ỨNG PHÓ LINH HOẠT ĐỂ GIẢM THIỆT HẠI DO THỜI TIẾT DỊ THƯỜNG

Hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra luôn là yêu cầu, mệnh lệnh cấp bách không chỉ với các ngành, các cấp, các địa phương mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.

Mỗi năm, cho dù nước ta phải đối mặt với rất nhiều hình thái thời tiết, thiên tai cực đoan với các yếu tố dị thường nhưng nhờ sự chủ động trong công tác phòng, chống, sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là vai trò xung kích, đi đầu của các LLVT trong ứng phó các sự cố nên thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm ở mức thấp nhất-nhất là thiệt hại về người, tài sản. Các sự cố thiên tai xảy ra tại những khu vực trọng điểm người dân khu vực đó đều được cứu nạn, cứu hộ kịp thời; được bố trí tránh trú ở những nơi ở tạm; được động viên, hỗ trợ về tinh thần, vật chất để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Có được kết quả đáng khích lệ trên là do sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp từ Trung ương đến cơ sở; sự tham mưu, điều hành hiệu quả của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các cấp, nhất là cấp huyện, xã; sự phát huy hiệu quả của phương châm “bốn tại chỗ” trong ứng phó, xử lý linh hoạt các nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh ngay từ ban đầu nên thiệt hại đã giảm đáng kể.

 Ảnh minh họa. Nguồn: qđnd.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: qđnd.vn

Thiên tai không báo trước và hậu quả của nó cũng không thể lường hết được nếu ý thức xem nhẹ, chủ quan vẫn còn tồn tại trong mỗi người dân. Vì thế, để PCTT hiệu quả, nhất là thiên tai với nhiều yếu tố dị thường thì ngay từ khi mùa mưa bão chưa cận kề, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại. Đánh giá đầy đủ chất lượng các công trình phòng, chống lũ, bão, các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê sông, đê biển, hồ chứa để sớm xây dựng các phương án hợp lý trong ứng phó. Mặt khác, trong xây dựng các công trình trọng điểm, công trình giao thông; quy hoạch, kế hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương cũng phải tính đến các yếu tố phòng ngừa, giảm thiệt hại thiên tai. Công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai, thời tiết cũng cần phải đổi mới theo hướng cập nhật thường xuyên hơn, độ chính xác cao hơn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo PCTT các cấp và sự chủ động phòng, chống của người dân. Phương châm “bốn tại chỗ” và dự kiến xử lý các sự cố cũng phải được lực lượng chức năng, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư hơn; thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh, luyện tập để theo kịp với các hình thái, diễn biến của thời tiết; nhất là bão lũ xảy ra trên phạm vi rộng, mức độ tàn phá lớn, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

Bên cạnh đó, việc sớm xây dựng trung tâm điều hành PCTT quốc gia; hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực PCTT, kỹ năng xử lý các sự cố cho người dân cũng sẽ góp phần giúp công tác phòng, chống được chủ động; không bị lúng túng trong xử lý; nhất là khi ứng phó ở các vùng núi cao, ven biển.

HOÀNG GIA MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ung-pho-linh-hoat-de-giam-thiet-hai-do-thoi-tiet-di-thuong-581570