Ung thư đại trực tràng gia tăng, trẻ hóa

Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong những ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới. Bệnh thường gặp ở người 55 tuổi trở lên; tuy nhiên, trong những năm gần đây, mô hình bệnh UTĐTT theo lứa tuổi đã và đang thay đổi với tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng tăng.

Bác sĩ đang nội soi trực tràng cho người bệnh

Bác sĩ đang nội soi trực tràng cho người bệnh

Nhiều yếu tố nguy cơ

Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 15 tuổi, đi khám vì đau bụng vùng quanh rốn, bụng chướng, nôn. Dựa vào kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và nội soi đại trực tràng (ĐTT), bác sĩ phát hiện ở dưới hậu môn nhân tạo có khối sùi loét lớn, phần ĐTT còn lại không thấy tổn thương. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là UTĐTT. PGS-TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, đây là trường hợp rất hiếm gặp dù trong thực tế đã phát hiện nhiều người trẻ mắc UTĐTT; bệnh ở người trẻ thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn và có tiên lượng xấu hơn so với nhóm lớn tuổi.

Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan), trong năm 2020, UTĐTT đứng thứ 3 về số ca mới mắc trong tất cả bệnh ung thư ở cả hai giới - với gần 2 triệu ca, và đứng thứ 2 về số ca tử vong - với hơn 900.000 trường hợp. Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc và tử vong do UTĐTT cao. Năm 2020, số ca mới mắc và tử vong do UTĐTT đứng thứ 5 ở cả hai giới, sau ung thư gan, phổi, vú và ung thư dạ dày (chiếm 9% tổng số ca mới mắc các bệnh ung thư và 6,7% ca tử vong). Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, 80% ca mắc được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình mắc là 74. Gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa. Từ năm 2000 đến năm 2013, tỷ lệ mắc bệnh ở người dưới 50 tuổi tăng 22%, chiếm khoảng 10% tổng số ca mới mắc ở tất cả lứa tuổi.

TS-BS Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ĐTT là một cấu trúc hình ống dài gồm nhiều lớp, trong cùng là niêm mạc, tiếp đến là các lớp cơ, ngoài cùng là thanh mạc hoặc mô mỡ. ĐTT thực hiện nhiều chức năng quan trọng, bao gồm việc kết thúc quá trình tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng tan trong nước, tổng hợp một số loại vitamin và chịu trách nhiệm thải các chất không cần thiết ra ngoài cơ thể. UTĐTT bao gồm ung thư đại tràng và ung thư trực tràng, hầu hết khởi phát từ lớp lót bên trong (niêm mạc) của đại tràng hoặc trực tràng. Những khối u này được gọi là polyp, theo thời gian, một số polyp có thể tiến triển thành ung thư. UTĐTT có thể liên quan đến một số yếu tố như: bệnh viêm ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng); yếu tố di truyền từ gia đình; lối sống hàng ngày có thể làm gia tăng nguy cơ mắc UTĐTT (ít tập thể dục, thừa cân hoặc béo phì, chế độ ăn ít rau quả, ít chất xơ, nhiều chất béo và uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá).

Phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao

Theo TS-BS Lâm Việt Trung, UTĐTT có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Trên thực tế, nhiều triệu chứng của bệnh cũng có thể do các vấn đề khác gây ra khiến bệnh nhân, bác sĩ có thể nhầm lẫn trong chẩn đoán. Để phát hiện sớm UTĐTT, đối với các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao, người có một số triệu chứng nghi ngờ (thường xuyên đau bụng, thay đổi thói quen ruột như: tiêu chảy, táo bón, máu lẫn trong phân, sụt cân nhanh, thậm chí có biểu hiện tắc ruột), sau khi xem xét bệnh sử và khám sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán. “Việc kiểm tra ĐTT thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh UTĐTT. Ngoài ra, bệnh có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh như: hạn chế thịt đỏ, thức uống có cồn, tăng các loại thực phẩm nhiều chất xơ; tăng cường vận động thể lực”, TS-BS Lâm Việt Trung khuyến cáo.

Đồng quan điểm, TS-BS Ung Văn Việt, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, phát hiện và điều trị UTĐTT ở giai đoạn càng sớm sẽ cho kết quả tốt trong thời gian dài. Bên cạnh việc tầm soát và điều trị sớm, quá trình chăm sóc và theo dõi sau điều trị cũng rất quan trọng vì bệnh có thể tiếp tục tiến triển hoặc tái phát bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi đã được điều trị triệt căn thì người bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện tế bào UTĐTT mới cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Người bệnh cần được tái khám định kỳ đúng lịch nhằm phát hiện ung thư tái phát.

“Việc điều trị UTĐTT là điều trị đa mô thức, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và triệt căn khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tiên lượng sống”, TS-BS Ung Văn Việt thông tin. TS-BS Ung Văn Việt cho biết, ngày nay, với những tiến bộ trong ngành ngoại khoa, khi có chỉ định phù hợp, bệnh nhân bị UTĐTT sẽ được điều trị bằng biện pháp phẫu thuật ít xâm lấn, sử dụng các dụng cụ phẫu thuật tiên tiến trong cuộc phẫu thuật, giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, tăng hiệu quả và độ an toàn.

Từ ngày 1-12 đến 3-12, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã diễn ra Hội nghị Phẫu thuật ĐTT khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Hội nghị thu hút 300 bác sĩ phẫu thuật, cùng các báo cáo viên quốc tế trong khu vực ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia) và các báo cáo viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự. Nội dung thảo luận tập trung vào gần 50 chuyên đề về chẩn đoán và phẫu thuật điều trị các bệnh lý về trực tràng nói chung và UTĐTT nói riêng; trong đó có chuyên đề đặc biệt về “Cập nhật mới nhất về giải pháp toàn diện trong phẫu thuật ít xâm lấn ung thư đại trực tràng”.

MINH NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ung-thu-dai-truc-trang-gia-tang-tre-hoa-861011.html