Ủng hộ thuế giá trị gia tăng phân bón ở mức 5%

Hội Nông dân Việt Nam nhất trí thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) phân bón ở mức 5% theo dự thảo Tờ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ và Quốc hội.

 Việc Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế giá trị giá tăng phân bón là 5% nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, Hiệp hội liên quan, trong đó có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: DPM.

Việc Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế giá trị giá tăng phân bón là 5% nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, Hiệp hội liên quan, trong đó có sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: DPM.

Các Bộ, Ngành, Hội đều ủng hộ sửa Luật thuế 71

Trao đổi với NNVN, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, Hội đã nhận được Công văn số 12375/BTC-CST ngày 8/10/2020 của Bộ Tài chính lấy ý kiến đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón.

Hội Nông dân Việt Nam nhất trí với nội dung Tờ trình về Dự án Nghị quyết về chính sách thuế GTGT 5% để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón Bộ Tài chính gửi Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT trong tình hình hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% được thông qua giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành sản xuất phân bón trong nước.

Tuy nhiên, theo bà Thơm, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần tăng cường quản trị, rà soát tiết giảm chi phí để giảm giá thành, hạ giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi ích với người nông dân trên cơ sở các bên cùng có lợi, qua đó, tiếp tục góp phần bình ổn thị trường phân bón nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, giảm lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường trong nước.

Cùng với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, phúc đáp văn bản số 12375/BTC-CST ngày 8/10/2020 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến vào đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế GTGT, Bộ NN-PTNT cũng thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi quy định về thuế GTGT theo hướng 5% đối với phân bón tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón là phù hợp với thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: DPM.

Nghị quyết về phân bón phù hợp Luật Ban hành văn bản

Về phía Bộ Tư pháp, ngày 22/10/2020, Bộ đã có báo cáo thẩm định số 221/BCTĐ-BTP về dự thảo Nghị quyết.

Bộ Tư pháp về cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết Bộ Tài chính xây dựng, cụ thể: Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản.

Bộ Tư pháp cũng nhất trí với với nội dung đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.

Về hình thức văn bản, Bộ Tư pháp có ý kiến, do mặt hàng phân bón đã được quy định tại Luật Thuế GTGT nên khi thay đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng này cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ về việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết.

Giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy trình xây dựng dự án Luật của Quốc hội gồm hai bước:

Bước 1 - Đề nghị xây dựng dự án Luật của Quốc hội (cơ quan chủ trì chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật của Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến để Chính phủ trình Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật).

Bước 2 - Xây dựng dự án Luật của Quốc hội (sau khi dự án Luật được đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội), cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục thực hiện trình tự, thủ tục tương tự bước 1.

Việc trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 71 phải có tổng kết đánh giá và sửa đổi tổng thể các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT, nếu chỉ sửa một nội dung về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón sẽ khó thuyết phục đại biểu Quốc hội để đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội.

Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính thấy rằng: Tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định: “...e) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội”. Căn cứ vào quy định nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón là phù hợp với thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết là phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế GTGT cho phân bón khi chưa sửa được Luật Thuế GTGT.

Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, việc áp dụng thuế GTGT 5% sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực cho ngành nông nghiệp và giúp giá phân bón giảm. Ảnh: DPM.

Giá phân bón sẽ giảm khi áp thuế suất GTGT 5%

Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% sẽ có nhiều tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nước và giá phân bón sẽ giảm. Bà con nông dân cả nước được hưởng lợi trong dài hạn khi giá cả phân bón ổn định, có nhiều loại phân bón thế hệ mới tốt hơn.

Cụ thể, đối với ngân sách Nhà nước, theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT năm 2019 là khoảng 23.400 tỷ đồng, nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% khâu nhập khẩu số thu ngân sách Nhà nước về thuế GTGT phải nộp khâu nhập khẩu sẽ tăng là 1.170 tỷ đồng.

Đối với khâu sản xuất trong nước, theo số liệu tính toán sơ bộ của cơ quan thuế và báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất phân bón không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong giai đoạn 2016 - 2019 trung bình mỗi năm khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết áp dụng thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ tương ứng với số thuế GTGT đầu ra phải nộp khoảng 950 tỷ đồng, số thuế được khấu trừ này doanh nghiệp không phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh nên phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán. Từ đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện giảm giá thành để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá bán phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, việc áp 5% thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế, các cam kết của Việt Nam và quy định của Luật thuế GTGT. Hiện Luật thuế GTGT đang có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Trong đó, mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.

Nguyên Huân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ung-ho-thue-gia-tri-gia-tang-phan-bon-o-muc-5-d276029.html