Ứng phó áp thấp nhiệt đới 'kép', nhiều tỉnh cấm tàu thuyền ra khơi

Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới 'kép' trên Biển Đông nhiều tỉnh đã cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời bố trí sẵn lực lượng ứng trực, tăng cường tuyên truyền, cập nhật tình hình mưa bão cho nhân dân.

Áp thấp nhiệt đới "kép" đe dọa Nam Bộ

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 110km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.

 Vị trí và đường đi của ATNĐ "kép"

Vị trí và đường đi của ATNĐ "kép"

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Cùng lúc đó, một cơn ATNĐ có vị trí tâm ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Palaoan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Để chủ động ứng phó với ATNĐ “kép” song hành uy hiếp Nam Bộ, sáng 1/11 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ)Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý các địa phương cần tránh tâm lý chủ quan trong ứng phó. Đặc biệt là khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp là Nam Trung Bộ, Nam Bộ không thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khả năng và kinh nghiệm ứng phó còn rất hạn chế.
Đồng thời, đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ, thông tin thường xuyên diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó. Các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ cần chủ động phương án ứng phó với triều cường, ngập lụt ở mức cao. Các tỉnh chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch sớm diện tích lúa đã cấy, chủ động tiêu thoát nước chống úng ngập cho diện tích lúa mới cấy.

Cà Mau: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ chiều 1/11

Theo Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, đến 5h sáng 1/11, trên vùng biển Cà Mau đang còn 464 tàu thuyền, 2.644 người đang hoạt động trên biển. Văn phòng đã liên lạc được 288 tàu, 1.587 người. Vẫn còn 171 tàu, 1.057 người chưa liên lạc được. Đến sáng cùng ngày, có 3.387 tàu đang neo đậu tại các bến an toàn. Theo nhận định, ATNĐ sẽ ảnh hưởng đến các đê xung yếu, các cụm dân cư ven biển, ven cửa sông và các công trình, hạ tầng sản xuất ven biển; ngập úng lúa, hoa màu; ngập tràn bờ bao, đê bao, đầm tôm... mực nước biển có thể dâng cao từ 1,6 - 2,2m.Cùng ngày, UBND huyện Năm Căn đề nghị cho học sinh ở các xã: Tam Giang Đông và Tam Giang nghỉ học. Huyện Phú Tân, Đầm Dơi cũng kiến nghị cho học sinh bậc mầm non và tiểu học nghỉ và kiên quyết không để phương tiện ra khơi.

Cà Mau tăng cường kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử - Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương phải cập nhật tình hình ATNĐ và các phương án ứng phó mỗi 4 giờ một lần về tỉnh, kể từ 8 giờ sáng ngày 1/11. Đồng thời, nghiêm cấm các tàu ra khơi kể từ 18h ngày 1/11.
Đợt ATNĐ này trùng với thời điểm 20 năm trước bão Linda vào Cà Mau gây thiệt hại nghiêm trọng (1997). Để ứng phó tốt với tình hình mưa bão, hiện tại tỉnh Cà Mau quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm các nạn nhân thiệt mạng bão Linda vào ngày 3/11.

Bạc Liêu: Đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân chủ động ứng phó ATNĐ
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phát đi thông báo số 1 ứng phó với ATNĐ. Đề nghị chính quyền địa phương liên lạc với các chủ tàu cá tìm nơi trú ẩn an toàn; chỉ đạo các đơn vị thông tin, tuyên truyền rộng rãi diễn biến của ATNĐ để nhân dân chủ động ứng phó.
Bên cạnh đó phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng kiểm đếm tàu thuyền, bố trí nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng ứng phó; triển khai nhanh các biện pháp phòng chống triều cường kết hợp mưa tập trung đề phòng ngập úng; vận động nông dân tích cực gia cố bờ bao, ao đầm, bơm tát nước để bảo vệ các trà lúa, chủ động chằng chống nhà cửa đề phòng lốc xoáy, giông sét…

Kiên Giang: Kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, hiện tỉnh đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18.000 lao động đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng ATNĐ vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn khoảng 6.000 phương tiện với hơn 30.000 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm. Những tàu thuyền này cũng đã được thông báo, định hướng, cảnh báo vùng nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng Biên phòng đã triển khai tất cả các đơn vị thường xuyên ứng trực, sẵn sàng ứng phó.
Thông tin từ UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết chiều nay (1/11) sẽ cấm tàu thuyền ra khơi.

Bến Tre: Hướng dẫn ngư dân di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng ATNĐ
Theo dự báo 3 huyện vùng biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt mưa bão này. Hiện Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bến Tre đã có công điện khẩn đến các sở ban ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với ATNĐ.
Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre, đến trưa 1/11, đã vận động được 1.427/3.900 tàu cá với 8.700 ngư dân hiện vào neo đậu tại bến an toàn. Hiện nay, ngư dân Bến Tre chủ yếu đánh bắt trên các ngư trường phía nam thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Lực lượng chức năng hiện đang tiếp tục khẩn trương liên hệ với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để di chuyển khỏi ngư trường này theo tọa độ hướng về ngư trường Bà Rịa - Vũng Tàu, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Khu neo đậu tàu thuyền ở huyện Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Nam.

Trà Vinh: Sẵn sàng lực lượng trợ giúp ngư dân
Theo ghi nhận khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh trời đang mưa, có nơi có dông. Nhằm chủ động ứng phó với ATNĐ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Trà Vinh thông báo cho các tàu cá luôn hoạt động theo nhóm, giữ liên lạc và luôn trong tư thế sẵn sàng di chuyển khi có lệnh.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh đã bố trí người túc trực, liên tục liên lạc được với tất cả các tàu cá của địa phương đang hoạt động đánh bắt và ra lệnh cho gần 200 tàu cùng gần 1.600 thuyền viên của địa phương không được di chuyển xa bờ và xuống phía Nam.
Hiện Trà Vinh có hơn 1.270 tàu cá tham gia hoạt động khai thác, nhưng trong số này có hàng trăm chiếc đã cũ, máy móc thiết bị hay hư hỏng thất thường, dễ xảy ra tai nạn khi gió lớn ập đến. Do đó lực lượng Bộ Đội Biên phòng và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh ngoài giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện để thông tin diễn biến và hướng di chuyển của ATNĐ còn chuẩn bị sẵn lực lượng trợ giúp ngư dân trong trường hợp cấp bách.

Mưa lũ chia cắt nhiều tỉnh tại miền Trung
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung, mưa lũ liên tục trong những ngày qua khiến nhiều khu vực tại Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị chia cắt, giao thông một số nơi bị gián đoạn.
Tại Phú Yên, mưa liên tục khiến trưa 1/11, thủy điện sông Ba Hạ bắt đầu xả lũ. Tại huyện Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ dâng cao, đường ĐT 641 bị ngập nhiều nơi, cắt đứt giao thông từ đồng bằng lên huyện Đồng Xuân.
Tại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân, Phú Yên), nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai trên 1,5m; cầu sông Cây Sung nằm trên tuyến đường ĐT 642, đoạn qua xã Xuân Sơn Bắc, nước ngập trên 2m. Nước lũ còn chia cắt nhiều tuyến đường giữa các xã trong huyện với thị xã Sông Cầu.
Tạ i Quảng Nam, mưa lớn hai ngày qua khiến lũ trên các sông đang lên nhanh, nhiều nơi ở Quảng Nam bị nước lũ chia cắt cục bộ.
Do mưa lớn nên mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn ở Quảng Nam trong ngày 1/11 đang lên nhanh khiến nhiều khu vực bị ngập, các tuyến đường bị lũ chia cắt.
Tại huyện Nông Sơn, mực nước lũ trên sông Thu Bồn đang dao động ở mức cao, mực nước tại Trạm thủy văn Nông Sơn dao động ở mức 11,86m.
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua làm cho mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi dâng cao rất nhanh, nhiều nơi đã bị chia cắt.
Riêng tại huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), sáng 1/11 đã có gần 1.000 học sinh phải nghỉ học do nước lũ. Trước diễn biến phức tạp này, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã ra công điện chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.

Đức Thọ (Tổng hợp)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-kep-tren-bien-dong-nhieu-tinh-cam-tau-thuyen-ra-khoi-301796.html