Ứng viên Tổng thống đưa công nghệ Blockchain vào chống tham nhũng

Mexico chuẩn bị bầu cử chọn ra một Tổng thống mới vào tháng 7. Giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng trong nước, nhất là tình trạng tham nhũng đáng lo ngại đã làm dấy lên sự hoài nghi của dân chúng vào hệ thống chính trị, Ricardo Anaya, ứng cử viên Tổng thống trẻ tuổi nhất đã đưa ra giải pháp chống tham nhũng một cách an toàn, có thể kiểm tra và mang tính sáng tạo, đó là sử dụng công nghệ Blockchain.

Ứng cử viên Tổng thống Ricardo Anaya, 39 tuổi, là một luật sư và chính trị gia người Mexico, đã có bằng tiến sỹ. Ảnh: Getty

Ricardo Anaya là ứng cử viên Tổng thống của liên minh gồm PAN (Đảng Hành động quốc gia) - MC (Đảng Phong trào công dân) - PRD (Đảng Cách mạng dân chủ). Cùng chạy đua vào vị trí Tổng thống Mexico với ông còn có cựu Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công Jose Antonio Meade Kuribrenã đại diện cho Liên minh Đảng Cách mạng thể chế (PRI) cầm quyền - PVEM (Đảng Xanh) - AN (Đảng Liên minh mới); ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador của Morena (Đảng Phong trào tái thiết quốc gia) - PES (Đảng Gặp gỡ xã hội) - PT (Đảng Lao động)...

Trọng tâm chính của tất cả ứng cử viên Tổng thống là cuộc chiến chống tham nhũng được đặt ngay cạnh mục tiêu phát triển một nền kinh tế lớn. Để thực hiện mục tiêu này, ông Anaya cho rằng, cần diệt trừ khả năng tham nhũng từ những người có "quyền quyết định" và từ những người chịu trách nhiệm về cơ chế quản lý. Và, ứng dụng công nghệ Blockchain, theo ông, là một lựa chọn hiệu quả.

Trên trang web cá nhân, ông Anaya bày tỏ quan ngại: "Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá Mexico có số lượng hối lộ cao nhất trong các nước Mỹ Latinh và Caribê. Blockchain sẽ cho phép chúng ta suy nghĩ lại về lòng tin đối với các dịch vụ xã hội".

Blockchain là một công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ. Điều quan trọng, sự minh bạch được cung cấp bởi công nghệ tài chính ngăn cản các quan chức lạm dụng quyền lực. Nhờ đó, Blockchain có thể tạo ra một tác động xã hội to lớn trong trường hợp các Chính phủ thi hành nó.

Trong thực tế, các Chính phủ trên toàn thế giới đang xem xét công nghệ Blockchain như là một nền tảng ưu tiên cho eGovernance (Chính phủ điện tử).

Tuy nhiên, khái niệm thực hiện công nghệ Blockchain để cải thiện các mô hình quản trị Nhà nước là cực kỳ mới mẻ. Ở Mỹ Latinh, nơi mà công nghệ Blockchain còn được hiểu rất ít, người ta nghi ngờ và lo lắng về việc thực hiện nó. Nguyên nhân là do thiếu thông tin. Sự khan hiếm thông tin dẫn tới mối nghi ngại Blockchain có thể bị tấn công hoặc các giao dịch có thể bị mất, từ đó gây khó trong việc thay đổi các quy trình truyền thống mà mọi người thường sử dụng.

Bởi vậy, kế hoạch của ứng cử viên Anaya đã nảy sinh cuộc tranh luận. Bên ủng hộ nhiệt thành, bên hoài nghi không biết mệt mỏi.

Trong một thông cáo báo chí, ông Ricardo Anaya đã trình bày 4 đề xuất chống tham nhũng. 2 trong số đề xuất này đã cho thấy sự “nhìn xa trông rộng” của vị ứng cử viên. Thứ nhất, loại bỏ việc sử dụng tiền mặt ở cả 3 cấp chính quyền để tất cả các khoản thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống tài chính. Thứ hai, tạo lập một nền tảng ảo di động cho phép giám sát vĩnh viễn các tài sản công, thêm vào sự kết hợp công nghệ Blockchain, điều này sẽ giúp người dân dễ dàng hơn để nắm được việc phân bổ, sử dụng và đích đến của nguồn tài sản họ nộp vào kho bạc công.

Theo ông Ricardo Anaya, những đề xuất này đòi hỏi sự phối hợp mạnh mẽ của tất cả cơ quan công quyền. Một sự thay đổi mô hình ở các cấp chiến lược đòi hỏi thời gian và sự cống hiến. Việc tự động hóa các quy trình không chỉ tránh được khả năng tham nhũng mà còn loại bỏ rất nhiều thủ tục giấy tờ quan liêu phiền hà...

Ngọc Bích

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/ung-vien-tong-thong-dua-cong-nghe-blockchain-vao-chong-tham-nhung_t238c52n133301