Ứng phó với bão số 5

Theo báo cáo nhanh ngày 30/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo đến 19h00 ngày 30/10, tâm bão số 5 ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió cấp 9, giật cấp 11-12.

Bộ đội trên xã đảo Nhơn Châu (Bình Định) giúp dân di chuyển thúng chai có gắn máy đến nơi an toàn lúc sáng ngày 30/10. (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)

Cũng theo báo cáo, các ngành, các cấp, địa phương và nhân dân vùng ảnh hưởng của bão đã và đang tích cực triển khai ứng phó. Cụ thể, về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 16h00 ngày 29/10 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.715 phương tiện/278.407 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão; hoạt động trong khu vực nguy hiểm: 557 tàu/6.230 người (Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 166, Bình Định 40, Khánh Hòa 47, Bình Thuận 06, Phú Yên 287); hoạt động khu vực khác và neo tại bến: 56.158 tàu/272.177 người, tăng 299 tàu/216019 người. Về 2 tàu bị sự cố: Tàu BĐ 98413 TS/06 LĐ đang được các tàu trong tổ đội đang hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm; tàu BĐ 96389 TS/08LĐ, lúc 06h ngày 30/10, tàu Hải quân (KN411) đã tiếp cận và lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.

Về tình hình khu vực, vùng nuôi trồng thủy sản trong vũng ảnh hưởng của bão: Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão hiện có 93.263 ô lồng (tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).

Về tình hình đê điều và sạt lở bờ biển: Theo báo cáo nhanh của các địa phương, có 8 vị trí đê, kè biển xung yếu, cần quan tâm (Quảng Nam, 1; Bình Định, 2; Khánh Hòa, 3; Ninh Thuận,2); có 2 tuyến kè biển đang thi công (Đà Nẵng,1; Quảng Ngãi,1); khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Đề chủ động ứng phó với bão số 5, cần triển khai nghiêm túc đầy đủ Công điện số 16/CĐ-TWPCTT ngày 29/10/2019 của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Kiểm soát việc thực hiện cấm biển, đảm bảo các phương tiện không được hoạt động. Hoàn thành việc di dời, đảm bảo người không ở tại trên lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị: Sơ tán, đảm bảo an toàn cho dân cư các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực bãi ngang, cồn, khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở; thông báo và hướng dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài tại các khu du lịch, các đảo biết diễn biến của bão, mưa lũ sau bão để chủ động phòng tránh. Triển khai kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển.

Kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ công trình hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, cột tháp cao, công trình đang thi công. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, duy trì vận hành an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc.

Đối với khu vực miền núi, kiểm tra phương án, kịch bản, sẵn sàng sơ tán, di dời dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu. Đôn đốc, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu. Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo bão, thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của bão.

Đặng Hiếu

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/ung-pho-voi-bao-so-5-541042.html