Ủng hộ những nhà văn có tâm, có tầm

Danh sách các Hội đồng chuyên môn và Ban công tác Hội Nhà văn Việt Nam khóa X vừa được công bố, văn giới lập tức có nhiều ý kiến trái chiều, nào là ủy viên ít tên tuổi, chưa viết được tác phẩm đọc 'kinh người', hay Ban nhà văn trẻ gồm toàn các ủy viên trên 40 tuổi. Ý kiến trái chiều về một vấn đề nào đó cần được xem là điều bình thường, nhất là xưa nay chuyện lựa chọn nhân sự luôn khó đạt đồng thuận tuyệt đối.

Có 5 hội đồng chuyên môn và ban công tác (văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, nhà văn trẻ, văn học thiếu nhi) bao quát đời sống văn học nước nhà. Những cơ quan này là trụ cột của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc tham mưu, đề xuất các cuộc thi, trại viết, đề cử cây bút có tài năng muốn trở thành hội viên, đề xuất và thẩm định tác phẩm để trao giải thưởng hằng năm... Những năm qua, có một số việc các cơ quan tham mưu của Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện khá tốt, nhưng cũng còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí gây điều tiếng không đáng có như kết nạp hội viên, trao thưởng tác phẩm. Nhìn thẳng vào sự thật thì uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam phần nào có giảm sút.

Thực tế đó đòi hỏi ban chấp hành mới phải khôi phục vị thế của Hội Nhà văn Việt Nam và góp phần giúp văn chương nước nhà ngày một phát triển. Để đạt được mục tiêu này, những người tham gia công tác hội phải đặt chữ “tâm” để thể hiện cái “tầm”. Đặt chữ “tâm” lên trên hết bởi văn chương là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, khó nắm bắt, vốn chín người mười ý, không có “tâm” thì dễ bị dị nghị. Như chuyện đề cử người này mà chưa đề cử người kia vào hội, tất nhiên những người chưa được kết nạp sẽ có ý kiến nói ra nói vào. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu các hội đồng chuyên môn công tâm, minh bạch đề cử người xứng đáng, không bị những vấn đề phi văn chương tác động, chắc chắn sẽ chẳng ai phàn nàn về chất lượng hội viên mới.

Câu chuyện thời sự hiện nay là số người trẻ đam mê, dấn thân vào nghiệp viết không nhiều. Nếu chỉ tổ chức hội nghị viết văn trẻ trong vài ngày, xong xuôi tất cả lại đi về như những lần trước thực sự là không hiệu quả. Mở các cuộc thi hay hỗ trợ xuất bản là điều cần thiết, nhưng người viết trẻ cần nhất sự khuyến khích kích hoạt năng lượng sáng tạo, cần môi trường văn chương lành mạnh, được chấp nhận những lối đi riêng, kết nối đồng nghiệp để giao lưu học hỏi... Các ủy viên Ban nhà văn trẻ sẽ phải bỏ nhiều thời gian, công sức, tận dụng uy tín xã hội để giúp đỡ các đồng nghiệp lớp sau. Như vậy, Ban nhà văn trẻ toàn người trên 40 tuổi cũng là điều dễ hiểu.

Trong cuộc trò chuyện mới đây với chúng tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nói về việc nâng cao uy tín giải thưởng của hội. Trước đây, giải thưởng có thể bỏ sót tác phẩm hay là vì tác giả không tham gia dự giải hoặc không được đề cử. Bất cập nữa là hội đồng chấm giải cuối tháng 10 mới làm việc, tháng 12 công bố giải thưởng thì không đủ thời gian rà soát các tác phẩm. Sự thay đổi sẽ là các hội đồng phải thường xuyên làm việc với các nhà xuất bản để chính các nhà xuất bản đề cử cho hội đồng những cuốn sách hay. Hội đồng cũng sẽ tiếp cận những người đọc có khả năng đọc tốt, để phát hiện nhiều tác phẩm hay. Cuối năm nay, giải thưởng theo cách làm mới này sẽ được công bố, lúc đó sẽ thấy rõ hiệu quả của việc đổi mới cách làm.

Rõ ràng, chưa xét về động cơ, những ý kiến trái chiều về nhân sự Hội đồng chuyên môn và Ban công tác Hội Nhà văn Việt Nam đã đi hơi quá xa. Mới chỉ có quyết định thành lập, công bố tên các ủy viên, chương trình hành động chung và việc làm cụ thể chưa có thì sao đã nghi ngại? Tại sao không chờ đợi một thời gian để xem những ủy viên có chân trong các hội đồng làm việc thế nào?

Các ủy viên đều là những người viết văn, thiệt thòi nhất sẽ là mất đi thời gian sáng tạo để “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Thế nên, thay vì những nghi ngại không cần thiết, cần tin tưởng, hy vọng, ủng hộ những người có tâm, có tầm vì công việc chung, với ước mong văn học nước nhà có thêm những thành tựu.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ung-ho-nhung-nha-van-co-tam-co-tam-655731