Ứng phó hạn, mặn, bảo vệ cây ăn quả

Hiện nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, trong thời gian tới có nguy cơ hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Vì vậy, các địa phương đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại.

Nông dân tỉnh Tiền Giang chăm sóc cây sầu riêng.

Nông dân tỉnh Tiền Giang chăm sóc cây sầu riêng.

Hiện nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, trong thời gian tới có nguy cơ hàng chục nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực này bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Vì vậy, các địa phương đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp ứng phó nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại.

Hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020, ở tỉnh Tiền Giang có 5.343 ha vườn cây ăn quả bị thiệt hại từ 30 đến 70%, trong đó có 4.500 ha sầu riêng bị ảnh hưởng. Để bảo vệ hơn 81 nghìn héc-ta cây ăn quả trong đợt hạn, mặn năm nay, Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm và triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Vì vậy, đến nay hạn, mặn chưa ảnh hưởng nhiều đến các vườn cây. Tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy có hàng nghìn héc-ta sầu riêng, đây là loại cây trồng rất mẫn cảm với hạn, mặn. Trong hai đợt hạn, mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020, nhiều diện tích cây ăn quả của xã bị ảnh hưởng trực tiếp. Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn trước, năm nay chính quyền và nhân dân đã chủ động hơn trong việc ứng phó. Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương cho biết, ngay từ đầu năm 2021, xã đã xây dựng kế hoạch và phương án ứng phó như: họp dân, lồng ghép vào các tổ truyền thanh của ấp nhằm kịp thời thông báo hạn, mặn cho người dân biết chủ động tích trữ nước ngọt. Mặt khác, địa phương liên tục đo độ mặn để kịp thời đóng các cống ngăn mặn và trữ nước ngọt bảo vệ cây trồng. Ông Huỳnh Văn Út, ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp kể: "Gia đình tôi trồng gần một héc-ta sầu riêng. Hạn, mặn mùa khô 2019-2020, gia đình bỏ ra gần 30 triệu đồng để mua nước ngọt về tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, vườn sầu riêng vẫn bị chết gần một phần ba. Đến nay, những cây còn lại dần được phục hồi. Nhằm ứng phó hạn, mặn năm nay, gia đình tôi đã đào ao để chứa nước ngọt. Hy vọng, hạn, mặn không gay gắt cùng với sự chuẩn bị tốt, vườn sầu riêng sẽ không bị ảnh hưởng".

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có hơn 31.000 ha cây ăn quả như: Nhãn, bưởi, vú sữa… tập trung tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú... Tuy nhiên, do chủ động các giải pháp ứng phó cho nên đến nay, hạn, mặn chưa ảnh hưởng nhiều đến các diện tích trồng cây ăn quả tại địa phương. Tại xã Trinh Phú (huyện Kế Sách), đang trồng 36 ha vú sữa tím theo quy trình VietGAP đạt chuẩn xuất khẩu. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú, Hồ Văn Hội cho biết: "Nhằm bảo vệ những diện tích vú sữa, hợp tác xã cử cán bộ thường xuyên theo dõi độ trong nước khi đưa vào vườn để người dân tưới cho cây. Ngoài ra, hợp tác xã cũng khuyến cáo việc chủ động tích trữ nước ở các kênh mương, ao để bảo đảm nước tưới cho cây trồng khi mặn xâm nhập sâu". Đưa chúng tôi tham quan vườn măng cụt của gia đình không bị ảnh hưởng gì sau các đợt hạn, mặn vừa qua, ông Lâm Thanh Sơn, ấp An Ninh 1 (thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách) cho biết: "Để bảo vệ vườn măng cụt, tôi thường xuyên cập nhật thông tin về hạn, mặn trong các tháng mùa khô nhằm kịp thời ứng phó. Bên cạnh đó, tôi đắp bờ bao để nước mặn không xâm nhập vào vườn cây. Đồng thời, tận dụng nguồn nước ngọt ngoài sông, nước mưa, nước ngọt tích trữ trong kênh mương để tưới cây".

Theo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 ở vùng ĐBSCL diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Theo dự báo, khả năng trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sâu cho nên cần đề phòng khả năng có khoảng 40.000 ha cây ăn quả ở các địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Sóc Trăng bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương và người dân cần chủ động tích trữ nguồn nước ngọt trong các kênh mương, hồ chứa phân tán để bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Đồng thời, nâng cấp hệ thống thủy lợi, chủ động nguồn nước cho từng vùng ngọt, lợ và tăng cường khả năng cấp nước ngọt, trữ nước tại chỗ đối với những vùng ven biển; theo dõi và kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối để có kế hoạch đóng mở phù hợp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Mẫn cho biết: "Qua dự báo, tình hình xâm nhập mặn năm nay sẽ không quá khắc nghiệt như mùa khô 2019-2020 nhưng cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã triển khai đắp đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành và bảy tuyến kênh chủ lực khác để bảo vệ các vườn cây ăn quả. Riêng hai xã cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong (huyện Cai Lậy) đã tập trung gia cố cống, đập, bờ bao để ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, cho khoan khẩn cấp 14 giếng để cung cấp bổ sung nguồn nước ngọt tưới cây sầu riêng". Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung (Sóc Trăng) Võ Thanh Quang cho biết, Cù Lao Dung là huyện nằm giữa sông Hậu, giáp với biển, tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên hằng năm và gây thiệt hại lớn đối với người dân. Nhằm đối phó hạn, mặn, huyện đã chủ động nạo vét các công trình thủy lợi, củng cố đê bao quanh cù lao. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện hai công trình đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn vùng cù lao với kinh phí gần 88 tỷ đồng.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Cây ăn quả miền nam khuyến cáo, khi hạn, mặn uy hiếp vùng cây ăn quả, chính quyền địa phương và người dân cần củng cố hệ thống đê bao và bờ bao quanh vườn nhằm ngăn mặn, sử dụng nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô… hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc giữ ẩm; không xử lý ra trái hoặc trồng mới trong thời gian hạn, mặn xâm nhập… Sau khi hạn, mặn đã qua, nhà vườn cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để cây phục hồi nhanh, chú ý không bón phân vô cơ mà thay vào đó là bón nhiều phân hữu cơ vi sinh hoặc phân phun qua lá, chế phẩm sinh học cần thiết khác…

Bài và ảnh: PHÚC PHONG SỰ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ung-pho-han-man-bao-ve-cay-an-qua-639125/