Ứng phó thế nào trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước?

Tài nguyên nước Việt Nam đang rơi vào thế bị động trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động mạnh của việc tích nước ở thượng nguồn.

Chính vì vậy, theo ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, người có kinh nghiệm công tác lâu năm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và nghiên cứu thực tiễn ở miền Tây, cần nghiên cứu các giải pháp trữ nước, đặc biệt là trữ nước liên vùng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn.

Trễ còn hơn không

PV: - Mới đây, tại hội nghị giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập, các đại biểu đều thống nhất, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai, khi 63% nguồn nước mặt của Việt Nam được tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Điều đó khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước, chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước, mà tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là ví dụ.

Thưa ông, thừa nhận trên cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề thế nào? Việt Nam cần ứng phó ra sao?

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ. Ảnh: Báo TN-MT

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ. Ảnh: Báo TN-MT

ThS Kỷ Quang Vinh: - Nhận thức, quan điểm về an ninh nguồn nước nêu trên là đúng, dù có phần hơi trễ. Chúng ta đã có số liệu rõ ràng về việc lượng mưa ở thượng nguồn sông Mekong ngày càng ít đi kể từ năm 1950, và đặc biệt là từ năm 2011 đến giờ tình trạng này trở nên rõ nét nhất, thiếu nước trong mùa khô đã và đang là vấn đề lớn đối với ĐBSCL.

Đáng lẽ từ năm 2011, chúng ta đã phải bắt đầu lo chuyện này, nhưng dù sao trễ còn hơn không và chuyện chúng ta phải lo không chỉ có hạn hán, mà còn có sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức, rồi tình trạng ĐBSCL ngày càng ngập sâu trong mùa nước nổi (cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm).

Hiện nay, lượng mưa ở ĐBSCL đã giảm nhưng vào mùa mưa, khu vực này vẫn nhận được lượng nước khá lớn, chừng 200-300 tỷ m3/năm, từ nước mưa lẫn nước từ trên thượng nguồn Mekong đổ về. Lượng nước này ĐBSCL dùng không hết bởi cả vùng chỉ tiêu thụ khoảng 60 tỷ m3/năm là tối đa, dẫu 10 năm nữa thì cũng chỉ dùng chừng ấy. Lượng nước dư thừa rất lớn nhưng chúng ta không trữ mà để chảy ra biển một cách lãng phí. Trong khi đó, đến mùa khô, người dân thượng nguồn lấy nước, lượng nước ngọt bị lấy nhiều thì dĩ nhiên là mặn sẽ đẩy lên nhiều và dân ta lãnh đủ. Cho nên, vấn đề là phải làm sao trữ được nước trong mùa mưa, tích lại để sử dụng cho mùa thiếu nước.

PV: - Trước thực trạng trên, để tránh rơi vào thế bị động, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - GS.TS Vũ Trọng Hồng đề xuất, Việt Nam phải thực hiện nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi là trữ nước, chuyển nước từ nơi thừa tới nơi thiếu.

Ông chia sẻ như thế nào với quan điểm này của GS.TS Vũ Trọng Hồng? Nếu làm được như vậy, sự chủ động về nguồn nước sẽ được nâng lên thế nào?

ThS Kỷ Quang Vinh: - Luật Thủy lợi nói đúng nhưng mới chỉ chung chung. Với thực trạng như đã phân tích ở trên thì cần cố gắng làm càng nhiều công trình trữ nước càng tốt.

Như ở ĐBSCL, vào mùa mưa cả vùng đều có nước, nhưng hiện nay ở những tỉnh như Cà Mau thì hồ chứa nước trong dân rất ít, đất ở Cà Mau hay các địa phương gần biển, thậm chí cả vùng ĐBSCL phía dưới là lớp hữu cơ nên rất trống, nước có thể ngấm vào và thoát ra. Do đó, khi trữ nước, phải nghiên cứu và xử lý đáy nền cho tốt.

Còn ở Bến Tre năm nay làm tốt việc trữ nước ở kênh Lấp, tuy nhiên đến cuối mùa khô, khi xung quanh không có nước, mực nước mặn bên ngoài cao hơn mực nước ngọt phía trong khiến xâm nhập mặn thẩm thấu vào.

Cho nên, phải làm sao hướng dẫn kỹ thuật cho từng địa phương, từng nông dân để làm cho đúng, tránh hiện tượng xâm nhập mặn ngược trở lại do thiếu nước.

Còn việc chuyển nước từ nơi này sang nơi khác cũng giống như chuyện nhà giàu có dư thì chuyển cho nhà nghèo, không thể nào lấy của nhà nghèo chuyển qua cho nhà giàu được.

Mỗi năm, lưu vực ĐBSCL nhận được lượng nước rất lớn, trước đây chừng 475 tỷ m3, giờ chừng 300 tỷ m3, trong khi những lưu vực khác chỉ nhận chừng 30-40 tỷ m3 nước mỗi năm thì làm sao nơi khác có thể cứu ĐBSCL được? Cho nên, nói chuyện chuyển nước về mặt lý thuyết thì nên làm, nhưng thực tế lại không có chỗ để ứng dụng.

Nhà nhà phải trữ nước

PV: - Theo đề xuất của GS.TS Vũ Trọng Hồng, ĐBSCL phải trữ được nước trong mùa mưa, kết nối các kênh rạch tại vùng đồng bằng thành một hệ thống liên hoàn. Biện pháp này cũng sẽ giúp việc đề xuất và triển khai các công trình ngăn mặn hiệu quả hơn.

Thực tế, việc trữ nước, chuyển nước ở ĐBSCL trong những năm qua được thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa ông? Việc kết nối kênh rạch giữa các địa phương ở ĐBSCL có khả thi không và rào cản lớn nhất khiến hệ thống thủy lợi liên vùng ở ĐBSCL khó thực hiện là gì?

ThS Kỷ Quang Vinh: - Ngoài nước mưa và nước ngầm thì ĐBSCL hầu như không có nước. Hơn 90% lượng nước mặt của sông Mekong phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ. Cho nên, trữ nước, chuyển nước từ nơi thừa sang nơi thiếu trong khu vực này là việc đương nhiên phải làm.

Trước nay, các địa phương thuộc ĐBSCL đã thực hiện trữ nước nhưng còn nhỏ lẻ, cục bộ, tùy vào địa chất của từng địa phương.

Để thực hiện đồng bộ được, rất cần có quy định, hướng dẫn của Nhà nước về mặt chính sách, song bên cạnh đó cũng cần có các nghiên cứu về mặt khoa học kỹ thuật để đưa ra được giải pháp cho từng địa phương khi địa chất, độ cao, độ dốc mặt đất ở mỗi địa phương là khác nhau, dẫn đến việc trữ nước cũng khác nhau.

Về mặt tự nhiên, hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL đã liên hoàn với nhau, không phân cách nhiều, tuy nhiên chính hệ thống thủy lợi mà các địa phương xây dựng để cung cấp nước, thoát nước cho đồng bằng lại cục bộ, không nằm trong một hệ thống đồng bộ, dẫn tới tình trạng chỗ này một công trình, chỗ kia một công trình, không thể vận hành chung, vô tình trở thành những công trình vô ích hoặc hiệu quả rất thấp, không phát huy được tác dụng tổng hợp.

Bên cạnh đó, chênh lệch độ cao giữa địa phương này với địa phương khác ở ĐBSCL rất thấp. Chẳng hạn, Cần Thơ, An Giang chỉ cao hơn Cà Mau chừng 1-1,5m trong khi khoảng cách giữa các địa phương này tới mấy trăm cây số. Khi chênh lệch về độ cao giữa các địa phương không nhiều thì có muốn chuyển nước từ nơi thừa đến nơi thiếu cũng khó.

Chưa kể, hiện nay Cà Mau là vùng có nhiều mưa, không cần nước từ sông Hậu hay sông Tiền về, mà trữ nước mưa tại chỗ dư sức đủ cho cả năm, nếu có những công cụ trữ nước phù hợp.

Từ thực tế trên, có thể thấy thứ mà ĐBSCL cần chính là một hệ thống công trình thủy lợi đồng bộ, liên hoàn giữa các địa phương để ngăn mặn, giữ ngọt khi cần.

Hệ thống thủy lợi này, khi nào thừa nước thì sẽ thoát ra biển, khi nào thiếu nước thì vẫn có đủ để cung cấp cho người dân xài. Ở đây, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến công trình thủy lợi phải liên hoàn để đáp ứng được các yêu cầu của khu vực, vì ĐBSCL là khu vực có khí hậu, thủy văn thống nhất với nhau, tách biệt với các khu vực khác của Việt Nam, nhưng lại gắn liền với các khu vực khác thuộc lưu vực sông Mekong.

Bên cạnh hệ thống thủy lợi nói trên, cần lưu ý rằng sẽ có những vùng không thể nào có nước, đặc biệt là những vùng ven biển, vùng dễ bị nhiễm mặn thường xuyên. Để giải quyết tình trạng này, cần có các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, thậm chí phục vụ cho các ngành công nghiệp cần nước và có giá trị cao.

Trước đây, các nhà khoa học lo ngại giá thành chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt quá cao nên giải pháp này chưa được thực hiện. Nỗi lo này khoảng 30 năm trước là có cơ sở, nhưng từ năm 2010 trở lại đây, khoa học công nghệ phát triển, công nghệ chuyển nước mặn thành nước ngọt ngày càng rẻ.

Hiện nay giá lọc theo tiêu chuẩn Singapore, Israel (có thể uống ngay khi vặn khỏi vòi) là khoảng 10.000 đồng/m3, tức cao hơn một chút so với mức giá nước sinh hoạt phổ biến hiện nay ở Việt Nam. Nhưng phải lưu ý rằng, chất lượng nước của Singapore và Israel hơn hẳn Việt Nam nên nhìn tổng thể, chưa chắc đã đắt hơn.

Một điểm khác, trước đây Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên là hai khu vực trữ nước tự nhiên của ĐBSCL, hàng năm có thể hấp thu tới 10 tỷ m3 nước mỗi vùng. Đến mùa khô, các khu vực này cùng Biển Hồ của Campuchia cung cấp nước điều hòa cho ĐBSCL. Rất tiếc sau này việc xây dựng đê bao để tăng diện tích đất lúa đã làm mất khả năng trữ nước của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Trước kia, khi Việt Nam thiếu lúa, việc xây dựng đê bao đã biến tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười từ những “cánh đồng hoang” trở thành những cánh đồng canh tác lúa 3 vụ.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT), trong 12 năm (2000 – 2012) diện tích canh tác lúa tại hai vùng trũng này tăng 7 lần, từ 53.000 ha lên 403.000 ha, nhiều nhất là ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tuy nhiên, chính hệ thống đê bao đã làm mất khả năng trữ nước của khu vực. Tính toán cho thấy, lượng nước hàng năm mất khoảng 16 tỷ m3 nước ngọt, nên ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy trong mùa kiệt, gây xâm nhập mặn ở các địa phương cuối nguồn.

Bây giờ, khi Việt Nam đã dư lúa gạo, giá lúa nhiều khi chỉ 5.000-6000 đồng/kg, trong khi đó nếu có kênh mương để giữ Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười thành nơi trữ nước thì sẽ có cá, mà cá có rẻ cũng phải 30.000 đồng/kg. Bởi vậy, phải mạnh dạn khôi phục lại hai túi nước tự nhiên của ĐBSCL.

Điểm cuối cùng, cần lợi dụng những hào ao sẵn có, cải tạo chúng, nạo vét sâu kênh mương để trữ nước nhiều nhất trong mùa mưa để dùng trong mùa khô, tái cấp bổ nước ngầm, thậm chí vận động từng hộ nông dân trữ nước trong mương, vườn nhà họ. Có như vậy, khả năng mất nước mới giảm đi nhiều và sẽ có đủ nước để giải hạn, chống xâm nhập mặn.

Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng kết hợp với hạn hán làm hàng chục ha lúa chết tại tỉnh Bến Tre hồi đầu năm 2020. Ảnh: TTXVN

PV: - Tương tự, theo ông, tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), việc trữ nước và chuyển nước nên thực hiện như thế nào để tránh tình trạng chưa hết mùa khô đã hết nước?

ThS Kỷ Quang Vinh: - Đây là quan điểm đúng. Hiện nay, không chỉ ĐBSCL mà từ Bắc vào Nam đều xảy ra khô hạn, do đó yêu cầu trữ nước phải đặt ra với tất cả các vùng.

Nhiều người đặt câu hỏi: biến đổi khí hậu khiến Trái Đất nóng lên, nước bốc hơi nhiều, mưa nhiều hơn, tại sao lại bị khô hạn? Vấn đề là thay vì mưa tập trung ở lưu vực thượng nguồn các sông thì bây giờ mưa chuyển ra ngoài biển nhiều hơn, hôm nay mưa, ngày mai nước chảy ra biển hết nếu không được giữ lại. Do vậy, chuyện giữ nước, trữ nước trong mùa mưa là một bài toán và là giải pháp kỹ thuật phải nghiên cứu cho thật tốt.

Về công trình trữ nước, miền Bắc, miền Trung có nhiều, nhưng nếu trữ nước theo kiểu tập trung không thôi thì chưa đủ. ĐBSCL cũng vậy, Bến Tre, Hậu Giang và một vài địa phương khác tiếng là trữ nước nhiều nhưng không được bao nhiêu và không đáp ứng được nhu cầu của người dân dù công trình to lớn.

Cho nên, hệ thống trữ nước phải được phân tán tới tận từng xã, ấp bằng việc tận dụng hệ thống kênh rạch sẵn có, từng người dân, từng thôn xóm phải lo trữ nước thì sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn.

PV: - Xét về khía cạnh đầu tư, đề xuất trên có vượt quá khả năng đầu tư của Việt Nam ở thời điểm hiện tại? Trong trường hợp đó, nên phân kỳ đầu tư như thế nào?

ThS Kỷ Quang Vinh: - Cần phải xác định, chúng ta đầu tư các công trình thủy lợi liên hoàn để trữ nước, chuyển nước cho ai? Nếu đầu tư cho chúng ta thì tốn kém, nhưng nếu đầu tư cho tương lai nên thì nên xem xét một vấn đề, đó là: Sau năm 2050 chúng ta còn tồn tại được ở ĐBSCL với tình hình sụt lún đất và nước biển dâng như hiện nay không? ĐBSCL có còn là nơi đáng sống cho người dân hay không? Nếu các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ĐBSCL không còn là nơi đáng sống nữa thì phải có biện pháp di dời dân và tới năm 2050 mà không sống được ở đây nữa thì có đổ tiền nhiều vào đó cũng vô ích.

Nhưng nếu sau năm 2050 ĐBSCL vẫn là nơi sống được thì cần phải đầu tư các công trình thủy lợi liên hoàn, trên cơ sở cải tạo hệ thống công trình hiện có. Đó là các công trình cống, đập, đê điều, hệ thống máy bơm… Khi vùng bị xâm nhập mặn thì đóng các cửa đập lại, khi nào có lũ thì lại mở ra, đồng thời có hệ thống đê điều để hướng dẫn nước chảy thẳng ra biển, thay vì gây ngập ở các địa phương. Ngoài ra, nơi trũng cần trang bị hệ thống máy bơm để nước có thể thoát nhanh khi gặp lũ và có thể bơm vào khi khô hạn. Chính hệ thống máy bơm này cũng sẽ hỗ trợ đẩy nước từ nơi thừa sang nơi thiếu khi địa hình giữa các địa phương có sự chênh lệch về độ cao không nhiều.

Để làm những công trình này chắc chắn sẽ tốn kém nhưng sẽ có ích so với những công trình chúng ta làm đại trà, quy mô hoành tráng. Hơn nữa, nếu làm từng bước thì cũng không tốn kém quá nhiều.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/ung-pho-the-nao-truoc-nguy-co-mat-an-ninh-nguon-nuoc-3417981/