Ứng Hòa gặp khó trong xây dựng NTM do thiếu nguồn lực trầm trọng

Tính đến nay, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) mới có 15/28 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện địa phương này đang nỗ lực đưa thêm các xã về đích nhưng mục tiêu này không hề dễ dàng do huyện đang thiếu trầm trọng nguồn lực để thực hiện các tiêu chí liên quan đến giao thông, trường học...

Hội Nông dân tích cực xây dựng NTM

Đến nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/mô hình như: Mô hình chăn nuôi lợn, cá ở Vạn Thái; mô hình nuôi trồng thủy sản ở Hòa Lâm, Phương Tú; mô hình trồng bưởi Diễn ở Hòa Xá, Đồng Tiến; mô hình trồng măng tây và cam Canh ở xã Phù Lưu…

Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng

ột trong những đơn vị tham gia tích cực trong quá trình xây dựng NTM, góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn huyện Ứng Hòa, không thể không nhắc đến là Hội Nông dân (ND) huyện.

Ông Phạm Văn Hoạch - Chủ tịch Hội ND huyện Ứng Hòa cho hay, Hội đã phối hợp với các ngành giúp đỡ 1.200 hộ hội viên ND thoát nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ vốn vay, cây, con giống.

Trong 5 năm, toàn hội đã phát động 49.054 lượt hộ hội viên ND đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, có 55% số hộ đăng ký đạt danh hiệu ND giỏi.

Khó khăn chồng chất

Năm 2018, huyện Ứng Hòa phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được bởi đã bước vào quý IV nhưng cả 6 xã gồm: Viên Nội, Hòa Nam, Cao Thành, Hòa Phú, Trầm Lộng, Vạn Thái đều đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư các tiêu chí liên quan đến giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo.

Đơn cử như xã Vạn Thái đến nay mới chỉ đạt 15/19 tiêu chí. Trong số 4 tiêu chí chưa đạt, tiêu chí khó đạt nhất liên quan đến nguồn lực đầu tư xây dựng trường học. Cùng với đó, xã còn một thôn chưa có nhà văn hóa, 2 thôn chưa hoàn thiện thủ tục công nhận làng văn hóa.

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Ảnh: Hải Đăng

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thái cho hay, không chỉ khó khăn về nguồn lực đầu tư, Vạn Thái còn gặp khó khăn trong tiêu chí về tổ chức sản xuất do chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung, thu nhập đến nay mới đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Chí Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho rằng, hiện nay, mức độ đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng của huyện vẫn ở mức thấp. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, nguồn lực huy động xây dựng NTM chưa nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, công tác đấu giá đất ở một số địa phương còn gặp khó khăn.

Theo ông Viễn, xác định là huyện khó khăn của Hà Nội nên trong quá trình xây dựng NTM, huyện Ứng Hòa luôn chú trọng tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân sản xuất. Đi đúng hướng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, giá trị sản xuất của ngành liên tục tăng. Như năm 2017 đạt 3.572 tỷ đồng (chiếm 36,8% tổng giá trị sản xuất).

"Trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa kiến nghị thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, vì tỷ lệ trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện còn rất thấp và cần nguồn đầu tư rất lớn. Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác, tăng cường thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ ND xây dựng thương hiệu hàng hóa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” - ông Nguyễn Chí Viễn khẳng định.

"Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng NTM. Đến nay, toàn Hội đã vận động ND đóng góp trên 30 tỷ đồng, gần 50.000 ngày công lao động, hiến trên 34.900m2 đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...".

Ông Phạm Văn Hoạch - Chủ tịch Hội ND huyện Ứng Hòa

Hải Đăng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/ung-hoa-gap-kho-trong-xay-dung-ntm-do-thieu-nguon-luc-tram-trong-921923.html