Ứng phó những thách thức mới

Ngày 17-3 vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo các quốc gia EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) thông qua kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa (lockdown) và về lý thuyết, hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế. Nhưng theo đánh giá của Bộ Công thương, động thái này vẫn sẽ gây gián đoạn hoặc làm chậm dòng chảy kinh tế - thương mại và như vậy, sẽ tác động xấu đến xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Nhìn rộng hơn, dịch bệnh cũng đang khiến lượng cầu trên thị trường thế giới giảm sút. Khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp (DN), thậm chí nguy cơ nghiêm trọng hơn.

Ngày 17-3 vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo các quốc gia EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) thông qua kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa (lockdown) và về lý thuyết, hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế. Nhưng theo đánh giá của Bộ Công thương, động thái này vẫn sẽ gây gián đoạn hoặc làm chậm dòng chảy kinh tế - thương mại và như vậy, sẽ tác động xấu đến xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Nhìn rộng hơn, dịch bệnh cũng đang khiến lượng cầu trên thị trường thế giới giảm sút. Khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp (DN), thậm chí nguy cơ nghiêm trọng hơn.

Chuyển từ thiếu cung sang nguy cơ thiếu cầu

Nguồn cung nguyên phụ liệu (NPL) cho ngành dệt may, da giày của Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc khoảng 65 đến 70%. Vì thế, dịch Covid-19 bùng phát ở nước này dẫn đến nguồn cung NPL bị gián đoạn khoảng hơn một tháng nay, phần lớn DN dệt may, da giày trong nước đều bị ảnh hưởng. Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc dần được kiểm soát, các DN cung ứng NPL cũng bắt đầu quay lại sản xuất và hầu hết đang “tăng hết tốc lực” để bù lại giai đoạn bị ngưng trệ trước đây. Theo thông tin từ các DN dệt may trong nước, hiện nỗi lo thiếu nguồn cung NPL đang dần được khắc phục và dự kiến đến cuối tháng 4 tới sẽ lại đi vào ổn định. Theo kịch bản, đây cũng là lúc các DN dệt may dồn lực, tăng tốc để giao hàng bù một tháng trước. Tuy nhiên, thị trường lại đang cho thấy những tín hiệu mới rất đáng lo ngại. Giám đốc Điều hành Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, một tuần trở lại đây bắt đầu có hiện tượng DN dù đã lo được NPL để bắt đầu gia công các đơn hàng, nhưng phía khách hàng lại đề xuất tạm dừng hoặc ngưng sản xuất. Thậm chí, nhiều DN đã hoàn thành đơn hàng nhưng đang phải hoãn thời gian giao do yêu cầu từ phía khách hàng. Rõ ràng, kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng quá lớn từ dịch Covid-19 khiến sức mua sụt giảm và từ đó lượng đặt hàng cũng giảm theo. Đây mới là kịch bản đáng ngại, ảnh hưởng lớn đến các DN cũng như lực lượng lao động trong khi bản thân DN rất khó tìm được lời giải. “Hiện, khó đánh giá được mức độ trầm trọng của các diễn biến tiếp theo vì còn phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới. Nhưng theo quan điểm của riêng tôi, ảnh hưởng trong quý II, quý III sẽ ngày càng tăng dần và có thể kéo dài tới tận quý IV. Khi đó, DN dù sẵn NPL và muốn sản xuất cũng chưa chắc có đơn hàng mà làm. Xu thế này đang càng ngày càng rõ, chỉ hy vọng sẽ không quá kéo dài, quá nặng nề khi nền kinh tế được phục hồi sau khi dịch bệnh sớm được kiểm soát”, ông Long chia sẻ.

Sẵn sàng đương đầu

Những diễn biến gần nhất trên trường quốc tế cho thấy lo lắng của ông Long là hoàn toàn có cơ sở. Ngay ngày 17-3 vừa qua, EU chính thức quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Về lý thuyết, động thái này trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Bởi lẽ, quy định chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, các biện pháp kiểm soát dịch nói trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ,… đến tiêu thụ; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ. Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác (trong đó có Việt Nam) cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,… (vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường này) khả năng sẽ suy giảm. Không những vậy, hàng hóa nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm; các quy định liên quan đến kiểm soát dịch cũng khả năng sẽ gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU và cản trở hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư hai bên;…

Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho rằng: Các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đều đang phải tập trung quyết liệt hơn vào công tác phòng, chống dịch và coi đây là ưu tiên cao nhất. Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, độ mở cao và xuất khẩu phụ thuộc tương đối nhiều vào các thị trường Mỹ hay châu Âu. Do vậy, tác động đối với các DN là không thể tránh khỏi. Mức độ ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào từng ngành cũng như cơ cấu mạng lưới nhà cung ứng của các DN. Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ, cần xây dựng kênh thông tin để DN trực tiếp chia sẻ với nhau kinh nghiệm, biện pháp hiệu quả nhằm ứng phó trong thời điểm dịch bệnh này. Thí dụ, các DN nếu chia sẻ được mức độ tận dụng công suất ở cùng ngành nghề sẽ có thể gia tăng hợp tác tiêu thụ hàng hóa. Một số chuyên gia cũng cho rằng, đối với các DN chuyên xuất khẩu, nhất là vào thị trường châu Âu và Mỹ, đây là những khó khăn đột xuất, có tính chất ngắn hạn do tác động từ bên ngoài nhưng nếu không có giải pháp hiệu quả rất có thể biến thành suy thoái lâu dài. Do vậy, lúc này là thời điểm DN phải duy trì để tồn tại, tìm cách thúc đẩy thị trường trong nước vì cơ hội xúc tiến thị trường xuất khẩu mới là rất khó. Về giải pháp chung, Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nếu triển khai quyết liệt sẽ có tác động tích cực đến DN. Các giải pháp liên quan chính sách tài khóa như miễn, giảm, giãn thuế sẽ có tác dụng bảo đảm thanh khoản để DN ưu tiên dòng tiền cho sản xuất, cầm cự qua giai đoạn này, chờ cơ hội phục hồi.

Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, trong đầu tuần tới, Cục Công nghiệp sẽ làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để tìm hiểu rõ tình hình khó khăn thực tế, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát các thị trường chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh để thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu trở lại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi việc kiểm soát dịch bệnh đã có bước tiến bộ khả quan. Trước phản ánh nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng, nhưng phải lùi thời gian giao hàng theo yêu cầu của đối tác nên đang phải chịu các chi phí lưu kho, lưu bãi, Bộ Công thương sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải để đề xuất biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí này.

NGUYỄN CẨM TRANG Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu - Bộ Công thương

TÔ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43762602-ung-pho-nhung-thach-thuc-moi.html