Ứng phó với thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường ngay những tháng đầu năm 2022

Những tháng đầu năm 2022, thiên tai có những diễn biến phức tạp, dị thường. Ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).

Ngày 25/4/2022, đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước với hơn 19.000 người dự.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị

Thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường ngay những tháng đầu năm 2022

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan- Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, năm 2021, mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng chống, song thiên tai đã làm 16.000 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 340 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội nhiều quốc gia, khu vực.

Thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022. Điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C.

Cùng với đó, đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo giông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600 mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 835 mm (là đợt mưa kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ).

Đặc biệt, động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Điều này cho thấy thiên tai tại nước ta đã có những diễn biến phức tạp, dị thường. Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo giông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3-2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).

Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Theo ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021).

Nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Theo số liệu thống kê, trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45-50 ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2017, thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản.

Năm 2021, số người chết, mất tích do thiên tai là 108 người, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về tài sản 5200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020. Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế.

Nhận định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng.

Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước;

Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố; chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản một cách cụ thể, khoa học để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với các tình huống phức tạp.

Cần nỗ lực cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người, tài sản thấp hơn năm 2021- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/ung-pho-voi-thien-tai-dien-bien-phuc-tap-di-thuong-ngay-nhung-thang-dau-nam-2022-d199606.html