Ứng phó bão số 5: Tập trung sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

Hiện các tỉnh Nam Trung Bộ mưa rất lớn, gió giật từng cơn rất mạnh. Đêm nay, bão số 5 sẽ đổ bộ từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Các địa phương đã và đang tích cực triển khai các phương án ứng phó bão.

Hình ảnh vệ tinh của cơn bão số 5

Hình ảnh vệ tinh của cơn bão số 5

Chiều tối 30/10, nhiều cột sóng lớn liên tục tràn qua bờ kè chắn sóng, uy hiếp hàng trăm hộ dân ở làng chài Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Mưa to kèm theo gió lớn gầm rú liên hồi ở vùng ven biển nơi đây.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận hiện huyện đảo Lý Sơn và Đức Phổ có sức gió đo được ở mức cấp 8, giật cấp 9, sóng biển cao từ 5 đến hơn 7 m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Nhiều khu vực cực đoan lượng mưa dự báo tăng lên khoảng 400 mm đến 600 mm.

Trước tình hình này, ông Sỹ khuyến cáo người dân đề phòng lũ ống, lũ quét, khẩn cấp sơ tán ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở ở các huyện miền núi; ở các vùng ven biển xuất hiện gió giật cấp 9, cấp 10, bà con cần giằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi ở kiên cố, an toàn.

Mưa lớn tại các tỉnh miền trung bắt đầu từ trưa 30/10

Tại Phú Yên, đến 19h, người dân ở các vùng ven biển đã hoàn tất chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản vào nơi an toàn.

Đến 19h cùng ngày, các huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã sơ tán hơn 1.100 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết địa phương đã di dời khẩn cấp gần 300 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở vùng trũng thấp ở thị trấn Chí Thạnh và các xã: An Chấn, An Mỹ, An Nghiệp, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư đến vùng cao an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.

Bình Định cũng đang tập trung sơ tán hơn 6.000 hộ dân ở các vùng trũng ven sông, ven biển ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát... đến vùng cao trú tránh bão, lũ an toàn. Các trường học trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.

Người dân chằng chống nhà cửa

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, ngành chức năng và chính quyền các cấp khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đối với số hộ dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao, ở vùng thường bị ngập sâu, ngay chiều 30/10 phải huy động lực lượng, phương tiện di dời đến nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống để hỗ trợ cho dân. Khẩn trương kêu gọi ngư dân di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm; bố trí sắp xếp các tàu cá đã vào nơi tránh trú an toàn, hạn chế va đập, gây hư hỏng tài sản của ngư dân.

Ông Hồ Quốc Dũng còn yêu cầu, các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động nắm tình hình để ứng phó bão số 5 theo phương châm “bốn tại chỗ”. Bố trí lực lượng kiểm soát, trực thường xuyên tại các điểm giao thông để hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại tại các đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, vùng nguy hiểm.

Trước diễn biến của bão số 5, ngày 30/10, các đơn vị chức năng TP.Đà Nẵng cho biết, đã phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, tránh bị ảnh hưởng. Cấm các tàu thuyền ra khơi, còn đối với tàu cá của ngư dân đang hoạt động ở ngoài khơi, bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng phát cảnh báo về đường đi của áp thấp nhiệt đới để các chủ phương tiện tìm nơi trú ẩn từ trước đó. Ước tính có khoảng 4.000 tàu cá của ngư dân các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã về đến âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) để trú ẩn.

Trong khi đó, theo Chi cục Phòng, Chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hiện còn gần 1.700 tàu thuyền với hơn 11.700 lao động thuộc các tỉnh miền Trung đang hoạt động trên biển. Trong đó, 300 tàu với hơn 2.200 lao động đang trong vùng nguy hiểm.

Tàu thuyền trú tránh đến nơi an toàn

Ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, lãnh đạo địa phương cho biết để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ.

Với 40.000 ô lồng nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm hùm, vùng biển Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là một trong những vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước. Tính đến sáng nay, hầu hết người dân đã di dời lồng bè vào những vị trí được cho là an toàn, để có thể tránh trú gió bão.

Neo buộc lồng bè, tìm cách dồn tôm hùm vào những ô lồng kiên cố, những công việc như vậy được những người nuôi tôm hùm ở đây ráo riết thực hiện suốt hai ngày qua.

Sau khi di dời, neo buộc lồng bè, đến trưa nay, tất cả người lao động phải vào bờ. Trường hợp người dân còn ở lại trên bè, chính quyền địa phương sẽ cưỡng chế, buộc phải vào bờ trước khi bão đổ bộ.

Cũng ngay trong sáng nay, các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã chỉ đạo các trường chủ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Hương Nguyễn (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/ung-pho-bao-so-5-tap-trung-so-tan-dan-khoi-vung-nguy-hiem-284658.htm