Ứng phó khẩn cấp với bão số 6

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 6 và mưa lũ. Theo đó yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (BCĐ T.Ư về PCTT), Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UBQGUPSC,TT và TKCN); các bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm 'bốn tại chỗ'.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Lý (Thái Bình) hướng dẫn, kêu gọi ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn trước siêu bão Mangkhut. Ảnh: LẠI HỢP KHÁNH

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão Mangkhut đã đi vào Biển Đông và là cơn bão số 6 của năm 2018. Dự báo đến 13 giờ hôm nay 16-9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 đến 165 km/giờ), giật cấp 17. Do ảnh hưởng của bão, ở bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

* Do ảnh hưởng của bão số 6, từ ngày 17-9, ở Quảng Ninh có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang có gió giật cấp 6, cấp 7. Hoàn lưu bão sẽ gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Với lượng mưa ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ từ 200 đến 300 mm, vùng núi phía bắc có nơi hơn 300 mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100 đến 200 mm.

* Từ ngày 17 đến 19-9, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, thượng lưu hệ thống sông Mã sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2 đến 5 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Thao và thượng lưu sông Lô ở mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ3; sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức BĐ1 - BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình, thượng lưu sông Mã ở mức BĐ1. Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc Bộ và Thanh Hóa, nhất là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Hòa Bình.

* Hồi 11 giờ ngày 15-9, BCĐ T.Ư về PCTT - UBQGUPSC,TT và TKCN có Công điện số 52/CĐ-T.Ư điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ từ Nghệ An trở ra; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ, ngành liên quan yêu cầu rà soát, kiểm đếm tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, sản xuất; kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; nhất là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục, các đập, hồ chứa xung yếu hoặc đã đầy nước…

* Tổng Công ty điện lực miền Bắc chỉ đạo các công ty, đơn vị trực thuộc tăng cường ứng trực, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm cung cấp điện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng lao động, tài sản lưới điện, công trình và an toàn điện cho nhân dân. Tiếp tục gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, sự cố gây mất an toàn trong quản lý vận hành cung cấp điện. Các công ty điện lực phải có phương án bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng các phụ tải quan trọng. Các đơn vị phải sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

* Ngày 15-9, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương khẩn trương đưa các khách du lịch trên biển và khách trên các đảo về đất liền ngay trong ngày. Đối với các khách du lịch còn lại trên đảo, phải nắm chắc số lượng để có phương án bảo đảm an toàn. Quảng Ninh sẽ thực hiện lệnh cấm biển từ 10 giờ hôm nay 16-9. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành việc sơ tán dân khỏi các tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dân các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mất an toàn trước 17 giờ ngày 16-9.

* TP Hải Phòng đã lên kịch bản sơ tán dân trước khi bão số 6 đổ bộ. Theo đó, nếu bão cấp 10, cấp 11sẽ sơ tán tại chỗ gần 10 nghìn hộ dân với 35 nghìn người; di dời hơn 17 nghìn hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu đến nơi trú tránh an toàn. Nếu bão rất mạnh, từ cấp 12 đến 15, sẽ sơ tán tại chỗ gần 12 nghìn hộ dân và di dời hơn 30 nghìn hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn. Nếu bão mạnh cấp 12, cấp 13, các địa phương sẽ sơ tán toàn bộ dân cách bờ biển từ 300 m trở xuống, trừ các nhà kiên cố. Nếu bão mạnh cấp 14, cấp 15, sẽ sơ tán toàn bộ dân cách bờ biển từ 1 km trở xuống, trừ các hộ dân sống trong các nhà kiên cố và không bị ngập sâu.

* UBND tỉnh Nam Định thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16-9, sơ tán di dời người dân tại các chòi canh, lồng bè, khu bãi tắm, du lịch ven biển xong trước 17 giờ ngày 16-9.

* Từ 11 giờ ngày 15-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.242 tàu, thuyền với 3.607 ngư dân đang làm ăn trên biển. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Tỉnh đã có phương án di dời khi cần thiết đối với 4.229 hộ với 15.294 người sinh sống ngoài đê chính. Đối với hơn 60% diện tích lúa mùa đã trỗ bông, tỉnh yêu cầu các địa phương nhanh chóng tiêu nước đệm trong đồng chống úng ngập.

* Tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch sơ tán 100 nghìn hộ dân khu vực nguy hiểm. Trong đó có hơn 58.400 hộ dân sinh sống tại khu vực mép nước, cửa sông, ven biển; hơn 68 nghìn hộ dân sinh sống tại khu vực bãi sông; hơn 7.000 hộ sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đã được xây dựng kế hoạch sơ tán đến nơi an toàn.

* Để bảo đảm an toàn công trình và vận hành đón lũ, sáng 15-9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 162/CV-PCTT thông báo về việc công trình thủy điện Bản Vẽ vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện, với lưu lượng 600 đến 800 m3/giây.

* Trước tình hình trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) còn khoảng 700 ha lúa hè thu còn chưa thu hoạch, Công an huyện Hương Sơn đã tăng cường cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn giúp dân thu hoạch lúa, hoa màu “chạy” bão, đồng thời triển khai lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị phương tiện di dời dân khi cần thiết.

Đài Thông tin duyên hải TP Hồ Chí Minh cho biết, trưa 14-9, nhận được yêu cầu trợ giúp cho một tàu cá của tỉnh Bình Định bị nạn cách Nha Trang khoảng 145 hải lý về phía đông nam. Trên tàu có bốn ngư dân và tám cán bộ của Viện Hải dương học, trên đường chạy về bờ để tránh bão, máy của tàu bị hỏng. Đài đã phát thông báo khẩn kêu gọi sự trợ giúp của tàu thuyền đang hoạt động quanh khu vực ứng cứu.

* Ngày 15-9, tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng chức năng vừa cấp cứu một thuyền viên gặp nạn trên biển qua cơn nguy kịch và đưa vào bờ an toàn. Trước đó, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh nhận được tin tàu cá QT 97788TS, trên tàu có thuyền viên bị ngã vỡ xương bánh chè, sức khỏe yếu. Đến chiều tối 14-9, lực lượng cứu nạn đã tiếp cận được tàu QT 97788TS, nhanh chóng chuyển thuyền viên bị nạn lên tàu cứu nạn, tiến hành sơ cấp cứu và đưa nạn nhân vào đất liền an toàn. Hiện, tình trạng sức khỏe của thuyền viên đang dần hồi phục và qua cơn nguy kịch.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37630602-ung-pho-khan-cap-voi-bao-so-6.html