Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - người Bắc kỳ đầu tiên làm việc cho EFEO

'Nguyễn Văn Tố có những đức tính hoàn toàn Việt Nam, vừa có duyên, vừa đức hạnh, chưa biết cái văn minh mới là gì', đó là nhận xét của một người Pháp đương thời.

 Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ảnh: TL.

Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ảnh: TL.

Theo Lê Thanh, một giáo sư người Pháp lúc đó ghi nhận: “Xứ Bắc có ba người thông minh đáng chú ý: Ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh và ông Nguyễn Văn Tố. Tôi đã đọc văn của ba ông - cả Pháp văn và quốc văn trong nhiều tờ báo. Nếu người ta bắt tôi phê bình ba người, chắc tôi phải kết luận bài phê bình của tôi rằng: Tôi cảm phục ông Phạm Quỳnh, tôi thương ông Vĩnh và yêu ông Tố”.

Làm ở trường Viện Đông Bác Cổ (EFEO) năm 16 tuổi

Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/1/1889, theo tuổi ta. Năm lên 9 tuổi ông học chữ Tây, rồi được học bổng trường thông ngôn. Năm 1905 ông đỗ bằng Thành chung. Nguyễn Văn Tố cho biết: “Đỗ xong được ông Chánh trường Viễn Đông Bác cổ đến tận trường Thông ngôn chọn ra làm. Nhưng khi làm giấy má, sở tài chính bảo cái bằng Diplôme không có giá trị, phải thi thông ngôn tòa sứ mới được bổ. Tôi thi đỗ đầu. Độ ấy, thi có cả bài chữ Nho nữa. Sau tôi học luật ở tòa án Hà Nội, đỗ được bằng “Brevet de capacité en droit”.

Năm 1905, Nguyễn Văn Tố vào làm việc ở trường Bác Cổ. “Lúc ấy trường chỉ có ông Chánh với một người Tây làm kế toán và hai người ta, một người Nam Kì và tôi. Ở đấy vẫn có sách, học được sử kí các nước Viễn Đông.”

Như chúng ta đã biết, Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFE0) có từ năm 1898, ban đầu có trụ sở tại Sài Gòn, năm 1901 chuyển ra Hà Nội. Hiện chưa rõ một người Nam kỳ kia là ai, nhưng như lời kể, rõ ràng Nguyễn Văn Tố là người Bắc kỳ đầu tiên làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ danh tiếng.

Bài báo đầu tiên viết năm 17 tuổi, bằng tiếng Pháp

Trong câu chuyện với Lê Thanh, cụ Ứng Hòe kể: “Năm 1907, tôi 17 tuổi, ông Chánh trường Bác Cổ cho đi Dalat (Đà Lạt) và Langbian chép tiếng mọi Kpho (tức ngôn ngữ dân tộc Cờ Ho), ta thường gọi là mọi “cà răng căng tai”. Hồi ấy từ Hà Nội vào trong ấy chưa được tiện lợi như bây giờ; chúng tôi đi tàu bể đến Nha Trang, rồi đi xe lửa. Giữa đường gặp người Tây làm chủ báo L’indochine commercials nhờ viết vài bài. Tôi làm bài “Voyage d’études en Annam” (tạm dịch là Cuộc hành trình An Nam) ký tên là Nguyễn Tố, đó là bài báo đầu tiên của tôi”.

Sau có báo Tây khác nhờ làm, nhưng không viết đều như hồi 1917, 1940.

Từ 1917 đến 1929 làm cho Courrier d’Haiphong (Tin nhanh Hải Phòng), phần nhiều kí tên J.R; bình phẩm sách mới kí là N.Tố. Sau gặp ông Lamblot và ông H. De Massiac nhờ viết L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kì) bắt đầu cũng kí là N.Tố, hay N.T, hay A.T”.

Những thông tin về bài báo cũng như kí danh này của Nguyễn Văn Tố giúp rất nhiều cho chúng ta ngày nay để tìm kiếm, sưu tầm những bài viết của cụ trong thời gian đó.

Là người học chữ Nho từ nhỏ và am hiểu Nho học, trong giai đoạn “gió Âu, mưa Á” , Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố sớm nghĩ đến việc dịch tài liệu chữ Nho sang chữ quốc ngữ: “Có một điều đáng tiếc là ta chép sử của nước ta sau người Tàu, thành ra các cụ phải dựa vào sách Tàu, lại không chua ở sách nào, ngày nay ta muốn kiểm điểm lại thật khó. Công việc càng khó, ta càng phải nghĩ đến gấp, vì rồi đây năm ba mươi năm, không còn mấy người thông thạo chữ Nho thì ai là người đảm nhận những công việc ấy”.

Cách viết sử của Nguyễn Văn Tố

Cũng như học giả Trần Trọng Kim, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố là người nghiên cứu luôn đau đáu, có trách nhiệm với quốc văn, lịch sử nước nhà.

Bút tích của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ảnh: TL.

Quan điểm về soạn một bổ sử có tính “tùng thư” của Nguyễn Văn Tố là: “Hiện nay... chưa phải lúc soạn hẳn một bộ sử như Toàn thư của các cụ ngày xưa, vì còn nhiều vấn đề chưa giải quyết xong, cần phải nghiên cứu vụn vặt đã, đem những việc nhỏ ra xét lại. Những việc ấy rất nhiều, khi nào tìm được rõ ràng, ta mới nên làm đến việc lớn là soạn bộ sử từ thượng cổ đến cận kim. Tôi thiết nghĩ phải soạn lại từ đầu, dịch hết các bộ sử chữ Nho ra quốc ngữ, như bộ "Đại Việt sử ký", "Khâm định Việt sử"... Các cụ ngày xưa chép sử có phương pháp và cẩn thận lắm, chỉ chép việc, không hề nói đến tình cảm riêng, thật là hoàn toàn khách quan, cũng như phần đông những nhà làm sử Âu châu bây giờ”.

Phương pháp viết sử của Nguyễn Văn Tố trình tự theo 3 bước: “Nhà làm sử bắt đầu phải tìm tài liệu cho thật đủ, chọn lọc và phê bình tài liệu, rồi mới dùng tài liệu để viết thành sách. Tài liệu tìm ở văn thư, ở những di tích còn lại, tìm cho thật biết. Nhưng muốn tìm được tài liệu, nhà làm sử phải biết ít nhiều về khoa học phụ thuộc.

Thí dụ, một người muốn viết về lịch sử Đông Dương - viết một cách mới mẻ chứ không phải viết để “phổ thông” tất phải biết chữ Nho, chữ Phạm, chữ Chiêm thành, chữ Lào để có thể đọc sách, đọc bia; muốn tả xã hội Việt Nam phải biết chút ít về xã hội học; muốn hiểu bộ luật Hồng Đức phải biết khoa Luật học...

Khi đã tìm đủ tài iệu, nhà làm sử phải phê phán xem thứ nào dùng được chắc chắn, thứ nào phải tạm bỏ ra. Phê phán là công việc quan hệ nhất, cái giá trị của khảo cứu là ở đấy cả. Những nhà làm sử Âu Mĩ chia ra nào là phê phán cái ngoại diện tài liệu, phê phán để phục hồi nguyên trạng tài liệu, phê phán để biết cái tài liệu xuất xứ ở đâu, rồi lại phê phán cái nội dung tài liệu...

Khi đã phê phán tài liệu xong, biết được những việc nhỏ, bấy giờ mới bắt đầu tổng hợp lại thành những việc lớn rồi theo đấy mà viết thành sử. Viết đúng như sử liệu, đừng để mất tình cảm vì để tình cảm vào, sợ có khi thiên (lệch)”.

Ông cũng quan niệm: “Tôi tưởng Nho học không thể tàn được, mà chữ Nho không thể mất hẳn, vì người mình còn theo thuốc bắc, còn theo đạo Phật, thì Hán học hãy còn, muốn học kinh, muốn hiểu đạo phải đọc nho. Song nếu không phòng ngay thì có lẽ sau này, nước ta sẽ có một hồi như triều Lí, Trần, những người giỏi Nho toàn là những nhà tu hành của đạo Phật... Mà lúc ấy, việc làm sử sẽ khó hơn, vì có thứ sử liệu mất dần đi hay tam sao thất bản. Bởi vậy ngay từ bây giờ phải đem dịch sử chữ Nho ra chữ quốc ngữ. Công việc giản dị, nhưng không phải một ai làm nổi. Phải một hội học có người và có tiền”.

LÍ NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ung-hoe-nguyen-van-to--nguoi-bac-ky-dau-tien-lam-viec-cho-efeo-d276052.html