Ứng phó với cạnh tranh không lành mạnh

Trong thương trường, các DN phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt. Điều đáng lo ngại là cạnh tranh không lành mạnh vừa gây 'méo mó' thị trường, vừa khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt hại.

Để giành giật thị phần, nhiều nhà kinh doanh đã thực hiện hành vi trái với quy định của pháp luật, ngược với truyền thống và tập quán kinh doanh lành mạnh. Theo báo cáo của PGS.TS Đường Minh Hưng, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) tại Hội nghị ổn định kinh tế và cạnh tranh DN (tổ chức ngày 15/5), một số thương vụ cạnh tranh không lành mạnh có thể kể đến như: Thương vụ một hãng taxi công nghệ mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của một hãng khác tại khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn nhắc đến thương vụ một tập đoàn giải trí lớn nước ngoài đã thực hiện hoạt động tập trung kinh tế nhằm thâu tóm ngành điện ảnh Việt Nam, chiếm thị phần lớn, dẫn đến bị một số DN trong nước "tố" lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để chèn ép các DN Việt Nam.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn có kẽ hở để các DN lợi dụng nhằm giành giật thị trường, loại bỏ đối thủ. Ngoài ra, trong nội tại các DN, sự hiểu biết về pháp luật cạnh tranh còn hạn chế. Có chuyên gia cho rằng, nhiều DN chỉ biết kinh doanh thì cần khuyến mại mà không biết rõ bản chất của hoạt động khuyến mại là gì, những hoạt động khuyến mại nào bị cấm, thậm chí nhầm tưởng đó là những "chiêu khuyến mại” của đối thủ, trong khi đây là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, các DN không tự bảo vệ được quyền lợi của mình.

Từ thực trạng trên, điều các DN mong muốn là cần hệ thống pháp luật cạnh tranh đầy đủ. Hiện nay, cùng với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan, Luật Cạnh tranh đã và đang góp phần quan trọng xây dựng hành lang pháp lý ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, các DN cần phải biết tự nâng cao ý thức bảo vệ mình, tự tăng khả năng cạnh tranh bằng việc tối ưu hóa các yếu tố đầu vào, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nắm bắt thông tin kịp thời. Trước các đối thủ cạnh tranh mạnh có những dấu hiệu vi phạm, DN cần có hiểu biết kỹ lưỡng về pháp luật, sự đoàn kết của Hiệp hội ngành nghề để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình cũng như sự lành mạnh của thị trường.

Bình Nam

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/ung-pho-voi-canh-tranh-khong-lanh-manh-105145-105145.html