Ung thư phổi không phải là 'bản án tử'

90% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn tử vong trong vòng 6-12 tháng kể từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, ung thư phổi có thể chữa khỏi, và thực tế đã có nhiều bệnh nhân ung thư phổi được chữa khỏi.

Những ngày gần đây, thông tin về nữ diễn viên, MC xinh đẹp Mai Phương đang oằn mình chống chọi ới căn bệnh ung thư phổi khiến nhiều người ngỡ ngàng và xót thương. Trước đó, các nghệ sĩ: Hán Văn Tình, Minh Thuận, Hoàng Thắng... cũng từng ra đi vì căn bệnh quái ác này.

Trên báo Sức khỏe đời sống, GS.TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của BV cho biết: Tại Trung tâm, có rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn đã được chữa khỏi nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị ung thư. Một bệnh nhân và cũng là một bác sĩ đã thoát khỏi án tử ung thư 5 năm nay dù căn bệnh ung thư phổi đã di căn khắp cơ thể "từ đầu đến chân". Và như đã biết, bệnh nhân ung thư sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh thì có thể coi là khỏi bệnh hoàn toàn.

Thông tin về trường hợp này, bác sĩ Khoa cho biết, bệnh nhân đó là một bác sĩ, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn muộn cách đây hơn 5 năm. Bệnh nhân không có biểu hiện đau đớn gì ngoài ho kéo dài 3-4 tuần, uống thuốc mãi không khỏi. Chỉ đến khi đi chụp PET/CT quét toàn thân thì mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4B tức là đã rất muộn (trong ung thư, người ta chia thành các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4A và 4B). Bệnh đã di căn tràn lan đến cột sống, tủy xương và sau đó khối u di căn lên não, đẩy nhãn cầu lồi ra phía trước, ép bong võng mạc".

Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư phổi di căn:

Khi khối u tiến triển sẽ di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể. Người bệnh sẽ nhận thấy những dấu hiệu rõ rệt như:

- Ho húng hắng, dai dẳng và khó thở.

- Bệnh nhân có thể ho ra máu, có hiện tượng khó nuốt do khối u xâm lấn tới thực quản.

- Đau tức ngực, buồn nôn khi khối u đã phát triển lớn, gây tắc nghẽn đường thở.

- Thở dồn dập, thở gấp, có cảm giác rin rít trong lồng ngực.

Đi kèm với các biểu hiện trên là các triệu chứng:

- Mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu nặng, ốm yếu thường xuyên. Do ung thư phổi đã lây lan ra tới não.

- Đau ngực, lưng, vai, tay chân… do tế bào ung thư đã di căn đến xương.

- Sốt cao, mí mắt bị sụp, mặt bị sưng phù, đau đớn khi nhai nuốt,… khi tế bào ung thư lan rộng tới các dây thần kinh, vòm họng, tim mạch.

- Sụt cân mạnh, vàng da, chán ăn: có thể ung thư phổi đã di căn tới gan.

GS. Khoa cho biết, trước đây, các bệnh nhân ung thư di căn giai đoạn 4B thường chỉ áp dụng các phương pháp điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao thể trạng... Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân này, do ý thức tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị cùng với việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất như chụp PET/CT vừa để chẩn đoán, vừa để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị và sau đó là phẫu thuật bằng dao gamma quay, tiếp đó là duy trì hóa chất, thuốc điều trị đích.... toàn bộ khối u không còn. Hiện nay, người bệnh nhân - bác sĩ này đã khỏe mạnh, đi làm bình thường, đủ sức khỏe đi làm từ thiện khắp nơi...

Thực tế, có rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, nhưng hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo thông tin từ Bệnh viện K Trung Ương, ung thư phổi có thể được điều trị bằng cách phương pháp sau:

Phẫu thuật cắt bỏ khối u:

Phương pháp này có hiệu quả tốt nhất khi khối u còn nhỏ và vẫn còn nằm trong nhu mô phổi. Người bệnh điều trị sớm bằng phương pháp này sẽ có thời gian sống lâu hơn.

Xạ trị:

Mục đích của phương pháp này là phá hủy hoặc làm chậm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này chỉ có tác dụng kéo dài thêm thời gian sống chứ không có khả năng trị khỏi bệnh.

Hóa trị:

Phương pháp này có tác dụng tốt đối với các loại khối u nhỏ. Nhược điểm của nó là có nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây với sự tiến bộ của khoa học thì tác dụng phụ do điều trị bằng hóa chất cũng giảm đi khá nhiều.

Điều trị hỗ trợ:

Phương pháp này thường được áp dụng cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối, khi không thể sử dụng 1 trong 3 phương pháp trên. Điều trị chủ yếu của phương pháp này là hỗ trợ dinh dưỡng, giảm đau và điều trị triệu chứng. Vì thế, bệnh nhân cần có một chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý và nếu có thể thì có thêm sự động viên về mặt tinh thần sẽ tốt hơn.

Cách phòng chống ung thư phổi

- Không hút thuốc lá. Đối với những người nghiện thuốc lá nặng thì nên cai thuốc dần dần. Tránh tiếp xúc với khói thuốc vì hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn cả những người hút thuốc.

- Đảm bảo an toàn cho bản thân nếu phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi công nghiệp.

- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin và chất xơ. Hạn chế thức ăn dầu mỡ.

- Thường xuyên luyện tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh và chống lại các loại bệnh tật.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân thì nên định kỳ khám sức khỏe có thể 6 tháng hoặc mỗi năm 1 lần để phát hiện sớm cách căn bệnh nguy hiểm khác chứ không riêng gì bệnh ung thư phổi.

Sơn Bình tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/ung-thu-phoi-khong-phai-la-ban-an-tu-hinh-516401.htm