Ứng phó của các quốc gia với đại dịch toàn cầu COVID-19

Các quốc gia đang áp dụng những biện pháp khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus nhưng không có cách tiếp cận chuẩn mực, cụ thể phù hợp cho tất cả các nước. Tuy nhiên, một số biện pháp chính vẫn được áp dụng chung như cách ly xã hội, phong tỏa các thành phố là ổ dịch; hạn chế và cách ly những người đến từ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đeo khẩu trang y tế…

Tây Ban Nha

Sau khi ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng 15 ngày kể từ ngày 14/3, chính phủ Tây Ban Nha quyết định phong tỏa toàn quốc, cấm lưu thông trên đường. Hiện giới chức nước này đang đề nghị Trung Quốc hỗ trợ trang thiết bị y tế để ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tạm thời nghỉ việc do COVID-19. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công bố gói biện pháp trị giá 200 tỉ EUR để giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế.

Pháp

Chính phủ Pháp đã khuyến cáo công dân của mình không nên tiếp tục truyền thống ôm hôn khi gặp mặt khi tình hình dịch COVID-19 tại quốc gia này đang “rất đáng lo ngại”. Các cuộc tụ họp lớn cũng bị giới hạn, dẫn đến việc hủy bỏ các sự kiện như Paris Half Marathon. Sau quyết định này, bảo tàng Lourve ở Paris cũng đóng cửa để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm do lượng du khách đến từ các nơi khác nhau thế giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học từ ngày 16/3, gọi COVID-19 là “thảm họa y tế lớn nhất tại Pháp trong một thế kỷ”. Ông kêu gọi người dân hạn chế đi lại, làm việc tại nhà nhiều nhất có thể. Người trên 70 tuổi được khuyến cáo ở nhà.

Pháp khuyên công dân không tiếp tục truyền thống ôm hôn khi gặp mặt.

Vương quốc Anh

Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết sẽ hủy toàn bộ các ca phẫu thuật thông thường trong vòng ba tháng tới và cho xuất viện càng nhiều bệnh nhân càng tốt nhằm chuẩn bị giường bệnh và nhân viên chống chọi với dịch COVID-19. Chính phủ Anh cũng đã ban hành lệnh cách ly xã hội, khuyến cáo người dân nên ở nhà nhiều nhất có thể.

Iran

Là quốc gia có số người mắc COVID- 19 nhiều nhất ở khu vực Trung Đông, gần 3000 trường hợp đã được báo cáo ở Iran, trong đó có hơn 20 nhà lập pháp Quốc hội đã hoãn họp vô thời hạn, các nghị sĩ được yêu cầu hủy bỏ tất cả các cuộc họp công khai. Số người tử vong do coronavirus ở Iran cao thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc, Ý và nguồn cung cấp các trang thiết bị y tế còn đang rất thiếu.

Đức

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã tuyên bố coronavirus là “đại dịch toàn cầu” ngay cả trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra công bố. Chính phủ Đức đã cấm xuất khẩu thiết bị y tế vì Spahn cho rằng dịch bệnh COVID-19 chưa đạt đỉnh ở Đức.

Hoa Kỳ

Bang California đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 ở nơi đây, đưa số người chết ở Hoa Kỳ vì căn bệnh này lên 11 người. Tiếp theo, cả Bang Washington và Florida đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp với 10 trường hợp tử vong cùng nguyên nhân. Chính phủ Hoa kỳ đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh với những người đến từ Trung Quốc.

Áo

Các nhà chức trách ở Áo đã áp đặt lệnh cấm các chuyến tàu từ Ý. Động thái này được đưa ra sau khi có hai trường hợp nghi ngờ nhiễm coronavirus được phát hiện trên một chuyến tàu đi từ Ý đến miền nam nước Đức, tuy nhiên trường hợp này sau đó đã có kết quả âm tính. Lệnh phong tỏa tạm thời hiện được dỡ bỏ, cho phép các dịch vụ đường sắt theo lịch trình từ Áo và Ý được nối lại.

Ý

Trở thành vùng dịch lớn nhất Châu Âu và thế giới đã khiến giới chức y tế của Ý thực hiện biện pháp phong tỏa gần như toàn bộ các khu vực trên cả nước; đồng thời đã đóng cửa tất cả các trường học trong 10 ngày. Chính phủ cũng cấm các điểm tụ tập đông người, các sự kiện văn hóa để hạn chế sự lây lan của virus. Ở một số thị trấn miền Bắc nước Ý đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Các nhà hàng, doanh nghiệp không phục vụ mặt hàng thiết yếu đều được yêu cầu phải đóng cửa.

Trung Quốc

Tại tâm điểm của dịch, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một loạt các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn virus corona bao gồm: Phong tỏa thành phố, hạn chế đi lại, kéo dài thời gian nghỉ học, đóng cửa các nhà hàng, dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang y tế... Tỷ lệ mắc bệnh tăng nhưng Trung Quốc đã vượt qua thời gian đỉnh dịch và đang kiểm soát tốt dịch bệnh này.

Hồng Kông

Biên giới giữa Hồng Kông với Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa nhằm hạn chế dòng người từ Trung Quốc sang. Các trường học đóng cửa đến hết tháng tư, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Mới đây, Chính phủ Hồng Kông đã thực hiện khoản hỗ trợ của Chính phủ hơn 1.200 đô -la Hồng Kông cho mỗi hộ gia đình để giúp họ vượt qua thời gian khó khăn của dịch bệnh.

Singapore

Quốc đảo này đã nhanh chóng hạn chế các chuyến bay từ những người đến từ Trung Quốc. Quy định về kiểm dịch bệnh viện và phun thuốc khử trùng trong toàn thể các hộ gia đình cũng được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Một văn bản mới của Chính phủ đã yêu cầu những mọi người phải thực hiện cách ly tại nhà, cần khai báo y tế với Chính phủ.

Ả rập Saudi

Đến nay chưa có trường hợp nhiễm coronavirus được ghi nhận ở Ả rập Saudi nhưng một số quốc gia láng giềng như Kuwait và Baharain đã báo cáo các ca lây nhiễm. Do đó các nhà chức trách Ả rập Saudi đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa trước như cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 25 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID– 19, ngăn chặn các cuộc hành hương và Thánh địa Hồi giáo Mecca và Medina.

Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ nửa đêm 25/3 và sẽ kéo dài 21 ngày như một phần nỗ lực làm chậm lại sự lây lan của dịch COVID-19. Ấn Độ với 1,3 tỉ dân đang thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới. Ông Modi khẳng định sẽ chi gần 2 tỉ USD để tăng cường sức mạnh hạ tầng y tế của đất nước. Ngoài lệnh phong tỏa toàn quốc, Ấn Độ cũng cấm xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và tạm ngừng phục vụ các chuyến bay nội địa. Hệ thống đường sắt của nước này cũng đã ngừng hầu hết các dịch vụ phục vụ hành khách.

WHO lên tiếng cảnh báo đại dịch COVID-19 “đang định hình cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong thời đại của chúng ta” đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm SARS-CoV-19, nguyên nhân gây bệnh COVID-19. Tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 16/3, WHO kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Minh Huệ

(Theo weforum 2020)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-pho-cua-cac-quoc-gia-voi-dai-dich-toan-cau-covid-19-n171751.html