Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long: Khi nhà báo vào cuộc!

Chuyện lở- bồi của những bờ sông vẫn thường xảy ra từ bao đời nay, nhưng chưa khi nào lại xảy ra liên tục và trầm trọng ở ĐBSCL những năm gần đây. Việc đối mặt, ứng phó với biến đổi khí hậu đã, đang được nhiều cấp ngành chung tay, trong đó có những đóng góp thiết thực, sâu sắc của báo chí.

Sạt lở bờ sông, thiên tai hay… "nhân tai"?

Đó là cách đặt vấn đề trong tọa đàm của nhóm tác giả Lê Thành Trung, Nguyễn Thị Anh Thư, Võ Văn Út Lớn, Trần Khánh Thiện, Đỗ Duy Vũ, Trần Đắc Thắng, Thái Quý, Trần Thúy Yến (Đài PT-TH An Giang) về căn nguyên của hiện tượng sạt lở bờ sông nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Theo đó, tọa đàm của Đài PT-TH An Giang bắt đầu từ vụ sạt lở bờ sông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới vào 22/4/2017, làm xụp đổ 16 căn nhà xuống dòng sông sâu, gây ra nỗi kinh hoàng đối với người dân cả nước.

Nhà báo Trương Hòa Hội - Báo Tiền Phong tại TP. Cần Thơ.

“Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL, thiên tai hay nhân tai?”, là chủ đề tọa đàm mà Đài PT-TH An Giang dốc tâm thực hiện, với sự góp mặt của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHKT nhà nước, Chủ nhiệm trương trình điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL và PGS.TS Đinh Công Sản - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu chính trị sông và Phòng tránh thiên tai, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam.

Là một người con của cù lao An Giang, đã trực tiếp làm điều tra cơ bản khu vực ĐBSCL cách nay gần ba thập kỷ, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân đã gợi mở: “Có lẽ bối cảnh của sạt lở hôm nay cũng là dịp rất quý để chúng ta nhìn lại việc chúng ta đã khai thác ĐBSCL như thế nào trong mấy thập kỷ vừa qua, đánh giá cái được và mất, cả về kinh tế, môi trường và xã hội”.

Theo GS Trân, tình trạng sạt lở đến từ nhiều nguyên nhân, do quy luật tự nhiên, do biến đổi khí hậu, do tác động từ thượng nguồn và do chính con người tại chỗ. Về mặt tự nhiên, bồi lở dọc theo bờ sông, bờ biển đều theo quy luật. Thêm nữa, triền sông Tiền, sông Hậu thường cao, địa chất nền yếu, nhiều khúc quanh, có những hố rất sâu (23 hố sâu từ 30m- 45m),… là nguyên nhân gây sạt lở.

Vụ sạt lở nghiêm trọng tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang năm 2017 - Ảnh. TTO

Tuy nhiên, nguyên nhân chính phải kể tới việc cán cân trầm tích ngày càng thâm hụt, gây ra bởi các đập thủy điện và tình trạng khai thác cát tràn lan. Theo GS Trân, các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở Trung Quốc giữ lại khoảng 50% lượng trầm tích đáng lẽ sẽ tải về ĐBSCL. Cộng với 11 đập ở Lào, Campuchia, thì lượng trầm tích về hạ lưu chỉ còn 1/4. Về lâu dài, việc cán cân trầm tích âm sẽ đe dọa sự tồn tại của đồng bằng!

Còn PGS.TS Đinh Công Sản cho rằng: ĐBSCL là 1 đồng bằng trẻ, nằm trên trầm tích mới được bồi đắp. Con sông trẻ là con sông năng động, nên những sạt lở trên đồng bằng trẻ sẽ mãnh liệt hơn. Việc xây nhà cửa, công trình sát bờ sông cũng tạo áp lực rất lớn trên trầm tích trẻ. “Việc làm đê bao giúp ổn định sản xuất nông nghiệp, đạt 3 vụ lúa/năm. Nhưng ta cũng phải trả giá, đó là nước mùa lũ không tràn, tập trung dòng chính, nâng mực nước, gia tăng vận tốc, khiến sông, kênh rạch phải chịu áp lực lớn, dẫn tới xói lở, sạt lở. Vậy nên, cần phải tạo một hành lang cho sông hoạt động, bởi sông trẻ, nó phải hoạt động!”, TS Đinh Công Sản nói.

Về giải pháp, theo GS Nguyễn Ngọc Trân, chúng ta cần: Quy hoạch phải tích hợp các ngành; Sớm thể chế hóa liên kết vùng để tối ưu hóa việc phòng và chống biến đổi khí hậu, không để tình trạng mỗi nơi sẽ làm một kiểu; Tích hợp ý kiến của cộng đồng, người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp;… để tất cả thay đổi tư duy và có hành động tương ứng. Đáng chú ý, theo GS Trân, Nhà nước cần sớm rà soát các quy hoạch ngành và địa phương. Trong quy hoạch, phải dành không gian cho con người giao tiếp với sông và biển, và phải luật hóa!

“Về cảm xúc của các con sông hiện nay, chúng tôi gọi là những con sông đang… nóng giận”- BTV Anh Thư của Đài PT-TH An Giang kết lại.

Vụ sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trong năm 2018. Ảnh: Phan Thanh

Sống “thuận thiên” là lối ra cho sự tồn tại của đồng bằng

Ở ĐBSCL, hầu như nhà báo, phóng viên nào cũng có trải nghiệm, từng viết về biến đổi khí hậu, trong đó có nhà báo trẻ Trương Hòa Hội (Báo Tiền Phong). Là một cây bút sinh ra, trưởng thành ở đồng bằng, Hòa Hội sau nhiều năm quan sát, tìm hiểu và viết về biến đổi khí hậu, đã cùng các chuyên gia Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện viết nên cuốn sách “Chuyện đất – chuyện nước Cửu Long”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Cần Thơ Nguyễn Trung Nguyên, có lẽ hầu hết chúng ta đều cảm thấy biến đổi khí hậu là câu chuyện vĩ mô xa xôi ở tận đẩu tận đâu. Nhưng qua “Chuyện đất – chuyện nước Cửu Long”, ông bỗng ngộ ra: “Tôi là tác nhân, tôi là nhân chứng và tôi cũng chính là nạn nhân của biến đổi khí hậu!”

Những con số biết nói mà các tác giả nêu ra khiến chúng ta không khỏi giật mình: Hàng ngàn km2 đất An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… bị sạt lở, kéo theo hoa màu, nhà cửa của người dân xuống biển, sông, đẩy họ vào tình trạng khánh kiệt. Cùng với đó là hàng ngàn ha hoa màu vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau,… bị hủy hoại do xâm nhập mặn và hạn hán, làm hàng ngàn người mất nhà, mất đất, phải bỏ xứ ra đi…

Cuốn sách cũng đã chỉ ra những dấu hiệu rõ nét của biến đổi khí hậu. Đó là thời tiết diễn biến thất thường, trái quy luật, khiến việc canh tác dựa vào “kinh nghiệm” thất bại nặng nề. Hơn thế nữa, mức độ khắc nghiệt của thiên tai ngày càng dữ dội, đều kéo dài và hoành hành trên quy mô rộng. Hậu quả dẫn đến là sự ô nhiễm đất, nguồn nước, tình trạng mất mùa, sụt lún đất,… khiến nhiều gia đình mất đất, mất nhà, mất phương tiện kiếm sống, tất yếu phải ly hương. Các nguyên nhân cũng được “điểm mặt”: Nhiệt điện than; Loạt công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong; Tình trạng khai thác cát vô tội vạ; Đánh bắt thủy sản kiểu “tận diệt”; Ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên kém;…

ĐBSCL đang bị sạt lở, lún đất nghiêm trọng bởi tác động của biến đổi khí hậu và chính con người.

Để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, theo nhóm tác giả, các giải pháp khả thi từ vĩ mô tới hành động cụ thể đều cần phải đặt cạnh hai chữ “thuận thiên”, là tôn trọng những quy luật của thiên nhiên, không can thiệp thô bạo với danh nghĩa “cải tạo”. Song song với đó, cần đẩy mạnh áp dụng KHCN trong sản xuất. “Thích ứng với biến đổi khí hậu một cách “thuận thiên” là việc triển khai các mô hình canh tác chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như mô hình lúa – cá, lúa – tôm, lúa - sen, lúa - màu, lúa - cây ăn trái,… đồng thời kết hợp với chế biến nông sản, du lịch…”, TS Lê Anh Tuấn, đồng tác giả cuốn sách nhấn mạnh.

Còn theo nhà báo Hòa Hội, việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL, ứng phó với biển đổi khí hậu, nhấn mạnh “thuận thiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên” là quan điểm thông thái. Hay gần đây nhất, Thủ tướng đã ký Quyết định 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục mang lại hy vọng mới cho tương lai đồng bằng.

“Từ 5 năm trước, mình nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu đến người dân ĐBSCL rất rõ, từ sạt lở bờ sông, bờ biển, đập thủy điện thượng nguồn... Và đến gần cuối năm 2018 thì có cơ hội viết và phát hành cuốn sách. Qua đây, với tư cách một nhà báo, mình muốn chuyển tải thông tin, cảm nhận, những điều mà mình chứng kiến trong quá trình tác nghiệp đến các nhà hoạch định chính sách và người dân, để chúng ta cùng nắm bắt và thay đổi”, nhà báo Hòa Hội cho biết.

Đài PT-TH An Giang vừa qua đã nêu bật những thống kê rất “đắt“: Từ 1991-2016 (25 năm), ĐBSCL đã lún trung bình 18cm, có nơi 53cm; Từ 2009-2016 (7 năm), phù sa bồi đắp vùng châu thổ giảm gần một nửa. Đáng kể nhất, hiện cứ 2 ngày là ĐBSCL lại mất đi một phần diện tích tương đương 3 sân bóng đá do xói lở bờ biển, đã mất đi hơn 150ha đất do sạt lở bờ sông…

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ tọa đàm “Sạt lờ bờ sông, thiên tai hay… nhân tai”, các BTV đã giới thiệu rất chi tiết việc các quốc gia phát triển đang giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông thuận tự nhiên, căn cơ, bền vững. Như việc Mỹ đã dỡ bỏ các đập thủy điện, tái tạo dải thực vật ven bờ sông. Hà Lan, Canada, Úc,... hồi phục các bãi sông bằng việc dỡ bỏ các công trình gia cố bờ sông bằng bê tông, vừa chống sạt lở hiệu quả, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Báo NB&CL qua trò chuyện với các nhà quản lý, nhà khoa học, báo giới và người dân, đã ghi nhận nhiều lời bày tỏ: Thật bất ngờ và vui khi một cơ quan báo chí tại ĐBSCL đã làm được một tọa đàm sâu, nhiều số liệu, hình ảnh, những thước phim có góc quay đắt giá, đồ họa minh họa đẹp mắt,… và lan tỏa ấn tượng như vậy.

Kiên Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-tai-dong-bang-song-cuu-long-khi-nha-bao-vao-cuoc-post63692.html