Ứng phó tác động từ 'cuộc chiến' Mỹ - Trung

Do GDP Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu nên để tránh bị bào mòn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cần cải thiện lại sức cạnh tranh cũng như linh động tìm thị trường mới

Theo thông tin được đưa ra trong một tọa đàm mới đây của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), với kịch bản Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỉ USD hàng nhập từ Trung Quốc, bình quân cả giai đoạn 2018-2022, GDP Việt Nam sẽ bị giảm hơn 6.000 tỉ đồng/năm.

Chất chồng rủi ro

Bộ KH-ĐT nhận định chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,03% năm 2018; mức giảm tăng lên 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0,12% vào 2020-2021. Mức thiệt hại tương ứng sẽ là 1.650 tỉ đồng vào 2018, 5.300 tỉ đồng năm 2019, 7.500 tỉ đồng năm 2020, 8.000 tỉ đồng năm 2021 và 7.800 tỉ đồng năm 2022. Với mức giảm như trên, quy mô nền kinh tế năm 2018 là khoảng 235 tỉ USD, tới năm 2020 là 250,2 tỉ USD; năm 2021 là 284 tỉ USD và năm 2022 là 302 tỉ USD.

Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy Mỹ có thể sẽ còn leo thang "trả đũa" về mặt thương mại đối với Trung Quốc với hàng loạt kịch bản có thể xảy ra. Theo đó, kịch bản nặng nề nhất là Mỹ áp thuế 25% với toàn bộ 500 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa bằng cách tăng thuế 25% với toàn bộ hàng Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số "khô khan", không thể hiện hết được các mặt tác động trực quan mà cuộc chiến này gây ra đối với nền kinh tế Việt Nam.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ KH-ĐT, cho rằng tác động của chiến tranh thương mại là tác động dây chuyền, kéo từ thương mại, đầu tư đến tiền tệ cùng nhiều vấn đề khác. "Nhiều ý kiến dự báo Việt Nam ảnh hưởng ít nhưng tôi cho rằng ảnh hưởng sẽ rất lớn. Từ nay đến cuối năm không có hy vọng giảm lãi suất cho vay; đầu tư nước ngoài và giải ngân đầu tư công chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề" - TS Lưu Bích Hồ nhận xét.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh đây là biến cố gây bất lợi cho Việt Nam nhiều hơn là lợi ích. Cụ thể, Việt Nam có nguy cơ trở thành đối tượng "trừng phạt" của Mỹ như áp thuế cao nếu rơi vào nhóm bị "để ý" khi Trung Quốc mượn đường trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam qua Mỹ. Ngược lại, chúng ta cũng sẽ bị vạ lây khi Mỹ lấy Việt Nam làm điểm quá cảnh để đưa hàng vào Trung Quốc. Thêm vào đó, khi bị cản đường sang Mỹ, Trung Quốc có thể hạ giá thành và đưa hàng hóa sang Việt Nam tiêu thụ với số lượng lớn, tạo áp lực cạnh tranh rất lớn về chất lượng, giá cả với hàng nội địa.

Đó là chưa kể đến việc Chính phủ Trung Quốc dùng chính sách ngoại hối để đối phó thông qua việc phá giá nhân dân tệ cũng làm cho hàng hóa của nước này rẻ đi để trung hòa với việc bị đánh thuế cao. Như thế, khó tránh hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn về Việt Nam. Khi nhân dân tệ mất giá thì hàng Việt cũng sẽ đắt đỏ hơn và xuất khẩu của Việt Nam bị bó hẹp.

Về đầu tư, TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng co cụm về thị trường truyền thống của họ thay vì dàn trải tới các thị trường mới nổi và thị trường cận biên như Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ nền kinh tế thế giới ổn định, có lãi ở thị trường truyền thống thì họ mới mang lãi đi đầu tư ở thị trường mới nổi.

Đồ họa: FƯƠNG ANH

Đồ họa: FƯƠNG ANH

Ứng phó thế nào?

Từ các phân tích trên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong từng lĩnh vực cần có kịch bản ứng phó riêng. Với lĩnh vực mậu dịch, ông Hiếu lưu ý trong bối cảnh thế giới có nguy cơ đi sâu vào khủng hoảng và Việt Nam là nước phụ thuộc vào mậu dịch toàn cầu, bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cùng Chính phủ cần theo dõi sát sao thị trường Mỹ, Trung để có biện pháp đối phó, mở rộng thị trường thay thế cho 2 thị trường lớn đang gặp bất ổn.

"Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cần duy trì lâu hơn chương trình cho vay ngoại tệ với DN xuất nhập khẩu để hỗ trợ họ trong bối cảnh tỉ giá biến động. Tất nhiên, cần yêu cầu DN chứng minh có hàng xuất khẩu để có nguồn trả. Nếu không, họ sẽ chạy vào thị trường ngoại hối vay USD trả cho ngân hàng và dẫn tới thị trường bị tác động" - ông Hiếu góp ý.

Trước việc hàng hóa từ 2 nước lớn tràn vào Việt Nam khiến hàng nội có nguy cơ bị đánh bật ngay tại sân nhà, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long đề nghị Chính phủ rốt ráo có chính sách hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh thông qua giá, chất lượng, tiếp thị. Bản thân các bộ, ngành cũng phải nhạy trước diễn biến của thị trường để tham mưu cho Chính phủ. Trong đó chú trọng đề phòng DN vì lợi ích trước mắt, nhập hàng Trung Quốc về để xuất sang Mỹ, gây mất uy tín của hàng Việt.

Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách), cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc sẽ tác động mạnh đến xuất nhập khẩu, tỉ giá. Do đó, đánh giá tác động không nên chỉ dừng ở kịch bản hiện hành đã được Mỹ áp dụng với Trung Quốc mà cần mở thêm đến phương án xấu nhất là mức 200% so với mức hiện nay. Từ đó, mới có giải pháp ứng phó phù hợp.

Có ít lựa chọn

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thuộc Học viện Tài chính - nhìn nhận Việt Nam có khá ít lựa chọn để ứng phó với khủng hoảng kinh tế do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Chẳng hạn, nếu phá giá VNĐ để thúc đẩy xuất khẩu thì ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế vĩ mô. Còn nếu thúc đẩy đầu tư công để đối phó với suy thoái thì sẽ làm tăng nợ công. Riêng việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa thì đã được nêu ra nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thực hiện được và có nguy cơ càng khó thực hiện hơn trong bối cảnh bất ổn.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/ung-pho-tac-dong-tu-cuoc-chien-my-trung-20180809223134816.htm