Ứng phó với bệnh vàng lá thối rễ

Thời gian qua, bệnh vàng lá thối rễ làm nhiều diện tích cây có múi trên địa bàn huyện Lai Vung chết hàng loạt khiến nhà vườn đối diện với nhiều khó khăn. Vì vậy, các ngành hữu quan, nhà khoa học cùng nhau tìm ra giải pháp để ứng phó với dịch bệnh, khôi phục lại diện tích cây có múi sản phẩm thế mạnh của tỉnh.

Hiện tượng cây chết do bệnh vàng lá thối rễ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của nông dân

Xác định nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá thối rễ

Theo UBND huyện Lai Vung, hiện tượng cây có múi chết do bệnh vàng lá thối rễ xảy ra vào năm 2017 nhưng bùng phát mạnh vào năm 2018. Qua thống kê, toàn huyện có hơn 2.000ha bị thiệt hại, chiếm gần 36% diện tích cây có múi. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là cây quýt hồng với 337ha, chiếm 40% diện tích.

Nhìn những gốc quýt chết dần từng ngày, ông Từ Tấn Phước ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung cho biết: “Vườn nhà tôi đang chuẩn bị cho trái đầu vụ nhưng đến giai đoạn xử lý cây ra đọt thì lá non chuyển qua vàng, từ từ rụng lá rồi chết trơ cành. Gia đình tôi bỏ hết vốn đầu tư vào vườn quýt, trước tình cảnh này xem như trắng tay”.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai xót xa vì phải bỏ đi những cây quýt đã chết

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bé Hai ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước cũng bị thiệt hại khoảng 70% diện tích canh tác quýt chia sẻ: “Trong quá trình chăm sóc, thấy cây có biểu hiện lạ, gia đình mua thuốc xử lý ngay. Lúc đầu bệnh chỉ xuất hiện trên một vài cây, rồi lan ra cả vườn. Tuy tiếc của nhưng cũng đành đốn hết các cây chết”.

Trước thực trạng dịch bệnh đe dọa sự phát triển cây có múi, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, huyện Lai Vung phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ khảo sát và nghiên cứu nguyên nhân gây ra bệnh vàng lá thối rễ gây chết cây hàng loạt.

Qua tìm hiểu, các chuyên gia kết luận, nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh do đất liếp vườn cây ăn trái bị suy thoái dẫn đến chất hữu cơ trong đất giảm mạnh. Việc bổ sung chất hữu cơ lại bị hạn chế, do xác bã thực vật có trên mặt liếp dễ bị rửa trôi. Các yếu tố này đã làm giảm đi chất đạm cơ hữu, khả năng giữ nước và khí của đất.

Nguyên nhân gây ra dịch bệnh được GS.TS Trần Văn Hâu - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ chỉ ra tại vườn cây có múi nhiễm bệnh là trong đất có lượng tuyến trùng chiếm 70 – 100%, mật số tuyến trùng đo được khoảng 1.000 con/100g đất.

Thực tế còn cho thấy, bệnh vàng lá thối rễ bùng phát mạnh do nông dân lạm dụng phân đạm nhưng nhiều năm lại không bón phân hữu cơ cho đất. Điều này đã làm rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện độ pH đất thấp. Mặt khác, nông dân lạm dụng phân hóa học có chứa các chất điều hòa kích thích sinh trưởng ở liều cao làm bộ rễ nhanh lão hóa và phá vỡ cấu trúc đất, khiến các vi sinh vật có ích bị tiêu diệt.

GS.TS Nguyễn Văn Hâu chia sẻ thêm: “Theo tôi, vấn đề cây giống cũng rất đáng quan tâm. Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất giống đảm bảo quy mô chất lượng còn rất ít. Trong khi, nhà vườn sản xuất cây giống chưa đạt yêu cầu, nhất là nguồn mắt ghép được mua từ các vườn cây trôi nổi. Ngoài ra, toàn bộ quá trình sản xuất nhân giống đều diễn ra ngoài trời, không có lưới cách li, nguy cơ nhiễm bệnh vàng lá thối rễ là rất cao”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng thăm và tìm hiểu dịch bệnh trên cây có múi tại huyện Lai Vung

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá: “Dịch bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi bộc phát làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế của nông dân. Nguyên nhân chủ yếu do biện pháp canh tác chưa khoa học của nông dân và tình hình dịch bệnh lây lan nhanh. Ngành nông nghiệp cùng với các ngành liên quan cần xây dựng giải pháp, qui trình hợp lý để ngăn chặn dịch bệnh trên cây có múi nhằm sớm khôi phục lại loại cây thế mạnh của địa phương”.

Nông dân chú trọng khâu canh tác

Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu về tình trạng suy thoái đất liếp vườn cây ăn trái làm cơ sở khoa học khuyến cáo nhà vườn thực hiện các biện pháp căn cơ, khắc phục thực trạng bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi.

Là người có nhiều nghiên cứu trên cây có múi tại huyện Lai Vung, GS.TS Trần Văn Hâu đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh nên xây dựng lại tập quán canh tác cho nông dân.

Đối với những diện tích nhiễm bệnh, nông dân phải hiểu rõ đặc tính từng bệnh (tuyến trùng, nấm Phytopthora hay nấm Fusarium) để sử dụng Tricodecma phù hợp. Nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, nông dân phải cải tạo đất thông thoáng, xử lý cây bị bệnh triệt để nhằm chống lại sự tấn công của nấm bệnh và tuyến trùng. Cùng với đó, tỉnh nên có chủ trương xây dựng nguồn cây đầu dòng sạch để nhân giống, sử dụng gốc ghép kháng bệnh...

Bệnh vàng lá thối rễ làm cây bị suy yếu từ từ rồi chết

Chia sẻ về vấn đề biện pháp cải tạo đất giúp giảm suy thoái cho cây có múi, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “nông dân nên sử dụng vôi nhằm cung cấp dưỡng chất canxi cho cây, giúp hạ phèn, ức chế sự phát triển của nấm bệnh, giải độc cho cây, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ, ngăn chặn sự suy thoái đất...”.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là nông dân cần lưu ý chu kỳ bón vôi phải theo cơ cấu đất. Thời điểm bón vôi tốt nhất là vào đầu mùa mưa, trộn đều vào đất và tưới đủ nước sau khi bón. Ngoài ra, bón vôi cũng phải tùy theo độ pH đất. Cụ thể, độ pH từ 5,5 – 6,5 nông dân cần bón 500kg vôi/ha; độ pH từ 4,5 – 5,5 bón khoảng 1.000kg vôi/ha; độ pH từ 3,5 – 4,5 bón khoảng 2.000kg vôi/ha.

Một trong những giải pháp khắc phục suy thoái cho đất được các nhà khoa học chỉ ra chính là nông dân chủ động giữ lớp cỏ trong vườn giúp tăng độ ẩm cho đất trong mùa khô; chống xói mòn trong mùa mưa, giữ xác bã thực vật và hạn chế sự đóng váng trên mặt liếp. Rễ cỏ còn làm đất thông thoáng và khi chết là nguồn cung cấp chất hữu cơ cho đất. Vào mùa mưa dầm, cỏ là những “máy bơm sinh học” giúp tầng đất sâu mau khô ráo. Ngoài ra, địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đất bằng việc sử dụng phân hữu cơ, kết hợp bổ sung thêm vi sinh vật có lợi cho đất.

Tiếp thu những giải pháp được các chuyên gia chia sẻ, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ vận động nhà vườn tại các hội quán, hợp tác xã dành một số diện tích để các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và bà con làm mô hình thí điểm, sau đó nhân rộng ra những nơi khác. Đồng thời, đề xuất với tỉnh hỗ trợ nhà vườn khâu làm đất, mua giống cây có múi sạch bệnh. Riêng đối với quýt hồng, đơn vị sẽ xin chủ trương để Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam chọn cây sạch bệnh, sử dụng gốc ghép nhằm từng bước tạo ra nguồn cây đầu dòng tốt cung cấp cho nông dân với giá cả hợp lý”.

Khánh Phan

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe190c96/ung_pho_voi_benh_vang_la_thoi_re.aspx