Ứng phó với FDI 'giả vờ', M&A nở rộ từ Trung Quốc

Đầu tư từ doanh nghiệp Trung Quốc dưới nhiều hình thức, từ trực tiếp (FDI) đến mua bán sáp nhập (M&A) vốn đã xảy ra trong những năm qua đang có dấu hiệu gia tăng khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bùng nổ rồi leo thang. Không chỉ để tránh thuế, các doanh nghiệp nước láng giềng cũng muốn tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Trong khi đó, làn sóng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng càng rõ nét. Tất cả đang tạo nên những cơ hội lẫn nguy cơ buộc doanh nghiệp trong nước và Chính phủ cần hành động.

Hàng nội thất, một trong những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu thế chân hàng Trung Quốc ở thị trường Mỹ, tiềm ẩn rủi ro bị chuyển tải hàng hóa nhiều nhất. Ảnh: THÀNH HOA

Những FDI “giả vờ”

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định một trong những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với Việt Nam là hàng Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ, tránh việc chịu thuế cao bằng cách thông qua một công ty tại Việt Nam. Các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, thế chân hàng Trung Quốc như nội thất, thủy sản, da (vali, túi xách) ở thị trường Mỹ tiềm ẩn rủi ro bị chuyển tải hàng hóa nhiều nhất. Nếu để tình trạng này xảy ra thì các ngành hàng sẽ chịu hoàn cảnh tương tự ngành thép năm 2017 (bị trừng phạt thuế lên tới 450%). Hơn nữa, điều này sẽ tạo cớ để Việt Nam trở thành quốc gia cuối cùng trong số năm quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ bị “tấn công” bằng thuế.

Nguy cơ này, theo ông Thành, rất cần phải lưu tâm, bởi hiện đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhưng là dạng FDI “giả vờ” để đưa hàng vào, lấy xuất xứ. Với Mỹ, kể cả trong trường hợp là có chế biến, chế tạo nhưng không áp dụng công nghệ thì cũng bị coi là hàng chuyển tải. Vì vậy, các cơ quan quản lý như hải quan cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt để tránh nguy cơ này cho Việt Nam.

Đây là thời điểm Việt Nam định hướng lại các chính sách thu hút đầu tư, có quyền lựa chọn nhà đầu tư kỹ hơn. Cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như tăng tính minh bạch cho xuất xứ hàng hóa nhằm thực hiện các FTA.

Trao đổi với TBKTSG, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát của HSBC mới đây có cái nhìn rất thực tế về những tác động mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra, khác với sự bình tĩnh với các FTA trước đây. Lo sợ của các doanh nghiệp là rủi ro hàng hóa của nước chịu thuế cao bởi bất ổn thương mại sẽ đi vòng qua Việt Nam, khiến tất cả hàng hóa xuất đi từ Việt Nam sẽ chịu chung mức thuế. Các doanh nghiệp lo rằng, sẽ có vài doanh nghiệp ham lợi trước mắt để ảnh hưởng đến cả ngành, cả nền kinh tế, làm những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng vạ lây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lo ngại nguy cơ bị thâu tóm qua M&A. Những cuộc mua bán doanh nghiệp Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc vốn đã xảy ra trong một số lĩnh vực nhưng rất kín và thường không thể hiện trên các thông báo chính thức. “Chuyện thâu tóm trong bối cảnh hiện nay rất phức tạp. Đằng trước là quỹ nhưng đằng sau là ai thì không rõ. Khó xác định được đâu là gốc của nguồn tiền. Họ đi vòng qua nhiều hình thức khác nhau”, ông Hải nói.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết Mỹ hoàn toàn dự tính được việc Trung Quốc tuồn hàng sang nước thứ ba để xuất đi nên đã có Luật Thuế chống lẩn tránh và có cách để “lần” được dòng hàng.

Chống chuyển tải, chống thâu tóm được không?

Nguy cơ bị doanh nghiệp Trung Quốc chuyển tải hàng hóa hoặc thâu tóm được nhận định là rất rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là: chống nguy cơ này như thế nào để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, bảo vệ từng ngành sản xuất cũng như cả nền kinh tế?

Tại diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM 2018 diễn ra tuần trước, ông Herb Cochran, chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại, Hiệp hội Thương mại Mỹ, nêu quan điểm từ bài học của ngành thép, trong nguy cơ có thể trở thành điểm trung gian tạm nhập tái xuất của hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam nên thực hiện thủ tục xác định trước với cơ quan hải quan Mỹ. “Động tác kỹ thuật” này nhằm nhận được câu trả lời trước từ cơ quan nhập khẩu Mỹ về nguồn gốc hàng hóa để qua đây rút ngắn thời gian thông quan cũng như giảm nguy cơ hàng đến cửa khẩu thì bị áp thuế cao.

Ông Phạm Sỹ Thành cho rằng, các nước thứ ba như Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc trình bày về xuất xứ hàng hóa để chứng minh nguồn gốc.

Đồng quan điểm về việc giải trình nguồn gốc hàng hóa, ông Hải nhấn mạnh, với những ngành có nguy cơ cao, doanh nghiệp (thông qua tiếng nói chính thức là hiệp hội ngành hàng) lẫn Chính phủ cần chủ động thông tin, chuẩn bị sẵn thông điệp về minh bạch xuất xứ trước cả khi bị áp thuế, tránh tình trạng bị động rồi vào thế đã rồi.

Đặc biệt, theo ông Hải, doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận thông tin, thậm chí là cập nhật hàng ngày để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không bao giờ có giải pháp hoàn hảo vì mọi thứ thay đổi liên tục nhưng càng biết nắm bắt thông tin, tập trung vào lợi thế cạnh tranh, càng có thể tận dụng cơ hội.

Không chỉ vậy, các thông tin cần được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là với những công ty nhỏ. Càng nhiều rủi ro, doanh nghiệp càng phải liên kết lại.

Về phía cơ quan quản lý, ông Hải cho rằng, thị trường Việt Nam có độ mở cực lớn nên cần xác lập hàng rào kỹ thuật, đưa ra những chuẩn mực cho doanh nghiệp nhập khẩu tuân theo.

Trao đổi với TBKTSG bên lề một hội thảo về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc mới đây, TS. Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng về phía Nhà nước, việc trước mắt có thể làm ngay là xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp căn cứ vào đó tuân thủ và cơ quan quản lý kiểm tra. Đây vừa là cách chủ động trước khi “người ta” vào kiểm tra, vừa là việc cần thiết trong bối cảnh thực hiện các FTA.

Căn cơ hơn, theo ông Lịch, vẫn là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng như tăng tính minh bạch cho xuất xứ hàng hóa nhằm thực hiện các FTA.

Đón tiếp làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc

Ông Herb Cochran chia sẻ, ngay từ năm 2013, trong chuyến công tác đến phía Nam Trung Quốc, ông đã được các doanh nghiệp Mỹ ở đây bày tỏ mong muốn dời đi. Và đến nay, năm 2018, con số doanh nghiệp ở khu vực này muốn dời hoạt động ra khỏi Trung Quốc lên đên 70%, nhất là khi Tổng thống Mỹ sẵn sàng tăng thêm trừng phạt thuế. Việt Nam là một trong những điểm đến được nhắm tới.

Ông Hải nhận định, chiến lược của Trung Quốc nhiều năm qua là chuyển dịch từ sản xuất sang dịch vụ, tiêu dùng, tránh thâm hụt lao động. Đó là lý do trong những năm qua, Việt Nam hưởng lợi qua việc đón làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hay các FTA, trong đó có CPTPP, là chất xúc tác đẩy nhanh tiến trình này.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam, tập đoàn Alibaba, chia sẻ những năm vừa qua, mức lương ở Trung Quốc tăng chóng mặt khiến nhiều công ty không thể chịu nổi. Cùng với yếu tố này, việc Việt Nam tham gia nhiều FTA, có vị trí địa lý sát bên đã khiến làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều. “Ngay khi Alibaba chúng tôi tập trung vào các nhà sản xuất ở Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đến gặp để xin hỗ trợ”, ông Thủy nói thêm.

Xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng thể hiện rõ ở nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên trong thời gian qua. Theo bà Tamara Boonstra, Giám đốc Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Michael Page Việt Nam, sự dịch chuyển này đang là một trong những xu hướng tạo nên sức nóng cho thị trường lao động tại Việt Nam, nơi nhu cầu tuyển dụng ở ngành sản xuất đang tăng mạnh nhưng nguồn cung lại chưa thể đáp ứng.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281640/ung-pho-voi-fdi-gia-vo-ma-no-ro-tu-trung-quoc-.html