉ một vài hành động tùy tiện cũng có thể dẫn tới việc phá vỡ những không gian công cộng, cảnh quan đô thị có giá trị lịch sử theo thời gian.

Vẫn còn đó những câu chuyện về ứng xử với không gian công cộng khiến dư luận bất bình, như hệ thống trang trí ánh sáng ngập màu xanh đỏ của Hà Nội năm 2016; hình tượng rồng được tỉa bằng cây xanh ở Hải Phòng hình thù hài hước tới mức đã từng được đặt tên ngộ nghĩnh là Rồng Pikachu; trong trào lưu vẽ tranh tường, tranh bích họa được ưa thích cách đây vài năm, bao con phố nhờ đó trở nên xinh xắn, vui mắt song cũng không ít đường ngõ không khác gì bị bôi bẩn với những nét màu nguệch ngoạc.

Là người tâm huyết về không gian mỹ thuật công cộng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhiều lần bày tỏ, câu chuyện thẩm mỹ đô thị ở Việt Nam hiện nay rất cần sự tham gia của các chuyên gia được đào tạo bài bản. Những bài học sai một ly, đi một dặm trong ứng xử với không gian nghệ thuật công cộng cho thấy cần có những định hướng về tư duy và cách ứng xử đúng mực đối với những không gian công cộng.

Câu chuyện về việc tô sơn cho tượng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc quy hoạch, đầu tư, quản lý không gian công cộng sao cho nghệ thuật không bị bỏ quên, lãng phí mà phát huy được ý nghĩa văn hóa, thẩm mỹ trong cộng đồng.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ung-xu-co-nghe-voi-khong-gian-cong-cong-666317.html