Ứng phó với những rủi ro của kinh tế toàn cầu

Ngày 8/6, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp tại Fukuoka, Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) có bài phát biểu trong Hội nghị Bộ trưởng G20. Ảnh: stamfordadvocate.com

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) có bài phát biểu trong Hội nghị Bộ trưởng G20. Ảnh: stamfordadvocate.com

Được tổ chức thường niên kể từ năm 1999, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 được coi là một trong các diễn đàn quan trọng, nơi 20 nền kinh tế chủ chốt thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới và phối hợp chính sách để đảm bảo đà tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Năm nay, hội nghị diễn ra trong bối cảnh các mâu thuẫn thương mại đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng, quy mô và tính phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy ở một số nền kinh tế lớn, trong khi làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới chưa có dấu hiệu chấm dứt, có nguy cơ gây ra các xáo trộn trong quan hệ quốc tế và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn được duy trì, nhưng rủi ro suy giảm trong ngắn hạn và trung hạn đã tăng lên.

Mặt khác, thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng trong dài hạn như sự già hóa dân số, biến đổi khí hậu và các khoảng cách về cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội ở các nước đang phát triển. Cùng với đó, quá trình đổi mới công nghệ đang diễn ra rất nhanh, dẫn tới sự gia tăng về năng suất lao động trong nhiều ngành và những thay đổi mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính.

Trong bối cảnh như vậy, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định “G20 cần tái tập trung vào các sứ mệnh thực sự cần thiết cho cộng đồng quốc tế và thực hiện tốt các sứ mệnh này”.Theo ông Aso, sứ mệnh chính của G20 trong tình hình hiện nay là “củng cố các yếu tố kinh tế cơ bản cho sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của nền kinh tế toàn cầu”.

Với tư cách nước chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20, Nhật Bản đã đề xuất 3 chủ đề chính cho các cuộc thảo luận gồm: Các rủi ro và thách thức đối với kinh tế toàn cầu; các hành động cụ thể để tăng cường tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn; các phản ứng chính sách đối với những thay đổi về kinh tế và xã hội xuất phát từ sự đổi mới công nghệ và toàn cầu hóa. Mặc dù Nhật Bản đã đề xuất 3 chủ đề chính để thảo luận tại hội nghị, nhưng theo giới phân tích, mâu thuẫn thương mại và các giải pháp để xử lý mâu thuẫn thương mại vẫn là một trong những chủ đề nóng tại hội nghị này.

Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị, với tư cách nước chủ tọa, Nhật Bản đã đề nghị xử lý tình trạng mất cân đối bên ngoài giữa các nền kinh tế, trong đó có mất cân đối cán cân vãng lai, vốn đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các mâu thuẫn thương mại. Theo Phó Thủ tướng Aso, tình trạng mất cân đối bên ngoài được giải quyết tốt nhất bằng cách khôi phục cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư thông qua cơ chế hợp tác đa phương hơn là các biện pháp thương mại song phương.

Nhật Bản dự định thúc giục các nước giải quyết vấn đề này thông qua khuôn khổ đa quốc gia thay vì áp thuế quan lẫn nhau. Trong khi đó, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) muốn đưa vào tuyên bố chung của hội nghị lời kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh Washington đã tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số mặt hàng nhập khẩu từ EU. Tuy nhiên, Mỹ lại muốn nhấn mạnh rằng nước này chống lại các thông lệ thương mại không công bằng. Vì vậy, làm thế nào để dàn xếp những bất đồng này là một nhiệm vụ không hề dễ dàng cho nước chủ nhà.
Một vấn đề khác đang nổi lên trong thời gian gần đây và thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách ở nhiều nước trên thế giới đó là vấn đề thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ lớn trên mạng Internet như Google, Apple, Facebook và Amazon. Theo tờ Nikkei, các bộ trưởng Tài chính G20 có thể sẽ thông qua chính sách buộc các hãng công nghệ này phải nộp thuế trên cơ sở người sử dụng ở mỗi quốc gia thay vì nộp thuế tại nước đặt trụ sở chính.

Chính sách mới sẽ phân bổ doanh thu cho những nước có người sử dụng dịch vụ của các hãng đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Facebook - hãng đang tập trung lợi nhuận và thuế về Ireland nhằm tận dụng những ưu đãi thuế - sẽ phải tái phân bổ tiền nộp thuế tới những nước có người sử dụng các dịch vụ của Facebook. Các nội dung chi tiết của chính sách này như công ty nào sẽ bị ảnh hưởng hay làm thế nào để thu thuế và phân bổ thuế vẫn đang được thảo luận.

Ngoài hai vấn đề gây tranh cãi trên, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 có thể sẽ nhất trí về việc soạn thảo các biện pháp bổ sung trong thời gian từ nay đến năm 2021 nhằm chống lại các hoạt động rửa tiền và tài trợ cho các nhóm khủng bố thông qua các tài sản mã hóa, tăng cường các quy định liên quan tới các công ty quản lý sàn giao dịch tiền ảo, soạn thảo các biện pháp mới nhằm ngăn chặn việc sử dụng tiền mã hóa và các công nghệ tiên tiến khác cho mục đích xấu, yêu cầu các nền kinh tế thành viên G20 báo cáo về các biện pháp đối phó với việc sử dụng tiền ảo cho mục đích xấu như sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện các giao dịch khả nghi...

Một vấn đề khác mà Nhật Bản dự kiến đề cập và có thể nhận được sự đồng thuận của các nước, đó là các tác động tiêu cực của vấn đề già hóa dân số đối với hệ thống kinh tế và tài chính ở mỗi nước. Đây không chỉ là vấn đề của nước chủ nhà mà còn là vấn đề chung của một số nền kinh tế phát triển khác. Theo ước tính của Liên hợp quốc, số người trên 60 ở trên thế giới sẽ tăng nhanh, nhất là ở các nước đang phát triển và các nước mới nổi, và có thể đạt con số 2 tỷ vào năm 2050, chiếm 20% tổng dân số thế giới. Riêng ở Nhật Bản, số người trên 65 hiện đã chiếm gần 30%.

Để xử lý vấn đề này, theo tờ Yomiuri, tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận một đề xuất liên quan tới các vấn đề trong xã hội già hóa, trong đó đề cập 8 vấn đề như hỗ trợ đào tạo về rủi ro quản lý tài sản hay tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Đây là lần đầu tiên các nước G20 thảo luận về một đề xuất liên quan tới xã hội già hóa.

Đào Tùng (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ung-pho-voi-nhung-rui-ro-cua-kinh-te-toan-cau-20190608090526321.htm