Ứng Hòa tìm hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về 'Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020', bằng nhiều giải pháp cụ thể, huyện Ứng Hòa đang tạo nên sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế địa phương.

Mô hình tạo sông trong ao nuôi cá đang là hướng đi mới của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản huyện Ứng Hòa.

Mô hình tạo sông trong ao nuôi cá đang là hướng đi mới của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản huyện Ứng Hòa.

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", bằng nhiều giải pháp cụ thể, huyện Ứng Hòa đang tạo nên sự chuyển dịch tích cực cho kinh tế địa phương.

Những năm gần đây, tận dụng lợi thế vùng chiêm trũng, một số hộ dân ở huyện Ứng Hòa đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn để nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao. Bà Nguyễn Thị Chiên, ở xã Trầm Lộng là người tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá bằng mô hình này. Bà Chiên cho biết, so với nuôi cá truyền thống thì mô hình này cho năng suất cao gấp nhiều lần, giúp giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng cá thương phẩm, nhất là cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên mà không cần chờ xử lý ao nuôi. Nhờ đó, với diện tích khu vực ao rộng 3.600 m2, mỗi năm gia đình bà Chiên thu hoạch 10 tấn cá, thu về từ 400 đến 500 triệu đồng. Ở xã Trầm Lộng có rất nhiều gia đình "ăn nên làm ra" nhờ nghề nuôi cá nước ngọt như gia đình bà Chiên.

Ðến nay, mô hình này còn được nhân rộng ra các vùng thủy sản tập trung khác thuộc sáu xã gồm: Ðồng Tân, Hòa Lâm, Liên Bạt, Phương Tú, Trung Tú và Tảo Dương Văn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Ứng Hòa đến nay đã đạt hơn 3.200 ha, giúp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Ðơn cử vụ xuân năm 2018, trong số 9.100 ha lúa, có khoảng 2.284 ha cấy giống lúa J02 chất lượng cao tại 19 xã trong tổng số 28 xã của huyện. Ðồng thời từng bước liên kết với các doanh nghiệp, từ cung ứng giống, phân bón tới tiêu thụ lúa gạo, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết, đây là những kết quả rõ nét khi huyện cụ thể hóa Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thành Chương trình số 07-Ctr/HU của Huyện ủy Ứng Hòa về "Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước phát triển kinh tế của huyện nhanh, bền vững. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường quản lý xây dựng, đất đai, môi trường và bảo đảm trật tự, văn minh đô thị giai đoạn 2016 - 2020". Trong đó, huyện đã tổ chức, triển khai công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương; chú trọng thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ðồng thời kết nối cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu các làng nghề. Từ đó, một số sản phẩm như giày da tại thôn Thần, xã Minh Ðức; các loại áo dài, chăn ga, gối đệm bằng chất lụa tơ tằm của Trạch Xá, xã Hòa Lâm… được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

Những hướng đi này đã giúp kinh tế huyện tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,1%/năm. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt 10.675 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, trong đó sản xuất nông nghiệp chiếm 33,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,6% và thương mại - dịch vụ chiếm 39,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo huyện cũng cho rằng, kinh tế trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Ứng Hòa chủ yếu là nhỏ lẻ, khả năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào địa bàn thấp. Công tác đào tạo nghề chưa đồng bộ, nguồn kinh phí cho công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phát triển của làng nghề giảm do một số nghề truyền thống bị mai một, thị trường thu hẹp.

Tại buổi kiểm tra thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU tại huyện Ứng Hòa vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, huyện cần tập trung khắc phục những hạn chế này. Muốn vậy, huyện phải gắn việc phát triển kinh tế với việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/HU của Huyện ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020". Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư; phát triển kinh tế làng nghề truyền thống gắn với thu hút du lịch; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý về quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Ðồng thời tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt nhất.

Khải Lâm

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40601302-ung-hoa-tim-huong-phat-trien-kinh-te-nhanh-ben-vung.html