Ứng phó 'mùa sạt lở' đất bờ sông

Năm 2019, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan có cường độ mạnh và xảy ra với tần suất nhiều hơn. Các thiên tai như: mưa lớn, giông, lốc, sét, bão, lũ, sạt lở đất… có thể sẽ xảy ra bất cứ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào. Đặc biệt, 'đến hẹn lại lên', tình trạng sạt lở đất bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Liên tiếp xảy ra sạt lở

Cặp bờ Kênh Xáng (ấp Tân Hậu A1, Tân Hậu A2, xã Tân An, TX. Tân Châu) có vùng đê bao khép kín Tân An - Tân Thạnh. Giữa năm 2018, địa phương xác định có 12 đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Trong 425 hộ cặp bờ sông, có 249 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Nguyễn Thanh Long cho biết: “Khoảng 15 giờ 10 phút ngày 17-6-2019, tại ấp Tân Hậu A1 có dấu hiệu sạt lở. Đến 17 giờ cùng ngày, sạt lở đã xảy ra, chiều dài khoảng 15m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10m, cách nhà dân 4m. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại 1 chuồng heo, ước khoảng 30 triệu đồng, ảnh hưởng đến 3 hộ gia đình. Chiều hôm sau, địa phương phát hiện có dấu hiệu sạt lở tại bến đò Tân An - Long An, dài khoảng 25m, ăn sâu vào đất liền 8m. Các vụ sạt lở đều xảy ra sau khi mưa lớn kéo dài”. Ngày 26-6, UBND tỉnh quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê bắc Kênh Xáng (xã Tân An).

Khu vực sạt lở bờ kênh Cái Sắn

Trước đó, vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 7-6, tại tổ 13 và 14, khóm Thới Thạnh, phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) xảy ra vụ sạt lở, răn nứt sụp, lún ăn sâu vào đường dân sinh 2 đoạn, dài 65m. Ngày 9-6, sạt lở tiếp diễn dài 19m, sâu hơn 4m, rộng hơn 10m. Con đường đi gần như bị “nuốt trọn”, người dân qua lại rất khó khăn. Chiều hôm sau, tại tổ 12, khóm Hòa Thạnh xảy ra sụp, lún lòng sông Cái Sắn phía bờ An Giang, dài 85m, ảnh hưởng 16 hộ dân. Các căn nhà này bị nghiêng ra hướng ngoài sông, có nhiều khả năng rơi xuống bất kỳ lúc nào. UBND phường Mỹ Thạnh đã báo cáo và được các ngành chuyên môn đến hiện trường khảo sát, hướng dẫn phương án khắc phục. Đồng thời, vận động các hộ dân di dời tài sản và vật dụng nặng, không được ngủ trong nhà.

Ngày 12-6, UBND tỉnh ban hành quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn. Sở Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn. UBND TP. Long Xuyên vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông và đường bờ trong đoạn được cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở. Theo UBND TP. Long Xuyên, tuyến đường cặp kênh Cái Sắn là tuyến đường huyết mạch phục vụ giao thông đường thủy, bộ từ An Giang đi Kiên Giang. Do đó, các tàu có tải trọng lớn thường xuyên qua lại, là nguyên nhân chính xảy ra sạt lở.

Vẫn còn tâm lý chủ quan trong người dân

Đó là một số vụ sạt lở nổi bật đã diễn ra trong thời gian gần đây. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, so với kết quả quan trắc đợt 1-2018, kết quả đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở đợt 2-2018 vẫn giữ nguyên 51 đoạn sông cảnh báo sạt lở từ mức trung bình đến nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Tuy số đoạn cảnh báo không thay đổi và có xu hướng giảm về chiều dài, nhưng lại gia tăng về mức độ nguy hiểm và xảy ra sạt lở nhiều hơn ở các sông, kênh, rạch nhỏ. Tại sông Tiền, có một số đoạn xảy ra sạt lở mạnh, liên tục, hiện nay đang có nhiều nhà dân sinh sống ven sông, cần đặc biệt chú ý như: đoạn Vĩnh Xương - Long Châu, kè Tân Châu (TX. Tân Châu); đoạn Chợ Vàm - Phú An - Phú Thọ - Phú Mỹ (Phú Tân); đoạn Kiến An, thị trấn Chợ Mới - Long Điền A, Tấn Mỹ - Mỹ Hiệp - Bình Phước Xuân, thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới). Dọc sông Hậu, cần đặc biệt chú ý đoạn xã Quốc Thái, xã Phú Hữu, xã Phước Hưng, xã Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Trường, thị trấn An Phú (An Phú); xã Châu Phong (TX. Tân Châu); đoạn xã Phú Hiệp - Hòa Lạc - Phú Bình (Phú Tân); xã Vĩnh Thạnh Trung - thị trấn Cái Dầu, xã Bình Mỹ (kênh Xáng Cây Dương - phà Năng Gù, Châu Phú); đoạn xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới); xã Mỹ Hòa Hưng, phường Bình Đức - Bình Khánh - Mỹ Bình (TP. Long Xuyên)... Trên sông Bình Di, liên tục nhiều năm qua khu vực này đều xảy ra sạt lở, có nơi lấn sâu vào từ 1-5m/năm. Sau khi dòng chảy tại đây được chỉnh trị (nạo vét dòng chảy thẳng), sạt lở giảm dần. Năm 2018, các đoạn xung yếu trên sông không xuất hiện sạt lở. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới khu vực này vẫn tiếp tục diễn ra sạt lở do độ chênh lệch thủy cấp rất cao, nên vẫn giữ nguyên cảnh báo ở cấp độ nguy hiểm.

Người dân chỉ vết răn nứt trong vùng sạt lở

Gần 1 tháng qua, ông Nguyễn Văn Bé (sinh năm 1946, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) chưa hết lo sợ khi tận mắt chứng kiến đất bờ sông trước cửa nhà chìm xuống đáy sông. “Lúc trước, các dấu răn nứt đã xuất hiện, mọi người vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường. Không ngờ, sạt lở diễn ra nhanh chóng, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, lo thì lo, tôi vẫn phải ở lại, vì đất đai ông bà cha mẹ sinh sống mấy đời, đâu thể bỏ đi được”. Tương tự, bà Đinh Thị Liễu (sinh năm 1950, ngụ xã Tân An, TX. Tân Châu) chứng kiến sạt lở làm mất cả con đường giao thông, mất 3 nền nhà ven sông. Dù được chính quyền địa phương nhiều lần vận động, nhưng bà chưa muốn di dời. Một số hộ khác mang theo tâm trạng “ứng phó” như thế: “sạt lở ở nhà sau thì tôi dời ra ngoài trước ở, dời tới khi nào không thể ở được nữa mới buộc phải đi nơi khác. Biết là nguy hiểm, nhưng làm sao bỏ được nhà đất khổ công gầy dựng”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Xã có 6 tuyến dân cư, với 1.333 nền đã bố trí. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất thêm để bố trí các hộ nằm trong vùng nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở vào ở. Cũng có hộ chưa đồng ý di dời, dù được vận động, tuyên truyền thường xuyên. Trong 249 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, chúng tôi cho họ làm cam kết di dời về nơi ở an toàn khi xây dựng xong khu tái định cư. Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, hễ nghe người dân báo tin là chúng tôi có mặt bất kể giờ giấc. Có đêm trời mưa gió, UBND xã vẫn cử người đến các khu vực nguy hiểm để đề phòng sạt lở”.

Tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp

Trung tâm Khí tượng Thủy văn An Giang cho biết, theo các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO cho thấy, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và đang có xu hướng giảm dần. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay đến khoảng tháng 8-9 năm 2019 với xác suất khoảng 65%, sau đó, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 có xu hướng giảm thêm và ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính vào những tháng đầu năm 2020. Tổng lượng mưa trong tháng 7-8 và tháng 12-2019 phổ biến xấp xỉ TBNN, tháng 9 cao hơn TBNN, tháng 10-11 nhiều khả năng thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-25%. Thời kỳ kết thúc mùa mưa có khả năng xấp xỉ hoặc sớm hơn TBNN, khoảng từ ngày 1 đến ngày 10-11. Từ tháng 7 trở đi bắt đầu xuất hiện những nhiễu động trên Biển Đông, có thể hình thành bão, Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tác động đến thời tiết trên đất liền, do vậy cần có phương án đề phòng.

Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra sạt lở

Như vậy, mùa bão năm 2019 đến muộn, số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông ít hơn TBNN và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 4-5 cơn, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh An Giang. Tuy nhiên, hoàn lưu bão, ATNĐ sẽ gây mưa lớn, gió mạnh ở các địa phương; tổng lượng mưa toàn tỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN, mùa mưa có khả năng kết thúc sớm hơn TBNN. Đỉnh lũ năm 2019 tại các sông, kênh trên địa bàn tỉnh thấp hơn đỉnh lũ năm 2018. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong.

“Chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống và ứng phó với thiên tai cho từng khu vực cụ thể và cho từng loại hình thiên tai cụ thể; chuẩn bị và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng". Đối với người dân, để tránh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cũng như thiệt hại về người và tài sản, cần tuân thủ các quy định, thực hiện tốt chỉ đạo của địa phương và phối hợp tích cực với chính quyền địa phương để triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể của từng địa phương. Chủ động nhiều hơn trong các mô hình sản xuất, đảm bảo an toàn, có hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra” - Trung tâm Khí tượng Thủy văn khuyến cáo.

Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa yêu cầu tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch và lốc, sét trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp xây dựng nhà ở, công trình không phép hoặc sai phép ở bờ, lòng sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh; cắm biển cảnh báo sạt lở tại các khu vực sạt lở nguy hiểm và rất nguy hiểm; tổ chức rà soát, đánh giá, lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp áp dụng cho dự án sạt lở đảm bảo ổn định lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức phân luồng, quy định tốc độ qua lại của các phương tiện vận tải thủy tại các khu vực sạt lở; tổ chức sắp xếp, di dời, bố trí lại các hộ nuôi thủy sản tại các khu vực sạt lở. Chủ động phối hợp các cấp, ngành, địa phương rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở cao trên các tuyến đường giao thông sạt lở để cảnh báo cho nhân dân.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân di dời nhà ở ra khỏi khu vực cảnh báo sạt lở, không lui tới, sinh hoạt trong phạm vi nguy hiểm. Chủ động di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, đặc biệt là các hộ dân đã có kế hoạch di dời. Cùng với đó, thực hiện rà soát lại kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thiên tai thực tế của địa phương.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/ung-pho-mua-sat-lo-dat-bo-song-a249541.html