Ứng phó có trách nhiệm trong khủng hoảng: Chủ động và linh hoạt

Đại dịch Covid-19 đã dẫn tới cuộc khủng hoảng cả về kinh tế và xã hội bao trùm toàn thế giới. Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng hiện được coi là vấn đề then chốt từ đại dịch hiện nay.

Đây là chủ đề nóng tại Diễn đàn đa phương “Thực hành trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với Đại dịch Covid-19” vừa diễn ra hôm 29/10 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Thách thức chưa từng thấy

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đại dịch đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam.

Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 7,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 gồm mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; tập trung ở các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo…

Các đại biểu tại diễn đàn

Các đại biểu tại diễn đàn

Nhiều người lao động, nhất là công nhân và một bộ phận giáo viên ngoài công lập vốn có thu nhập không cao, nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đang gặp khó khăn cả về việc làm, thu nhập và duy trì đời sống gia đình.

Theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, những tháng tới, do không ít doanh nghiệp xuất khẩu không có đơn hàng, thậm chí hàng đã sản xuất nhưng bị lưu kho do đối tác chưa nhận hàng, nên số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid -19 có thể tăng thêm. Hiện nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng người lao động trong một vài tháng tới, có doanh nghiệp dự kiến giảm 50% - 60% người lao động.

Tuy nhiên, thực tế, nhiều con số tích cực khác đã được dẫn chứng. Hai cuộc khảo sát gần đây về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dưới tác động khủng hoảng đều cho thấy, đa số doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có niềm tin vào kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, 75% doanh nghiệp đã ngay lập tái cơ cấu, tìm cách tổ chức việc làm và lao động. Nhiều doanh nghiệp thay vì sa thải lao động thì đều áp dụng chế độ lao động luân phiên. Khi có khó khăn xảy ra, người lao động thậm chí chấp nhận giảm lương để chia sẻ cùng doanh nghiệp. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn chia sẻ đơn hàng cho nhau.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kể rằng, tính chia sẻ tương thân tương ái của cộng đồng doanh nghiệp rất cao. Vừa rồi, một công ty đã nhận đơn hàng lớn liên tục xuất khẩu hàng chục triệu khẩu trang. Sau đó, khi có điều kiện, chính công ty này đã nhận tới 400 lao động của doanh nghiệp khác bị phá sản.

Giảm thiểu rủi ro, tái thiết sau khủng hoảng

Ông Choi Joo- Ho, Tổng giám đốc Samsung tại Việt Nam đánh giá: “Ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt và kịp thời, cùng với đó là sự tham gia hưởng ứng của toàn thể nhân dân đã giúp hoạt động phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao và đưa Việt Nam được thế giới biết đến như một trong số các nước kiểm soát tốt dịch bệnh”.

“Việc kiểm soát dịch bệnh vô cùng hiệu quả của Việt Nam đã giúp cho Tổ hợp Samsung trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động duy nhất của Samsung trên thế giới có thể duy trì sản xuất ổn định và đảm bảo hoạt động xuất khẩu”, ông Choi Joo- Ho cho hay.

Ông Hyun- Seung Park, Giám đốc An toàn, Sức khỏe và môi trường - Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm với đại dịch Covid-19 và thấy rằng, không được phép quên lãng chúng. Các doanh nghiệp phải luôn có kế hoạch đối ứng, tập huấn liên tục các bài học kinh nghiệm này. Giữ gìn được sức khỏe của người lao động thì chính người lao động ấy tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mình.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Phương Mai, giám đốc điều hành Nagavio Search cho rằng, bài học ứng phó có trách nhiệm trong khủng hoảng là rất quan trọng. Đại dịch Covid-19 chính là một phép thử. Có thể rút ra bài học rằng, cần xây dựng doanh nghiệp phản ứng nhanh, có thể da dạng hóa dịch vụ, sản phẩm nhanh chóng, có bước hợp tác với các đối tác để cùng chung tay cùng ngành vượt qua. Các doanh nghiệp có thể mạnh dạn cải tổ chính mình để bộ máy quản lý của mình hiệu quả hơn, gọn gàng hơn. Chiến lược nhân sự cũng sẽ phải linh hoạt. Áp dụng các nguyên tắc này, doanh nghiệp sẽ có khả năng đối phó tốt trong khủng hoảng.

Nhiều diễn giả đều nhấn mạnh, bài học trong quản trị khủng hoảng ở đây chính là, doanh nghiệp phải linh hoạt, xây dựng được mô hình phát triển bền vững để có sự chống chịu tốt. Bản thân, mỗi lãnh đạo doanh nghiệp phải kiên tâm trước mọi sóng gió, đề cao trách nhiệm xã hội, sáng tạo, kịp thời và phải luôn chuẩn bị sức mạnh chống đỡ khủng hoảng ngay từ khi chưa có khủng hoảng.

Chính trong thách thức lịch sử của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã được quốc tế công nhận đã nhanh chóng có hành động ứng phó hiệu quả.

“Chúng ta có cơ hội được chứng kiến khả năng bền bỉ duy trì việc làm cho người lao động, nỗ lực phục hồi, tái cấu trúc mạnh mẽ của các doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng, cùng sự đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ, cảm thông giữa toàn bộ hệ thống chính trị, chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng để cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định./.

CTV Diệu Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/doanh-nghiep/ung-pho-co-trach-nhiem-trong-khung-hoang-chu-dong-va-linh-hoat-815322.vov