Ứng phó với đà suy giảm ngành dịch vụ vì dịch bệnh Covid- 19

Hoạt động thương mại dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh trong 2 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng suy giảm tăng trưởng từ tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp. Với tâm lý lo sợ về dịch bệnh, người dân hạn chế trong việc đi lại, vui chơi giải trí, lượng khách đến các nơi công cộng như các trung tâm thương mại, địa điểm ăn uống sụt giảm đáng kể. Các ngành và DN liên quan đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, hạn chế đà suy giảm này.

Doanh thu tuột dốc

Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 214.664 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng chịu tổn thất nặng nề từ dịch bệnh Covid- 19.

 Doanh thu từ các ngành dịch vụ giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh

Doanh thu từ các ngành dịch vụ giảm mạnh vì ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 17.506 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ ăn uống chiếm 89% tổng số với doanh thu 15.590 tỷ đồng, giảm 4,9%. Bên cạnh đó, hoạt động ăn uống còn chịu thêm tác động từ Nghị định 100/2019/NĐ- CP của Chính phủ về quy định xử phạt trong giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, người dân chấp hành việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Các nhà hàng, quán ăn trong thành phố cũng phải chịu cảnh doanh thu "tụt dốc không phanh" khi lượng khách giảm 30- 50%.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài đến hết cuối tháng 2 và hiện nay kéo dài sang tháng 3/2020 khiến số lượng đơn đặt hàng của những đơn vị cung cấp thức ăn nhanh và suất ăn công nghiệp giảm mạnh đã tác động mạnh đến đà suy giảm ngành dịch vụ cung cấp thực phẩm.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng giảm doanh thu lớn nhất là ngành dịch vụ lưu trú. Trong 2 tháng đầu năm 2020 doanh thu đạt 1.916 tỷ đồng, giảm đến 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy công suất phòng khối khách sạn 3- 5 sao giảm 40- 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh thu các cơ sở lưu trú du lịch cũng giảm 60-70%. Điều này dự báo ngành khách sạn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng kế tiếp trước những diễn biến khó lường và kéo dài của dịch bệnh.

Hoạt động du lịch, lữ hành cũng là ngành chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh Covid- 19 với doanh thu đạt 4.589 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt các DN lữ hành inbount và outbount đang đứng trước tình trạng hủy tour liên tục. Theo ước tính của Sở Du lịch mức độ thiệt hại trong tháng 2 đến hết quý I, các DN lữ hành sẽ giảm từ 40- 60% doanh thu. Đặc biệt, một số DN chuyên thị trường Trung Quốc đã tạm ngưng hoạt động đến tháng 6/2020 nên doanh thu giảm mạnh từ 80- 90%.

Lượng khách giảm quá nhanh, quá lớn khiến doanh thu của DN tụt dốc nhanh chóng, không thể trở tay kịp. Vấn đề chi phí để duy trì bộ máy hiện nay là bài toán rất khó khăn cho các DN lữ hành. Ngoài ra, DN còn phải gánh các khoản đền bù, đóng phạt cho đối tác nước ngoài trong trường hợp khách đòi hủy tour mà không thương lượng được- Ông Nguyễn Thế Hùng- Giám đốc Công ty du lịch AOV chia sẻ.

Ngoài ra, các ngành dịch vụ khác có doanh thu đạt 42.406 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành giảm nhiều nhất là giáo dục và đào tạo với mức giảm là 12,2% so với cùng kỳ năm trước do tình hình phức tạp của dịch bệnh, học sinh sinh viên nghỉ học cả tháng 2 và kéo dài sang tháng 3/2020.

Nhiều giải pháp chủ động ứng phó

Trước khó khăn đến quá nhanh, ảnh hưởng quá lớn đến các DN ngành dịch vụ, để khắc phục tình hình khó khăn trong thời gian sắp đến, ngành du lịch thành phố đã đưa ra đánh giá tác động của dịch bệnh và nhanh chóng, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giảm thiểu tác động từ dịch bệnh đối với ngành du lịch. Các thông tin về diễn biến dịch bệnh được chính quyền thành phố cập nhật thường xuyên nhằm giúp du khách nắm bắt tình hình dịch bệnh và chủ động phòng chống. Khuyến khích các DN lữ hành vẫn tiếp tục tổ chức tốt các tour du lịch cho thị trường khách Tây Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc... Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá mạnh hơn vào các thị trường này. Kết nối tất cả các DN trong lĩnh vực lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vận chuyển đường bộ, hàng không... để cùng chia sẻ khó khăn, giảm giá tối đa dịch vụ, kích cầu, thu hút du khách quay trở lại sau mùa dịch bệnh.

Từ phía quản lý ngành, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất UBND thành phố giảm thuế thu nhập cá nhân, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong lĩnh vực du lịch; lùi thời gian nộp thuế và miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN cho các cơ sở kinh doanh lĩnh vực du lịch. Sở cũng đề xuất mở rộng đối tượng được miễn phí thị thực hoặc cấp visa điện tử cho các thị trường không có dịch bệnh...

Với ngành giáo dục để hạn chế đà suy giảm hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đã chuyển sang hình thức học tập trực tuyến vừa để đảm bảo duy trì hoạt động giảng dạy được liên tục và cũng là cách để duy trì phần nào nguồn thu khi học sinh sinh viên chưa thể đi học vì phòng tránh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, trước xu hướng tiêu dùng thời dịch bệnh sẽ tác động tới thị trường mua bán hàng hóa vì thế phương thức kinh doanh của nhiều DN ngành dịch vụ, các nhà bán lẻ cũng đang xoay chuyển theo phương thức giao dịch qua thương mại điện tử, mua bán online để tránh phải đi tới nơi trực tiếp, tụ tập đông người, sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt...

Ngọc Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-pho-voi-da-suy-giam-nganh-dich-vu-vi-dich-benh-covid-19-133309.html