Ứng viên Chủ tịch VFF cần công khai đề án tranh cử

Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII sẽ diễn ra trong tháng 9. Vấn đề đang được đặt ra, các ứng viên ở các vị trí chủ chốt cần công khai đề án tranh của mình.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải là ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch VFF. Ảnh: Đ.H

Đã có 2 ứng viên công khai

Đại hội VFF khóa VIII là lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện các ứng viên có đề án tranh cử. Đó được xem là bản “Chương trình hành động” của ứng viên vào các vị trí chủ chốt của VFF.

Hồi tháng 4, ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Cacao VN (Vinacacao) - đã xuất hiện là một trong ứng viên cho chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Doanh nhân Trần Văn Liêng đưa ra đề án tranh cử với những kế hoạch nhằm kiếm về cho VFF hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Đây là ý tưởng được đưa ra từ một doanh nhân có định lượng rõ ràng và lộ trình cụ thể. Nhưng việc thực hiện đề án này sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn. Tuy tính khả thi được nhiều chuyên gia đánh giá không cao, thế nhưng cách mà ứng viên này tham gia tranh cử lại rất đáng ghi nhận. Và dù sao thì đó cũng là đề án được công khai và mang tính tham khảo cao.

Hôm qua (7.8), đến lượt ứng viên tham gia tranh cử chức Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông VFF Khóa VIII, nhà báo Lương Hoàng Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ - công bố đề án Chiến lược truyền thông cho VFF. Ông Hưng đưa ra mục tiêu cụ thể cho đề án của mình: “Xây dựng tính đoàn kết; Minh bạch thông tin, thông số để giảm thiểu tiêu cực; Chuẩn hóa hệ thống dữ liệu, công nghệ để thực hiện các chiến lược và kế hoạch truyền thông; Nâng cao hình ảnh bóng đá Việt Nam, tạo sự kết nối với người hâm mộ và nhà tài trợ”.

Cũng như đề án của doanh nhân Trần Văn Liêng, những vấn đề được nhà báo Lương Hoàng Hưng đưa ra mang tính tham khảo, bởi khi áp dụng vào thực hiện cần một sự đồng thuận của toàn hệ thống. Tất cả những vấn đề được nêu ra đều cụ thể và đáng được ghi nhận.

Chờ ứng viên Chủ tịch VFF

Hiện tại, vị trí Chủ tịch VFF khóa VIII gần như đã an bài khi chỉ còn duy nhất Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải. Trước đây, vị trí quan trọng này ồn ào và khiến các đối thủ cạnh tranh quyết liệt bao nhiêu thì bỗng nhiên lại trở nên quá dễ dàng. Bởi ông Hải chỉ cần giành số phiếu quá bán sẽ trở thành tân Chủ tịch VFF mà không cần cạnh tranh với đối thủ nào.

Thực tế, Tiểu ban nhân sự đại hội VFF đã đưa ra hàng loạt tiêu chí cho chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch VFF. Tưởng chừng khá đầy đủ, nhưng soi kỹ thì khá chung chung, bởi đa số là định tính, không hề có định lượng.

Một nhà báo kỳ cựu từng nêu quan điểm: “Tôi nghĩ việc bầu Chủ tịch VFF suốt 7 nhiệm kỳ qua chúng ta thực hiện kiểu chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu công khai”. Hiện nay, các địa phương đang thi tuyển lãnh đạo cấp sở, các cơ quan Trung ương cũng đã thi tuyển ở cấp vụ. Tại sao VFF lại không tiến hành việc này? Với các vị trí chủ chốt, VFF sao không mạnh dạn “thi tuyển”?

Đề thi cụ thể ở đây chính là bản “Chương trình hành động” của ứng viên được công khai trước đại hội, cần có các bộ phận chức năng thẩm định, đánh giá tính khả thi và khả năng phát triển.

ĐĂNG HUỲNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/ung-vien-chu-tich-vff-can-cong-khai-de-an-tranh-cu-623810.ldo